Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Gieo thẳng - Biện pháp kỹ thuật ứng dụng thành công trong sản xuất lúa

Gieo thẳng - Biện pháp kỹ thuật ứng dụng thành công trong sản xuất lúa
Tác giả: Đinh Chúc
Ngày đăng: 05/10/2018

Gieo thẳng là một biện pháp kỹ thuật trong canh tác cây lúa, đã được nông dân các vùng trồng lúa biết đến từ lâu. ở các tỉnh phía Nam, gieo thẳng là biện pháp canh tác chủ yếu của người nông dân mỗi khi bước vào vụ sản xuất với cái tên thường gọi là gieo sạ hoặc sạ lúa. Đối với các tỉnh phía Bắc, những năm của thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước, nhiều nơi cũng đã sử dụng gieo thẳng, gieo vãi. Nhưng do trình độ canh tác lúc bấy giờ còn thấp; cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu và thiếu… nên các mô hình thâm canh lúa bằng hình thức gieo thẳng không hiệu quả. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, biện pháp gieo thẳng đã được các địa phương trong tỉnh đưa vào canh tác và ngày càng mở rộng diện tích.

Nông dân xã Khánh Hải (Yên Khánh) làm đất gieo thẳng. Ảnh: Đức Lam

Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Đã gần 10 năm nay, Hợp Tiến luôn tích cực áp dụng biện pháp gieo thẳng vào sản xuất và vụ đầu cũng chỉ có khoảng 50 ha. Nhưng từ năm 2015 đến nay, ở cả 2 vụ sản xuất (đông xuân và mùa) HTX đều có gần 100% diện tích là lúa gieo thẳng.

Nhờ làm tốt công tác “Dồn điền, đổi thửa” gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng (đường giao thông, hệ thống kênh mương...), máy bơm, trạm bơm đầy đủ có công suất lớn... nên người nông dân không chỉ thuận lợi trong canh tác cây lúa mà còn có điều kiện để thay đổi hình thức canh tác cây trồng này hoặc chuyển đổi phương thức canh tác loại cây trồng mới, ngay cả khi điều kiện thời tiết, khí hậu bất thuận như vụ mùa vốn là vụ sản xuất nằm trọn trong mùa mưa bão.

Ngay từ vụ mùa năm 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay tại HTX Đông Thượng (Khánh Thượng - Yên Mô). Mô hình được thực hiện trên diện tích 10 ha (với sự hỗ trợ của Trung tâm về giàn máy kéo tay, thuốc trừ cỏ) và có tới 184 ha được sản xuất theo hình thức gieo thẳng bằng giàn kéo tay và gieo vãi, chiếm 61,3% diện tích lúa cấy của HTX.

Từ kết quả của mô hình cho thấy: Gieo thẳng tiết kiệm được chi phí sản xuất, do không phải mua nilon che phủ mạ ở vụ đông xuân (khoảng 40.000 đồng/sào tại thời điểm đó); tiết kiệm được công lao động (công lấy bùn, công gieo mạ, công cấy lúa khoảng 100.000 đồng/sào tại thời điểm đó); rút ngắt thời gian sinh trưởng của lúa trên đồng ruộng từ 7-10 ngày; năng suất cao hơn so với lúa cấy (khoảng 20%). 

Ngoài mô hình điểm ở trên, ở các vụ sản xuất tiếp theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hỗ trợ và bố trí xây dựng các mô hình ở các xã: Yên Quang (Nho Quan); Gia Hưng (Gia Viễn); Khánh Hải, Khánh Cường (Yên Khánh); Ninh Thắng (Hoa Lư)...với hàng năm bố trí, hỗ trợ cho khoảng 100 ha. Hiệu ứng lan truyền về lợi ích và hiệu quả của biện pháp gieo cấy này đã đưa diện tích lúa gieo thẳng trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên qua các năm. 

Tổng hợp của Sở Nông nghiệp & PTNT cho thấy: Năm 2009 chỉ có 400 ha lúa được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng; tập trung ở Yên Mô, Gia Viễn và thị xã Tam Điệp; năm 2010 biện pháp gieo thẳng đã được mở rộng ra 8 huyện, thành, thị với tổng diện tích đạt 2.400 ha, chiếm 3% diện tích gieo cấy lúa trong năm của cả tỉnh. 

Năm 2018, vụ lúa đông xuân có 17.028 ha thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng, chiếm 42% tổng diện tích lúa gieo cấy được, tăng 1.887 ha so với cùng vụ năm trước; vụ mùa có 18.172 ha gieo thẳng, chiếm trên 50% tổng diện tích lúa gieo cấy được trong vụ với nguyên nhân là do mưa úng đầu vụ kéo dài làm chậm tiến độ sản xuất, trong khi khung thời vụ hết đã kề cận, nên nhiều địa phương chủ yếu sử dụng biện pháp gieo thẳng trong khâu gieo cấy lúa mùa. Phương thức gieo thẳng cũng đã được thay đổi căn bản, từ việc thực hiện bằng giàn kéo tay, đến nay hầu hết là sử dụng gieo vãi trực tiếp bằng tay.

Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc đẩy mạnh phát triển lúa gieo thẳng trên đồng ruộng các tỉnh phía Bắc; từ thực tiễn sản xuất lúa ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh lân cận... Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình chủ trương đưa nhanh biện pháp gieo thẳng lúa vào đồng ruộng. Nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì, triển khai, tổ chức thực hiện. 

Để thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; bố trí các cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục lãnh đạo và người dân để họ hiểu về biện pháp kỹ thuật này, lợi ích của nó; đồng thời xúc tiến xây dựng các mô hình làm điểm.

Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Có thể hiểu chung về gieo thẳng là việc gieo trực tiếp mộng mạ trên ruộng sản xuất và như vậy toàn bộ chu trình canh tác của cây lúa sẽ bỏ qua vấn đề gieo mạ, cấy, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng, giải quyết được vấn đề nhân lực và thời vụ. 

Điểm xây dựng mô hình, vùng thực hiện biện pháp kỹ thuật gieo thẳng phải có hệ thống kênh mương tưới tiêu hoàn chỉnh; ruộng bằng phẳng, đất nhuyễn; sau khi gieo từ 1-3 ngày phải phun thuốc trừ cỏ; giảm lượng đạm bón từ 10-15% và tăng lượng kali lên 15% so với ruộng lúa cấy, nhằm tăng khả năng chống đổ cho cây lúa. 

Với phương thức gieo thẳng bằng giàn kéo tay có những ưu điểm giống như gieo vãi (gieo bằng tay), nhưng lại có những điểm bất cập là mộng mạ phải đồng đều (không được dài quá, ngắn quá); mộng mạ gieo bằng giàn nằm ngay trên mặt ruộng, nên lúa dễ bị đổ khi có gió bão; việc gieo thẳng bằng giàn phải được tổ chức tập trung, trên vùng rộng với đội chuyên, tổ chuyên làm dịch vụ...

Từ những bất cập đó, việc gieo thẳng bằng giàn kéo tay đã không được các địa phương và người dân hưởng ứng; nên phương thức gieo thẳng hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng gieo vãi trực tiếp bằng tay. 

Tuy nhiên, biện pháp gieo thẳng nói chung có hạn chế là phải sử dụng thuốc trừ cỏ ở thời kỳ tiền nẩy mầm; cùng với việc lạm dụng phân hóa học trong sản xuất... nên dễ dẫn đến tình trạng trai cứng đất, ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh trên lúa mùa Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh trên lúa mùa

Cần chú ý phòng trừ các ổ rầy các loại, sâu đục thân, châu chấu và diệt chuột bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để hạn chế nguồn chuột gây hại khi lúa sang

13/09/2018
Bệnh lem lép hạt lúa Bệnh lem lép hạt lúa

Trong thực tế sản xuất lúa, bệnh lem lép hạt thường xuyên xảy ra trên đồng, và xảy ra trong tất cả các vụ lúa.

24/09/2018
Giống lúa giúp be bồ chứa thóc Giống lúa giúp be bồ chứa thóc

Giống lúa BC15 được trình diễn lần đầu tiên trong vụ HT 2018 trên cánh đồng xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên) đã giúp nông dân be bồ chứa thóc.

25/09/2018
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.