Gian nan tìm nguồn thức ăn thủy sản bền vững
Thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm có tốc độ phát triển nhanh nhất, khoảng 8%/năm. Theo World Bank, 2/3 thủy sản thế giới tiêu thụ năm 2030 có nguồn gốc từ nuôi trồng.
Thế nhưng nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển quá nóng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, phá vỡ hệ cân bằng sinh thái… Để ngăn chặn những tác động xấu tới hệ sinh thái và giảm chi phí đầu vào, người nuôi cá gần đây đã bắt đầu giảm hàm lượng bột cá trong thức ăn, thay thế bằng các loại ngũ cốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi nguồn thức ăn “chay” như vậy có đảm bảo dinh dưỡng cho cá và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản không.
Thực tế đã chứng minh cá hồi có thể phát triển tốt mà không cần nhờ đến bột cá. Nếu đứng trên quan điểm về tính bền vững, thì hiệu quả trong tiêu hóa thức ăn là lợi thế lớn nhất của thức ăn nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và chế biến những nguyên liệu thô có nguồn gốc thực vật thành thức ăn hoàn chỉnh là điều không đơn giản. Bột cá rất giàu khoáng chất như sắt, xê len, axit amino, lysine. Dù đậu tương, ngô hay các loại ngũ cốc khác không khan hiếm, nhưng để trở thành nguồn thức ăn hoàn chỉnh cho các loại thủy sản, chúng phải trải qua khâu chế biến khá phức tạp. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phải thử nghiệm hơn 50 loại nguyên liệu khác nhau trong năm qua để tạo ra nguồn thức ăn cân bằng tốt nhất cho cá và các loại thủy sản. Nguyên liệu đầu tiên phải kể đến đậu tương, nhưng rất khó tìm được đậu tương không biến đổi gen trong khi nhiều hãng sản xuất không muốn nguồn thức ăn có chứa các loại sản phẩm biến đổi gen. Sau đậu tương, chúng tôi cũng tìm đến nhiều nguồn khác như ấu trùng ruồi lính đen, ngô và tảo biển. Chúng tôi còn phát hiện ra hạt dẻ cười có hàm lượng Omega-3 rất cao, chứa 55% protein và có khả năng thay thế bột cá. Cá hồi nuôi bằng hạt dẻ cười đã xuất hiện trên thị trường Mỹ.
Tìm ra nguồn thức ăn bền vững quan trọng hơn việc sẽ nuôi cá ở đâu. Nhưng quá trình tìm kiếm nguồn thức ăn bền vững vấp phải không ít rào cản. Chi phí sản xuất thức ăn có nguồn gốc thực vật khá tốn kém chứ không rẻ như nhiều người nghĩ. Dù có nguồn gốc thực vật, nhưng đôi lúc nguồn thức ăn này lại gián tiếp phá vỡ cân bằng sinh thái. Ví dụ rõ nét nhất là Brazil đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới để trồng các cánh đồng đậu tương rộng lớn.
Thế mạnh về sự đa dạng loài nuôi của ngành thủy sản lại là điểm yếu lớn nhất của nó. Với ngành gia cầm, người nuôi chỉ biết đến gà, vịt... Nhưng ngành thủy sản có đến 200 loại cá được nuôi ở khắp nơi trên thế giới. Tìm ra một nguồn thức ăn bền vững cho tất cả các loài nuôi đó thực sự là một việc vô cùng khó khăn. Dù thức ăn có nguồn gốc từ loại thực vật nào đi nữa thì chúng cũng không đủ sức “cứu” được đại dương, hay hệ sinh thái mà chỉ làm giảm áp lực khai thác các loại cá tự nhiên trong ngành chế biến bột cá, dầu cá.
Rick Barrows
Theo Chuyên gia dinh dưỡng thủy sản, Bộ Nông nghiệp Mỹ
Có thể bạn quan tâm
So với các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp, con tôm được đánh giá có nhiều lợi thế từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường
Những tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết khá thuận lợi, người dân tích cực cải tạo ao đầm, thả giống, mở rộng diện tích nuôi; giá tôm nguyên liệu tăng cao
Thời gian gần đây, do diện tích trồng lúa 2 vụ tăng lên cộng thêm việc khai thác cá theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi cá đồng suy giảm nghiêm trọng.