Giống đậu phộng LDH09 và LDH12 năng suất tăng 15%
Giống đậu phộng LDH12 năng suất cao nhất 9,2 tấn/ha; giống LDH09 có năng suất trung bình đạt 9,1tấn/ha, cao hơn từ 10 - 15% so với các giống thông thường.
Trà Vinh có diện tích đất giồng cát trên 14.000ha, chiếm 22% tổng diện tích đất nông nghiệp, rất thích hợp cho cây đậu phộng (lạc) phát triển. Năm 2020, diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gần 4.400ha, sản lượng 22.000 tấn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Hiện nay, nguồn giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 15 - 25% nhu cầu. Số lượng giống còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ nên rất khó kiểm soát chất lượng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để nâng cấp chuỗi gia trị đậu phộng tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh) đã nghiên cứu xác định được 2 giống đậu phộng có năng suất cao, tăng 10 - 15% so với giống các hộ dân thường trồng.
Đề tài xây dựng mô hình tại 3 huyện Duyên Hải, Trà Cú và Cầu Ngang với tổng diện tích 12.000 m2. Sau 2 vụ thực hiện, đề tài đã chọn được hai giống đậu phộng LDH09 và LDH12 có năng suất cao hơn từ 10 - 15% so với giống đối chứng.
Ông Kim Hên, ở ấp Giồng Lớn A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (Trà Vinh) có 4 công rẫy tham gia mô hình trồng đậu phộng thử nghiệm giống mới nhận xét, các giống mới dễ trồng, năng suất cao, giá bán hơn đậu khác 5.000 đồng/kg.
Đậu phộng là cây họ đậu có khả năng cố định đạm, dễ trồng và chi phí đầu tư thấp, thích hợp với vùng đất phù sa, thịt pha cát, có tác dụng cải tạo đất. Canh tác đậu phộng để nâng cao độ phì cho đất là một thế mạnh trong hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, cây trồng này đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Trà Vinh. Do đó, cây đậu phộng là một trong 7 loại cây trồng được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chọn làm cây trồng chủ lực trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Biên cho biết: Trên địa bàn xã Ngọc Biên, diện tích trồng đậu phộng là 425ha. Thời gian qua, cây đậu phộng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Mô hình đầu tư trồng thử nghiệm giống đậu phộng mới tại xã đã có quả tích cực.
Giống đậu phộng mới thích ứng tốt, năng suất cao. Thời gian tới, UBND xã Ngọc Biên mong Sở KH-CN tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình, tăng nguồn cung cấp giống cho người dân.
Bà Huỳnh Vân An, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu giống đậu phộng mới cho biết: Qua thời gian thực hiện mô hình, đề tài ghi nhận được giống LDH12 và LDH09 là hai giống cho hiệu quả năng suất cao, chất lượng hạt tốt, tỉ lệ hạt chắc cao. Giống LDH12 cho kết quả năng suất cao nhất là 9,2 tấn/ha. Giống LDH09 có năng suất trung bình đạt 9,1 tấn/ha.
Kết quả này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia thực hiện mô hình. Do đó, trong thời gian tới, cần tiến hành bố trí nhân rộng các giống đạt hiệu quả tốt. "Năm 2022, chúng tôi tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình tại huyện Trà Cú, qua đó sẽ nhân rộng mô hình lên 2ha để cung cấp nguồn giống tốt cho người dân", bà Vân An nói.
Thời gian qua, việc trồng và cung cấp giống cây đậu phộng của tỉnh Trà Vinh còn nhiều khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân, nông dân gặp trở ngại trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, thiếu doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Vì vậy, thu nhập của nông dân thiếu ổn định.
Do đó, việc chọn tạo thành công giống đậu phộng có năng suất, chất lượng tại địa phương đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cây đậu phộng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Những nghiên cứu từ lúa hoang của nông dân vùng Shyamnagar đã cho ra những giống phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, năng suất cao hơn
Quy trình mang tính tham khảo, được tổng hợp dựa trên các mô hình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai (f1) Happy 6, Hapyy 7 (gọi chung là dưa lê vàng).
Nghề nuôi vỗ cua mẹ đã xuất hiện từ lâu ở huyện Năm Căn và ngày càng mang đến thu nhập ổn định cho người dân nơi đây,