Giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp
Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ “chết chậm” trong trồng trọt, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật Quản lý cây trồng tổng hợp và hữu cơ hóa nền nông nghiệp.
Cần áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật Quản lý cây trồng tổng hợp để ngăn chặn hiện tượng "chết chậm" trong ngành trồng trọt. Ảnh: IT.
ICM = INM + IPM
Nếu trước đây chúng ta đã có các biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và Quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), hình thức Quản lý cây trồng tổng hợp chính là sự kết hợp hài hòa của các biện pháp này.
Trong đó, Quản lý Dinh dưỡng tổng hợp là hình thức quản lý mà chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho cây trồng dựa trên cơ sở đặc điểm của môi trường sinh thái (đất, nước, thời tiết khí hậu, bón phân cân đối, khoa học), của tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng (tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng của từng loại cây), của tình hình bón phân và dịch hại cây trồng. Tức là, căn cứ vào mối tương quan nhiều mặt của các yếu tố trong hệ sinh thái mà loại cây trồng đang sinh sống.
Để bảo vệ “Sức khỏe” đất cần phải cương quyết thực hiện bón phân cân đối, hợp lý. Sử dụng qui trình bón phân theo nguyên tắc 4 Đúng; Phải tôn trọng mối quan hệ: “Đất - Phân bón - Cây trồng - Môi trường”.
Nguyên tắc của bón phân cân cân đối là: Cân đối của tỷ lệ NPK (Nhóm đa lượng); Cân đối giữa nhóm đa lượng với nhóm trung, vi lượng; Cân đối giữa phân vô cơ với phân hữu cơ; Cân đối giữa phân bón rễ với phân bón lá; Cân đối giũa nhóm chất điều hòa sinh trưởng thực vật với các chất (nguyên tố) dinh dưỡng thiết yếu.
Nguyên tắc của bón phân 4 đúng là: Đúng chủng loại phân cần bón; Đúng liều lượng qui định; Đúng cây trồng cần bón và đúng nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ; Đúng cách và đúng kỹ thuật bón phân.
Để tăng cường và duy trì “Sức khỏe” đất cần cần áp dụng ngay từ bây giờ chương trình canh tác theo xu hướng “Hữu cơ hóa” để tiến dần đến nông nghiệp hữu cơ và “Nông nghiệp tuần hoàn”.
Việt Nam rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ nhờ có nguồn nguyên liệu rất lớn để sản xuất phân hữu cơ, đầu vào quan trọng hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ.
Hữu cơ hóa nền nông nghiệp Việt Nam - Giải pháp bền vững
Nông nghiệp hữu cơ đêm lại vô vàn lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt và lâu dài. Do đó, việc chuyển hướng từ nông nghiệp truyền thống sang bước đệm nông nghiệp theo hướng hữu cơ (Hữu cớ hóa trong canh tác nông nghiệp) để từ đó dễ dang bước qua nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng tất yếu mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải nhận thức và hành động.
Hiện Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch tái cấu trúc ngành nông nghiệp và ban hành một loạt Nghị định, Tiêu chuẩn, quy chuẩn khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nên đây là thời điểm thuận lợi nhất để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cơ hội thứ hai là Việt Nam đã có mối quan hệ ngoại giao với 178 Quốc gia, do đó khi nông sản Việt Nam đã sản xuất theo tiêu chuẩn, qui chuẩn của nông nghiệp hữu cơ và được xác chứng nhận của các tổ chức IFOAM, USDA, EU,… thị phần sẽ được mở rộng hơn.
Cơ hội thứ ba, hiện người tiêu thụ nông sản trên thế giới và nội địa đã nhận thức và ý thức được về vấn đề ATVSTP vì vậy nhu cầu về sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ sẽ ngày càng tăng cao.
Cơ hội thứ tư là các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam và nước ngoài quan tâm tới việc tiêu thụ nông sản Việt Nam đã bắt đầu chú ý tới việc xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên nếu sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ sản phẩm của các liên kết sẽ có thương hiệu và thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam là Quốc gia nằm trong vùng Nhiệt đới, chính vì thế có nhiều loại nông sản rất đặc trưng cho nông sản Nhiệt đới và Á nhiệt đới, khi canh tác theo nông nghiệp hữu cơ sẽ là một ưu thế cạnh tranh.
Tiềm năng tiếp theo đó là trữ lượng của một số loại nguyên liệu để sản xuất những loại phân hữu cơ, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đầu tiên là nguồn nguyên liệu than bùn, theo thống kê trữ lượng trong cả nước đạt 7.100 triệu m3.
Việt Nam hiện có một nguồn phân chuồng vô cùng phong phú về chủng loại và sản lượng, ước tính khoảng 84,5 triệu tấn/năm. Đây là một trong những loại nguyên liệu vô cùng hữu hiệu để sản xuất phân hữu cơ.
Ngoài ra, một loại nguyên liệu vô cùng quí báu và dồi dào để sản xuất các loại phân hữu cơ, đó là than sinh học (Biochar) từ các nguồn phụ phẩm ngành nông nghiệp, như: vỏ trấu, vỏ cà phê, mụn xơ dừa, bã khoai mỳ (sắn),… những nguồn nguyên liệu quí để sản xuất phân hữu cơ.
Tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, hạn chế tối đa thuốc BVTV hóa học cũng là một giải pháp quan trọng để ngăn chặn bẹnh "chết chậm" trong trồng trọt.
Đặc biệt, để góp phần ngăn chặn nhanh chóng “Bệnh chết chậm” của ngành cây trồng trong nông nghiệp Việt Nam, ngoài việc canh tác theo hướng hữu cơ cần thay thế dần thuốc BVTV gốc hóa học bằng thuốc BVTV sinh học và gốc thảo mộc.
Thuốc trừ sâu sinh học bao gồm các loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học. Thành phần giết sâu có trong thuốc sinh học có thể là các vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virus) và các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là các chất kháng sinh), các chất có trong cây cỏ (là chất độc hoặc dầu thực vật).
Với các thành phần trên, thuốc trừ sâu sinh học có thể chia thành hai nhóm chính là: Nhóm thuốc vi sinh, thành phần giết sâu là các vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus; Nhóm thuốc thảo mộc, thành phần giết sâu là các chất có trong cây cỏ hoặc dầu thực vật.
Ưu điểm nổi bật nhất của thuốc trừ sâu sinh học là ít độc với người và môi trường. Các chế phẩm vi sinh vật dùng trừ sâu và dầu thực vật hầu như không độc với người và các sinh vật có ích. Do ít độc với các loài thiên địch nên thuốc sinh học bảo vệ được sự cân bằng sinh học trong tự nhiên (cân bằng giữa thiên địch và sâu hại), ít gây tình trạng bùng phát sâu hại.
Ở nước ta, ngoài các chế phẩm Bt đã được biết đến tương đối lâu, hiện nay có nhiều chế phẩm mới đã được đăng ký khảo nghiệm để sớm đươc sử dụng trong sản xuất như: Neem Oil; Dấm Gỗ; SH1… và sắp tới có cả thuốc trừ cỏ dại gốc thảo mộc (SWEPT PROTECTS Herbicide, thuốc diệt cỏ được đăng ký EPA có hiệu quả cao).
Với thuốc trừ cỏ, hiện nay, để phòng trừ cỏ dại có nhiều biện pháp như làm cỏ bằng tay, làm cỏ bằng máy móc và sử dụng thuốc trừ cỏ. Biện pháp trừ cỏ bằng thuốc hóa học hiện đang được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, thuốc trừ cỏ dại là nhóm thuốc BVTV dễ gây hại cho cây trồng.
Do đó, để bảo vệ “Sức khỏe” đất trồng, bảo vệ “Sức khỏe” cây trồng, môi trường và con người cần sử dụng vi sinh vật để xử lý làm sạch đất trồng khi đã còn tồn dư của thuốc trừ cỏ Glyphosate. Sử dụng enzyme thuộc hệ Ligninase của ba chủng nấm thuộc ngành nấm đảm Basidiomycetes để phân hủy tòn dư của thuốc trừ cỏ Glyphosate. Cần triển khai xây dựng mô hình để đưa ra ứng dụng thực tế, làm sạch đất nông nghiệp.
Ngoài ra, phải bảo vệ rừng đầu nguồn một cách nghiêm túc hơn nữa để chống xói mòn, giữ nước trời, duy trì cân bằng sinh thái. Phải biết tồn trữ nguồn nước ngọt ở khu vực miền núi và nguồn nước ngọt ở 3 Đồng bằng để phòng chống lũ lụt và hạn, mặn.
Tất cả các nguyên nhân và giải pháp dành cho việc sơm ngăn chặn hoặc góp phần khắc phục “Bệnh chết chậm” của ngành trồng trọt cần sự quan tâm của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương ngay từ bây giờ (khi chưa quá muộn) để nông nghiệp Việt Nam sớm trở thành một trong các cường quốc nông nghiệp trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay cà rốt vừa được mùa lại vừa được giá. Hiện, cà rốt có giá 8-10 triệu/ sào, cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm trước từ 2-3 triệu/sào...
Dù được FAO tư vấn kỹ thuật, các nông dân truyền thống Trung Quốc vẫn không thể địch lại những công nghệ tiên tiến trong cuộc thi vừa kết thúc hồi tháng 12/2020
Bộ Phát triển Nông nghiệp Peru (Midagri) thông báo nước này đã trở thành quốc gia sản xuất hạt diêm mạch (quinoa) lớn nhất thế giới với sản lượng đạt 89.775 tấn