Trang chủ / /

Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát

Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát
Ngày đăng: 17/07/2013

Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.

Với sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt là đối với những vùng không chủ động nước tưới trong mùa khô thì cây đậu phụng vẫn là sự lựa chọn hiệu quả nhất, bởi giống cây trồng này không cần tốn quá nhiều nước tưới nhưng lại cho hiệu quả cao hơn làm lúa. Vì vậy, việc thí nghiệm để nhân giống đậu phụng mới và tạo mô hình chuyển đổi có hiệu quả cho cây đậu phụng là hết sức cần thiết.

Được sự đầu tư, hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm KN - KN tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất đậu phụng hè tại thôn Nghĩa Hòa. Theo đó, có 110 hộ được chọn để tham gia được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật như cách lên luống, làm đất, bón phân, cân đối từng thời kỳ sinh trưởng. Sau hơn 2 tháng triển khai, 7ha giống đậu phụng L23 đã cho kết quả rất khả quan.

Theo báo cáo của Trung tâm KN - KN tỉnh, mặc dù chi phí đầu tư cho giống đậu phụng L23 cao hơn so với giống đại trà truyền thống của nông dân nhưng lại có tổng thu gấp 1,4 lần. Về lãi ròng, giống L23 mang lại hiệu quả cao hơn gấp 2,7 lần so với giống truyền thống. Ông Phan Thanh Tứ, một nông dân tham gia mô hình, cho biết: “So với giống đậu phụng trước đây thì giống mới này đem lại hiệu quả cao hơn, ít sâu bệnh, trái lại nhiều và ít bị chết yểu”.

Theo ông Võ Xuân Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam, địa phương chủ yếu là vùng đất cát, hệ thống thủy lợi chưa phát triển, không thể chủ động nguồn nước tưới cho lúa trong mùa khô. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những giống cây có thể không cần nước tưới nhiều như cây đậu phụng là hết sức cần thiết. Theo ông Tùng, toàn xã có 217ha chuyên trồng đậu phụng. Tuy nhiên, với giống truyền thống thì hiệu quả vẫn chưa cao, sâu bệnh nhiều nên đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. “Đất ở đây được chia làm 3 vụ trong năm xen kẽ nhau.

Ở vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi, đảm bảo được nước tưới thì người dân làm lúa, đến xuân hè thiếu nước thì chuyển đổi sang trồng đậu, và hè thu lại làm lúa, cứ thế xoay vòng. Sắp tới, với hiệu quả từ giống mới L23 mang lại và sự hỗ trợ từ Trung tâm KN - KN tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng một vùng chuyên canh để trồng đậu, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân” - ông Tùng cho biết thêm.

Nhiều người dân thôn Nghĩa Hòa rất phấn khởi khi đưa giống đậu phụng mới có năng suất cao vào canh tác bởi đã tạo ra hướng đi mới, cải thiện thu nhập trên những vùng đất chuyên canh không chủ động nước tưới. Bà Mai Thị Ánh Tuyết (một người dân địa phương) hồ hởi: “Ở đây người ta gọi cây đậu phụng là cây 3 lợi.

Dùng dầu ăn được ép từ đậu phụng sẽ tốt cho sức khỏe, đó là cái lợi thứ nhất; hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cho nông dân cũng cao hơn nhiều so với làm lúa, lại tốn ít thời gian chăm sóc, đó là cái lợi thứ hai; thân của cây đậu được dùng làm thức ăn cho bò, đỡ bớt kinh phí thức ăn cho gia súc, đó là cái lợi thứ ba.

Chính vì vậy nên chúng tôi rất phấn khởi khi được chọn để làm thí điểm cho giống mới của Trung tâm KN - KN tỉnh”. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi - cán bộ Phòng Kỹ thuật thông tin (Trung tâm KN - KN tỉnh), với những lợi ích kinh tế đã được kiểm chứng, việc phát triển, mở rộng mô hình giống đậu phụng mới này sẽ rất cần thiết đối với những vùng không thể chủ động nước tưới vào mùa khô.


Có thể bạn quan tâm

Giống Sắn KM140 Giống Sắn KM140

Thời gian thu hoạch hợp lý từ 7- 10 tháng sau khi trồng. Bình quân năng suất củ tươi đạt 33,4 tấn/ha (trong điều kiện thâm canh như Đồng Nai, Tây Ninh có thể đạt 40-50 tấn/ha), hàm lượng tinh bột 27,2%, hàm lượng HCN 105,9 mg/kg chất khô. Thân thẳng, nhặt mắt, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị trường.

04/01/2012
Giống Lúa Nếp ĐT52 Giống Lúa Nếp ĐT52

Giống lúa nếp ĐT52 có thời gian sinh trưởng ngắn. Tại miền Bắc vụ xuân 130 -135 ngày, vụ mùa 100 - 110 ngày. Miền Trung vụ ĐX 120 - 125 ngày, vụ HT 100 - 102 ngày. Cây cao 98 - 110 cm, cứng cây chống đổ tốt. Năng suất trung bình 60 - 65 tạ/ha, cao đạt 70 - 75 tạ/ha, tăng hơn giống đối chứng TK 90 từ 15 - 20%

18/09/2011
Nghiên Cứu Lai Tạo Thành Công Giống Dưa Chuột PC4 Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu Nghiên Cứu Lai Tạo Thành Công Giống Dưa Chuột PC4 Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu

Sản xuất dưa chuột ngày càng phát triển nên nhu cầu về giống của người dân khá lớn. Vừa qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu lai tạo thành công giống dưa chuột PC4 phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Giống dưa này không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mà còn phù hợp với chế biến xuất khẩu.

08/03/2012
Giống Lúa Chiên Chịu Mặn Giống Lúa Chiên Chịu Mặn

Đó là các giống lúa chiên trắng và chiên đen được Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh TT- Huế phối hợp huyện Hương Trà phục tráng thành công.

05/03/2012
Giống Dâu Lai F1- VH15 Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Giống Dâu Lai F1- VH15 Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Giống dâu F1- VH15 có nhiều đặc điểm vượt trội. Lá dâu F1- VH15 có chiều dài trung bình từ 25 – 35cm. Đây là kích thước lớn gấp đôi so với lá của giống dâu thông thường ở địa phương. Bên cạnh đó, dâu lai F1 VH15 trồng bằng hạt, có bộ rễ cắm sâu vào mặt đất từ 4-5 m.

12/03/2012