Giàu từ rau màu
Không chỉ cấy lúa, nhiều hộ nông dân ở các xã ven thành phố Thái Bình còn có thu nhập tốt từ trồng rau màu. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nông dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) xuống giống vụ rau mới.
Về xã Vũ Phúc những ngày này, mọi người tận mắt chứng kiến không khí nhộn nhịp của vùng ven thị trù phú với những cánh đồng rau màu trải dài, những ngôi nhà cao tầng, xe máy, xe tải tấp nập vào ra vận chuyển rau đi tiêu thụ. Tại cánh đồng thôn Cự Phú, người nhổ cỏ, bón phân, người gánh nước tưới rau, xa xa là đoàn xe của thương lái đến tận đầu ruộng thu mua nông sản.
Ông Hoàng Thế Quỳnh, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Với điều kiện đồng đất thuận lợi, thích hợp trồng rau màu và kinh nghiệm từ hàng chục năm nay nên trên khắp các cánh đồng rau màu của Vũ Phúc luôn tươi tốt. Toàn xã có 330ha đất nông nghiệp, trong đó gần 60ha chuyên canh rau màu, tập trung ở các thôn Cự Phú, Bắc Sơn, Thanh Miếu. Từ nhiều năm nay, hệ số sử dụng đất của Vũ Phúc lên tới 3,5 lần/năm. Vùng chuyên canh, bà con thực hiện quay vòng 8 - 9 lần, cho giá trị gấp 5 - 7 lần cấy hai vụ lúa. Mọi người, mọi nhà thi đua thâm canh tăng vụ. Các loại rau được trồng rất đa dạng, từ cây gia vị đến xà lách, bí đao, rau cải, đậu đỗ... Người dân trồng rau theo nhu cầu của thị trường nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh và có giá trị kinh tế cao. Mùa nào cây nấy, nông dân Vũ Phúc không cho đất nghỉ nên đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới giữa thời vụ chính xuân hè, hè thu và vụ đông hàng năm bị xóa nhòa bởi bà con liên tục trồng luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây rau màu.
Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Cự Phú phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có gần 6 sào ruộng chuyên canh các loại rau màu như hành, mùi, thì là, xà lách... Trước đây thường phải thu hoạch mang ra chợ bán, thu nhập thấp, không ổn định. Mấy năm gần đây, trong xã có nhiều hộ đứng ra thu mua sản phẩm cho nông dân, giá bán ổn định, nông dân không phải mất công mang ra chợ bán. Hơn nữa, năm nay giá rau ổn định ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi.
Khác với Vũ Phúc, rau màu vùng chuyên canh ở xã Vũ Chính được bà con nông dân làm vòm che nilon nên phát triển rất thuận lợi, kể cả khi thời tiết bất thuận.
Bà Vũ Thị Thoa, thôn Tống Văn, xã Vũ Chính cho biết: Nhiều năm nay chúng tôi áp dụng phương pháp làm vòm che nilon trồng cải các loại, hành, cần tây, thì là... Hiệu quả rất cao, cây trong vòm che sinh trưởng, phát triển tốt, bộ lá xanh. Đặc biệt, chủ động hoàn toàn thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết. Cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương muối làm dập lá, cháy lá, hạn chế nấm bệnh, vi khuẩn phát sinh gây hại nên giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Riêng đối với rau cải xanh ăn lá do thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch, rau được trồng trong vòm từ khi gieo đến khi thu hoạch được rút ngắn 7 - 10 ngày so với rau gieo không che vòm; hành và tỏi bộ lá không bị cháy đầu lá, táp lá. Từ đó giảm công chăm sóc, năng suất thu hoạch tăng hơn so với sản xuất rau truyền thống từ 10 - 15%. 2 tháng nay thời tiết bất thuận nhưng rau màu của nông dân Vũ Chính vẫn được mùa, giá cao nên bà con rất phấn khởi. Gia đình tôi có 2 sào rau màu, chỉ trong 2 tháng tiền bán rau cũng được trên 30 triệu đồng.
Nhờ giá trị cao của rau màu, nhiều nông dân thành phố vẫn miệt mài với đồng ruộng và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Công sức của họ được đền đáp xứng đáng khi mức sống ngày càng được nâng cao.
Có thể bạn quan tâm
Anh chi ra khoảng 110 triệu đồng chi phí phân bón, nhân công bao trái cho cả vườn gồm cả cây chưa cho thu hoạch. Tính riêng xoài cát hồng cho thu lãi 300 triệu
Khi áp dụng túi bao, giúp bảo vệ trái trước sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh và tránh tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, làm cho trái có màu sắc đẹp
Cách làm chuồng nuôi chồn của anh Tuấn khá đơn giản, anh xây một dãy chuồng hình chữ L, rộng 4m, dài 24m, chia thành 36 ngăn.