Giống keo nuôi cấy mô góp phần phát triển rừng trồng bền vững
Bình Định hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất giống keo nuôi cấy mô, giống keo này đã góp phần phát triển rừng trồng bền vững.
Công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến cho phép nhân giống nhanh, số lượng lớn, chất lượng cây giống gần như đồng nhất. Ảnh: N.N
Phát triển mạnh sản xuất giống keo nuôi cấy mô
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có 3 doanh nghiệp sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô với năng lực khoảng hơn 26 triệu cây/năm. Đó là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (viết tắt là DNTN Nguyên Hạnh) và Công ty TNHH Vũ Hà.
Sớm nhận ra xu hướng trồng rừng bền vững, từ năm 2005, DNTN Nguyên Hạnh đã sản xuất giống keo nuôi cấy mô với năng lực 10 triệu cây giống/năm cung cấp cho người trồng rừng cả nước.
Năm 2018, trong khuôn khổ Dự án “Ứng dụng khoa học kĩ thuật phát triển hệ thống công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định”, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chuyển giao cho DNTN Nguyên Hạnh công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến, đồng thời chuyển giao 6 giống cây lâm nghiệp mới gồm keo lá tràm; bạch đàn Caman và bạch đàn lai UP54.
Sau khi tiếp nhận công nghệ mới, đội ngũ kỹ sư của DNTN Nguyên Hạnh nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của khu vực miền Trung và đặc biệt là tỉnh Bình Định, đảm bảo quy mô sản xuất công nghiệp.
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Nguyên Hạnh, công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến cho phép nhân giống nhanh, số lượng lớn, chất lượng cây giống gần như đồng nhất. Từ một cây mẹ 1 năm tuổi có chất lượng tốt, với công nghệ mới, có thể nhân lên hàng triệu cây con mang đầy đủ toàn bộ đặc điểm tính trạng của cây mẹ, bao gồm: Khả năng sinh trưởng, phát triển, năng lực chống chịu sâu bệnh, chất lượng gỗ…
“Cùng với công nghệ, 6 giống cây lâm nghiệp mới mà chúng tôi tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp có ưu điểm phát triển nhanh, gỗ có sinh khối lớn, ít bị đổ gãy khi mưa bão, chịu hạn và kháng bệnh tốt. Đặc biệt, cây keo lá tràm cho chất lượng gỗ tốt, phù hợp trồng rừng gỗ lớn, có thể thay thế cho cây keo lai”, bà Hạnh cho hay.
Năm 2010, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đầu tư dây chuyền với công suất thiết kế 10 triệu cây giống cấy mô/năm, hiện mỗi năm công ty sản xuất 3-5 triệu cây giống. Trong đó, công ty sử dụng khoảng 1 triệu cây để phục vụ công tác trồng rừng, số còn lại cung ứng ra thị trường.
“Trong thời gian tới công ty chỉ sản xuất cây giống nuôi cấy mô. Đây là công nghệ sản xuất đòi hỏi công nhân phải có tay nghề cao, nên công ty đã triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực để phát huy tối đa dây chuyền nuôi cấy mô với công suất thiết kế 10 triệu cây giống/năm”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cho hay.
Nâng cao chất lượng rừng trồng
Càng ngày, người trồng rừng ở Bình Định càng “hít” giống keo nuôi cấy mô. Bởi, giống cấy mô cho tỉ lệ sống cao, phát triển tốt, nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Trần Ngọc Thái, chủ rừng ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho hay: “Tôi trồng 40ha rừng, trong đó có hơn 200.000 cây keo lai cấy mô. Giống nuôi cấy mô cho gỗ chất lượng tốt hơn, năng suất cũng cao hơn từ 30-40 tấn/ha so với keo giâm hom nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với trồng giống keo giâm hom”.
Theo đánh giá của những chủ rừng keo trồng giống nuôi cấy mô, dù trồng cùng thời gian và được chăm sóc cùng chế độ, nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính thân cây và chiều cao cây gấp 1,5 lần so với keo lai giâm hom.
Ngoài ra, keo lai nuôi cấy mô còn có khả năng chống chịu gió bão nhờ ít cành nhánh, cây có rễ cọc chắc chắn, đồng thời chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Do giống nuôi cấy mô trồng mật độ thưa nên giảm chi phí về cây giống, phân bón, nhân công lao động.
“Nhờ trồng giống nuôi cấy mô nên 26ha rừng keo của tôi trồng theo hướng rừng gỗ lớn mới 1 năm tuổi mà phát triển rất tốt, so với giống keo giâm hom trồng cùng lúc rừng của tôi phát triển nhanh và tốt gấp đôi”, ông Đỗ Duy Thụy, chủ hộ trồng rừng ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) cho hay.
Còn ông Nguyễn Anh Dũng ở xã Phước Mỹ (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) thì cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng rừng bằng cây keo giâm hom. Năm 2016, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống keo lai nuôi cấy mô trồng mới 1ha, kết quả rất khả quan, tỷ lệ sống trên 95%, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, độ đồng đều cao”.
“Mỗi năm Bình Định khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng trồng. Đáp ứng xu hướng chuyển dịch trong chọn sử dụng cây giống lâm nghiệp, các doanh nghiệp chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức người trồng rừng về sự lựa chọn giống cây lâm nghiệp bằng giống nuôi cấy mô, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển trồng rừng gỗ lớn theo định hướng của tỉnh”, ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm Bình Định.
Có thể bạn quan tâm
Rừng keo lai trồng đúng kĩ thuật thâm canh: chọn giống tạo cây con, trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ chu đáo, sau 7-8 năm có thể cho thu hoạch gỗ để làm nguyên liệu chế biến bột giấy
Keo tai tượng là dạng cây gỗ lớn, chiều cao có thể đạt tới 30 m. Đường kính có thể đạt được đến 120–150 cm. Ở Việt Nam, Keo tai tượng được trồng rừng với mục đích chủ yếu là cải tạo môi trường sinh thái và sản xuất gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến bột giấy, gỗ ván dăm.
Keo lá Tràm - Acacia auriculiformis hay các loại cây Keo là loại Cây gỗ cao tới 25 - 30m, cành nhỏ, tự tỉa cành tốt, dễ trồng bằng hạt, sống lâu, cố định đạm. Có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt, thoát nước kém. Cây mọc nhanh, tốc độ sinh trưởng cao trong vài năm đầu.