Giải pháp nâng giá trị ngô thương phẩm cho Sơn La
Ngô là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cho nông dân tỉnh Sơn La, trong đó sản xuất ngô lấy hạt sử dụng chế biến thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 85%.
Đoàn đại biểu thăm ruộng ngô
Cải thiện năng suất và chất lượng ngô hạt giúp nâng cao giá trị ngô thương phẩm, cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại là một trong những hướng đi quan trọng hàng đầu đối với sản xuất ngô tại Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vừa qua, hội nghị phát triển ngô bền vững tại các tỉnh phía Bắc do Cục Trồng trọt- Bộ NN-PTNT tổ chức đã diễn ra tại Mộc Châu, Sơn La nhằm tìm ra các giải pháp tái cơ cấu và phát triển canh tác ngô tại các tỉnh phía Bắc.
Với diện tích trồng ngô chiếm trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngô được xác định là cây trồng chủ lực tại địa bàn Sơn La. Mặc dù là cây trồng quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều bà con nông dân nhưng những năm gần đây, giá ngô nhập khẩu quá rẻ đã khiến việc trồng ngô của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nước ta thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất chưa cao, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập. Theo điều tra mới nhất của Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp, giá thành ngô lên tới 4.200 - 4.300 đồng/kg thì nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi, mà lượng ngô nhập khẩu thì đang tăng nhanh vì giá rất rẻ. Để cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, ngành sản xuất ngô Việt Nam cần giải bài toán làm thế nào để giảm giá thành trên mỗi cân ngô thương phẩm thông qua hai yếu tố chính là giảm chi phí canh tác và cải thiện năng suất.
Tăng năng suất, giảm chi phí canh tác đóng vai trò then chốt
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Sơn La, so với năm 2015, diện tích trồng ngô giảm khoảng 4% nhưng năng suất tăng tới 4,8% tương đương với khoảng 1,78 tạ/ha, sản lượng tăng 0,6% (3,642 tấn) trong năm 2016. Có được những thay đổi đáng kể về mặt sản lượng và năng suất ngô là nhờ nhiều nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và nông dân địa phương, từ khâu chọn giống tới cải thiện kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất...
Thảo luận tại ruộng ngô
Ông Nguyễn Văn Tiến, nông dân khu vực Lóong Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác ngô từ đời cha ông, diện tích hơn 5ha, thu hoạch chủ yếu để bán ngô hạt cho các công ty thức ăn chăn nuôi.
Năm ngoái, gia đình tôi có trồng thử một phần giống ngô mới kháng sâu và thuốc trừ cỏ, thấy đạt hiệu quả tốt hơn năng suất tăng từ 3 - 5 tạ/ha nên năm nay tôi mạnh dạn đầu tư toàn bộ giống Dekalb Genuity mới. Sử dụng giống công nghệ mới, không chỉ năng suất đạt cao hơn giống cũ mà chi phí đầu tư cũng giảm đi đáng kể, tổng chi phí giảm đến 30% nhờ tiết kiệm công lao động, giảm lượng thuốc trừ cỏ và trừ sâu sử dụng".
Ông Tiến nói thêm: "Khi bán ngô hạt, giống ngô Dekalb Genuity chúng tôi cũng bán được giá hoặc ít nhất là dễ bán hơn vì chất lượng hạt thương phẩm đồng đều hơn, không bị thối, nấm mốc do không bị sâu đục bắp. Vì thế, trong bối cảnh giá ngô hạt xuống thấp thì sử dụng giống mới chúng tôi vẫn có lãi. Tính về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao hơn so với giống ngô thường 3 - 4 triệu đồng/ha”.
Theo bà Đặng Thị Thủy, một chủ đầu tư tại khu vực Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi đầu tư cho khoảng hơn 200 nông dân tại khu vực, cung ứng toàn bộ vật tư đầu vào như giống, thuốc, phân bón tới đầu ra nhằm giúp bà con gỡ khó từ khâu vốn sản xuất đến đảm bảo đầu ra cho ngô thương phẩm. Từ giá cả cung ứng tới giá thu mua đều dựa trên cơ sở giá thị trường. Sản lượng mỗi năm chúng tôi bao tiêu ước khoảng 4.000 tấn ngô hạt, ngô thu mua từ bà con bán lại cho các công ty, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bà Đặng Thị Thủy
Vì thế năng suất để đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân và chất lượng ngô thương phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của nhà máy là hai yếu tố quan trọng hàng đầu khi quyết định lựa chọn giống để đầu tư cho bà con nông dân. Với giống ngô mới, chất lượng ngô thương phẩm được cải thiện đáng kể nên sau khi thử đầu tư một phần diện tích vào năm ngoái, năm nay chúng tôi đã đầu tư toàn bộ giống ngô Dekalb Genuity mới cho bà con nông dân”.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây có một nông dân đã phát hiện và nhân giống thành công một giống chôm chôm mới, lạ, chất lượng vượt trội các loài chôm chôm khác.
Ngày nay, điều kiện thời tiết thất thường đã làm vi khuẩn hại lúa không ngừng sinh sôi, kéo theo đó là vấn đề bệnh hại cũng diễn ra ngày một phổ biến, nguy hiểm
Có một thực trạng tồn tại trong hoạt động tín dụng nông nghiệp nhiều năm qua là các tài sản trên đất dù có giá trị lớn đến đâu cũng chỉ mang tính chất tham khảo