Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE
Tác giả: Kim Sơ
Ngày đăng: 20/12/2017

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội...

Các lồng nuôi bằng nhựa HDPE chịu được bão cấp 12

Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản.

Tâm bão quét qua huyện Vạn Ninh - vùng nuôi trồng trọng điểm gây sóng lớn, gió giật mạnh đã đánh chìm toàn bộ lồng bè truyền thống bằng gỗ, cá tôm trôi theo bọt nước, người nuôi “khóc ròng” vì bao nhiêu vốn liếng đều mất sạch.  

Gượng dậy sau bão

Gia đình chị Cao Thị Yến Châu ở tổ 8, thị trấn Vạn Giã là một trong những trường hợp bị thiệt hại nặng. Cơn bão vừa qua đã làm gia đình chị mất trắng hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3 - 0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4 - 5 kg/con, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ thế, gia đình chị hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng do vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài để đầu tư SX.

Theo chị Châu, việc khôi phục SX gặp rất nhiều khó khăn do không còn vốn liếng. Sau bão gia đình chị có mót lại một số cây gỗ, phi nhựa và lồng bè rách nát nhưng chẳng tận dụng được bao nhiêu. Do đó để tái SX, chị mong nhà nước sớm hỗ trợ để làm lại từ đầu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cũng than vãn vì bão đã khiến gia đình ông trở nên trắng tay. Gần 30 lồng bè nuôi tôm hùm và cá bớp đã bị bão cướp sạch, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngay cả chiếc bè còn sót lại của gia đình ông cũng tan nát nên muốn nuôi lại phải mất thời gian dài làm bè gần như toàn bộ và cần số tiền rất lớn, hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với người nuôi trồng thủy sản khi các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phi nhựa, lưới đều tăng mạnh từ 15 - 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng/công lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi hiện nay cũng khan hiếm.

Ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh xác nhận, đúng là nhu cầu vật tư làm lồng sau bão đều tăng khiến người nuôi gặp khó khăn, trong khi vốn liếng người dân đã mất sạch. Vì vậy, theo ông Thênh nếu nhà nước không sớm hỗ trợ cho bà con, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn tái SX thì khó mà khôi phục lại như từ đầu.  

Nên có mô hình thích ứng BĐKH

Qua thiệt hại nuôi trồng thủy sản vừa qua tại Khánh Hòa mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão. Mặc dù các lồng bè nuôi ven biển đã được người nuôi gia cố, chằng chéo nhưng hầu như bị phá hủy. Bởi lẽ vật liệu làm lồng của người dân chủ yếu bằng gỗ, khung sắt, thùng nhựa nên dễ bị sóng gió mạnh đánh vỡ là điều hiển nhiên.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội. Sở NN-PTNT đề xuất xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng nhựa HDPE tại các vùng nuôi chính như huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh, để bà con nắm bắt và tham quan học tập.

Trao đổi NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện các nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE. Bởi hệ thống lồng này có khả năng đánh chìm khi có gió bão và chịu được bão cấp 12, lưới và dây giềng có tuổi thọ từ 7 - 10 năm, bảo hành 20 năm.

Theo đó, về lồng nuôi, có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10m, sâu lưới 5 - 6m, thể tích 500m3; lồng tròn đường kính 12m, sâu lưới 6 - 7m, thể tích 800m3; lồng tròn, đường kính 16m, sâu lưới 7 - 8m, thể tích 1.500m3; Lồng tròn, đường kính 20m, sâu lưới 8 - 10m, thể tích 3.000m3; lồng vuông kích thước: 5x5m, sâu lưới 5m, thể tích 125m3; lồng vuông kích thước 5x5m, sâu lưới 3m… với giá dao động từ 40 - 50 triệu cho đến 350 triệu/lồng.

Toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ neo lồng đặc biệt tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập. Còn hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều.

Về giá đỡ khung lồng được làm 100% bằng nhựa HDPE được SX tại Việt Nam, có độ bền, độ mềm dẻo và độ vững chắc của khung lồng. Túi lưới được dệt không gút, bền, không bị lão hóa và có khả năng chống sinh vật bám được gia cường bởi các dây giềng.

Cũng theo ông Chánh, hệ thống lồng nuôi bằng gỗ truyền thống hiện nay có chi phí lắp đặt khoảng 8 - 10 triệu đồng/lồng nhưng khả năng chịu sóng gió kém, chỉ thích hợp nuôi trong vịnh kín, ít sóng gió và vũng không có bão lớn. Trong khi đó hiện các vùng nuôi trong vịnh, đầm của tỉnh đều quy hoạch phát triển du lịch nên xu hướng các vùng nuôi phải di chuyển ra xa hơn và các lồng nuôi phải chịu được sóng gió.

Do đó, việc ứng dụng lồng nuôi bằng nhựa HDPE rất thích hợp. Tuy nhiên giá cả lồng nuôi kiểu này rất cao nên Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã liên hệ nhà SX tại Việt Nam có phương án làm ra lồng có chi phí rẻ, nhưng đảm bảo điều kiện nuôi biển để bà con dễ tiếp cận.


Có thể bạn quan tâm

Góc chuyên gia: Nâng cao hiệu quả sản xuất giống động vật thân mềm Góc chuyên gia: Nâng cao hiệu quả sản xuất giống động vật thân mềm

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số lưu ý cũng như kinh nghiệm trong sản xuất giống nhân tạo động vật thân mềm hai mảnh vỏ.

20/12/2017
Sứa biển: Nguồn thức ăn thủy sản tiềm năng Sứa biển: Nguồn thức ăn thủy sản tiềm năng

Sinh sôi quá nhanh và có nguy cơ làm chật đại dương, nhưng nếu được tận dụng làm thức ăn nuôi cá, chắc chắn sứa biển sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới cho ngành

20/12/2017
Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới luôn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế

20/12/2017