Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Giải pháp nuôi tôm thẻ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Giải pháp nuôi tôm thẻ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Tác giả: Đ.T.Chánh - Văn Vũ
Ngày đăng: 28/12/2021

Nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn trong ao lót bạt là giải pháp thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu, được nông dân áp dụng mang lại hiệu quả cao.

Nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn trong ao (500 m2) là mô hình nuôi thông minh, giúp cho nhà nông chủ động trong việc ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi, nuôi hiệu quả, đạt năng suất cao, mang lại thu nhập khá. Ảnh: Trung Chánh.

Ngày 10/12, tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn trong ao (500 m2) lót bạt và nuôi hồ nổi 500 m3. Tại hội thảo các đại biểu đánh giá đây là mô hình nuôi thông minh, giúp cho nhà nông chủ động trong việc ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi, nuôi hiệu quả, đạt năng suất cao, mang lại thu nhập khá.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là địa phương có điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi tôm nước lợ. Tỉnh xác định nuôi tôm nước lợ là thế mạnh, cần phải đầu tư phát triển. Hơn nữa, thách thức do biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải chuyển đổi cho thích ứng, trong đó phát triển nuôi tôm là rất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.  

Vùng nuôi tôm công nghiệp của Kiên Giang chủ yếu tập trung tại các huyện thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên như: Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và TP Hà Tiên. Nhiều doanh nghiệp và người dân đã đầu tư nuôi tôm tại đây với diện tích lên đến hàng ngàn ha. Hiện nay, người dân đang chuyển dần sang hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, vừa giảm rủi ro vừa tăng năng suất.

Việc che lưới lan nhằm hạn chế tối đa tia bức xạ từ mặt trời chiếu trực tiếp vào nước, giúp ổn định được nhiệt độ trong thủy vực nuôi, giúp giảm ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của tôm.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân, Trung tâm Khuyên nông Kiên Giang đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong ao/hồ lót bạt, che lưới lan để hạn chế ánh nắng trực tiếp thay cho hình thức nuôi trong ao đất truyền thống. Mô hình được thực tại hộ nuôi tôm ở TP Hà Tiên bằng ao lót bạt và ở huyện Kiên Lương bằng hồ nổi.

Ông Trần Thanh Kiệt, ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương là hộ nông dân tham gia mô hình. Ông Kiệt cho biết, mô hình xây dựng ao/hồ nuôi theo từng giai đoạn. Hồ ương giai đoạn 1 có thể tích 200 m3 và hồ nuôi tròn thể tích 500 m3. Việc nuôi nhiều giai đoạn sẽ giúp kiểm soát được các thông số kỹ thuật như tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn, quản lý tốt môi trường nước và giảm rủi ro, từ đó kiểm soát chi phí sản xuất, đạt hiệu quả cao.

“Sau 70 ngày nuôi tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, tổng sản lượng gia đình tôi thu hoạch gần 3,2 tấn tôm thương phẩm/hồ nổi tròn 500 m3. Giá bán hiện nay là 130.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận ròng thu được 135 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận đạt gần 50% so với số vốn đầu tư, đây là mức lợi nhuận khá lý tưởng”, ông Kiệt phấn khởi nói.

Nuôi tôm nhiều giai đoạn sẽ giúp kiểm soát được các thông số kỹ thuật như tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn, quản lý tốt môi trường nước và giảm rủi ro, đạt hiệu quả cao. 

Ông Danh Nhiệt, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang chia sẻ: “Việc nuôi tôm thành nhiều giai đoạn sẽ giúp cho việc quản lý, chăm sóc hiệu quả hơn, tăng tỷ lệ sống, tôm nhanh lớn, giảm rủi ro trong sản xuất”.

Theo đó, giai đoạn 1 tôm giống được thả với mật độ 750 con/m2 trong ao/hồ lót bạt, có mái che bằng lưới lan 100%. Việc che lưới lan nhằm hạn chế tối đa tia bức xạ từ mặt trời chiếu trực tiếp vào nước, giúp ổn định được nhiệt độ trong thủy vực nuôi. Sau khoảng 25 ngày ương, chuyển sang nuôi giai đoạn 2 trong ao/hồ lớn (500m2 hoặc 500m3), có mái che lưới lan 50% trên tổng diện tích mặt ao, mật độ 300 con/m2. 

Trong giai đoạn này, công tác thu gom chất thải cũng như việc kiểm soát thức ăn dư thừa là rất quan trọng. Nếu không xi phon hằng ngày thì lượng chất thải này sẽ tích trữ càng ngày càng lớn và sẽ là nguồn tạo ra khí độc gây hại cho tôm cũng như làm xấu đi môi trường sống của tôm nuôi.

Theo đánh giá của các hộ nông dân tham gia, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp trong ao lót bạt nhiều giai đoạn giảm thiểu được rủi ro, tôm phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Cụ thể, sau 60 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ khoảng 100 con/kg và đến ngày thứ 70, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg.

Nuôi tôm nhiều giai đoạn trong ao/hồ lót bạt cho năng suất thu hoạch rất cao, đạt trên 63 tấn tôm thương phẩm/ha mặt nước và thời gian xoay đồng vốn rất nhanh, có khả năng nuôi từ 3-4 vụ/năm

Qua kết quả của mô hình cho thấy, năng suất tôm nuôi trong mô hình đạt rất cao (trên 63 tấn/ha) và thời gian xoay đồng vốn rất nhanh, có khả năng nuôi từ 3-4 vụ/năm. Mô hình thành công giúp nghề nuôi tôm công nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển mạnh, nâng cao năng suất tôm nuôi, giảm rủi ro, tạo thêm thu nhập cho người nuôi và việc làm cho lao động phổ thông. 

Do đó, nông dân kiến nghị tiếp tục thực hiện mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp nhiều giai đoạn ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP, để tạo điểm tham quan và hỗ trợ cho những hộ khác trong nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Năm 2021, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ với diện tích là 136.000 ha (lượt nuôi), sản lượng 98.000 tấn. Trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 4.000 ha, sản lượng ước đạt 35.000 tấn. Nhưng với kết quả khả quan, năm nay có thể sẽ là năm mà sản vượt tôm nuôi của tỉnh vượt mốc 100.000 tấn tôm thương phẩm.


Có thể bạn quan tâm

Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 1 Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 1

Các cuộc thảo luận xung quanh việc tăng sản lượng thức ăn thủy sản thường tập trung vào các loài, môi trường và các giải pháp công nghệ cao đầy tham vọng

24/12/2021
Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 2 Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 2

Theo truyền thống, chăn nuôi thủy sản chủ yếu là ao, lồng nổi, lồng cố định và hồ chứa cho cá nước ngọt và giáp xác; ao nước lợ nuôi giáp xác và cá vây tay

24/12/2021
Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 3 Chín cách để sản xuất thực phẩm xanh bền vững và giá cả phải chăng hơn - Phần 3

Thức ăn thủy sản rất khác nhau về sản lượng ăn được, hàm lượng dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến, phân phối, tiêu thụ, hao hụt và lãng phí thức ăn.

24/12/2021