Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giải pháp khắc phục bệnh vàng cao do ngộ độc phèn nhôm

Giải pháp khắc phục bệnh vàng cao do ngộ độc phèn nhôm
Tác giả: KS. Lê Trần Hoàng Vũ
Ngày đăng: 23/04/2020

“Không có rầy nâu lấy đâu ra bệnh vàng lùn!” - Phản ứng chung của nhà nông ĐBSCL khi đứng trước chân ruộng giai đoạn đẻ nhánh bị vàng lá chết cây đến nhót ruột.

Ruộng lúa nhiễm “bệnh vàng cao” do ngộ độc phèn nhôm.

Nhầm tưởng vàng lùn - lùn xoắn lá

Thời điểm Hè Thu 2020 năm nay khi đi thăm bất cứ cánh đồng lúa giai đoạn sau 25 ngày tuổi ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều phát hiện một triệu chứng chung là nhiều cây lúa bị vàng cam rồi chết dần chết mòn mà không có cách nào cứu được.

Bà con trồng lúa chẩn đoán đó là bệnh vàng lùn virus do rầy nâu tryền bệnh nên họ có xu hướng nhổ bỏ những cây bị vàng nhưng triệu chứng “vàng cam chết cây” vẫn cứ lan rộng từ từ như trêu tức nhà nông.

“Bệnh vàng lùn không thể lây nhiễm từ cây này qua cây kia và đầu vụ tới giờ không có rầy nâu di trú vào ruộng nên tôi nghĩ đây là bệnh khác” - Nhà nông Đoàn Văn Đức (Tân Hiệp - Kiên Giang) chia sẻ.

Quan sát triệu chứng vàng cam chết cây trên ruộng, hầu hết có những điểm chung là lá vàng (lá chân vàng trước) và chuyển sang màu cam, phần gân lá còn xanh, trên phiến lá xuất hiện các đốm màu nâu.

Thân cây lùn, còi cọc, kém phát triển, thân và gốc cứng. Cây vẫn cao bình thường nên nhà nông hay truyền miệng là “bệnh vàng cao”. Rễ lúa xù xì và nhám như miếng “cước chùi nồi, không còn màu trắng như bình thường.

Hiện tượng này thường khởi đầu là vài cây trên ruộng rồi lan ra chết dần cả bụi lúa. Xuất hiện khoảng sau 25 ngày sau sạ và kéo dài có khi đến thu hoạch.

Triệu chứng vàng cam chết cây.

Canh tác liên vụ - Máy xới và ngộ độc phèn “nhôm” Al3+

Phần lớn đất ở ĐBSCL đều có tầng sinh phèn nằm cách mặt đất khoảng 40 cm. Hơn 20 năm trước bà con có thói quen cày ải, độ nặng của máy cày và độ dài lưỡi cày đã tạo ra tầng canh tác dày chắc nên rất có hiệu quả trong việc ém phèn.

Qua khoảng thời gian canh tác liên vụ không có thời gian nghỉ giữa vụ nên nhà nông xài máy xới, độ nặng máy xới và độ dài lưỡi xới chỉ tạo được tầng canh tác mỏng (nằm cách mặt đất tầm 20 cm).

Từ đó phát sinh ra hai hướng ngộ độc phèn trên lúa Hè Thu những năm nay, một là rễ lúa ăn sâu đụng tầng phèn, hai là biến đổi khí hậu nắng nóng làm mặt ruộng khô nứt nẻ, phèn bị xì lên mặt đất làm hư hại rễ lúa.

Thành phần chủ yếu trong đất phèn là nhôm (Al3+) và Sắt (Fe2+). Quan sát nước ruộng ở các vùng bị nhiễm “bệnh vàng cao” thấy mặt nước trong xanh, đất quanh bờ có màu xám và chỉ thấy có cỏ năn mọc lác đác từng chòm. Từ đó xác định đất nhiễm phèn nhôm (phèn lạnh).

Nước trong xanh, xung quanh ít cỏ và nhiều cỏ năng là chỉ thị của đất nhiễm phèn nhôm.

Một vài trường hợp đặc biệt là có người xúc đất làm ao nuôi cá, móc đất dưới lớp sâu có chứa chất phèn lên làm bờ ao. Các ruộng xung quanh vuông này sẽ bị nhiễm phèn nặng khi mùa mưa tới mà không phải do xì phèn.

Cách cải thiện: “Rửa ruộng” và rải phân nền “khô”

Khi ruộng lúa đang bị vàng cam chết cây do phèn nhôm theo 3 bước:

Rửa ruộng: Cho nước vào ngập ruộng (chú ý nơi gò cho nước ngập trước) rồi tháo nước ra (đưa các chất độc ra ngoài). Sau đó đưa nước mới vào toàn ruộng rồi xả ra lần 2 đến khi mặt đất chỉ còn ẩm (không cần mực nước)

Bón phân nền khô ẩm xin nhắc lại là nền khô ẩm: Công thức 2 Ure + 6DAP + 2kali/1000m2. Nếu có điề kiện bà con nên bón lân hoặc vôi với liều lượng 20kg/1000m2 trước khi bón phân.

Sở dĩ bón phân trên nền khô ẩm để kích thích cây lúa phát triển một bộ rễ mới gần mặt ruộng “né” tầng phèn bên dưới đồng thời cây lúa sẽ cứng chắc hạn chế đổ ngã khi thu hoạch.

Những ruộng để nước bón phân thì tình trạng ngộ độc phèn nhôm thường không cải thiện do khi phân tan ngấm sâu dưới đất, rễ lúa ăn theo bị đụng tần phèn dẫn đến ngộ độc nặng thêm. Sau 4 - 5 ngày bón phân nền ẩm, cây lúa chớm xanh lại, nhà nông có thể vô nước mới và canh tác bình thường.

Bổ sung dinh dưỡng bên trên: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn nhôm rễ lúa đã bị suy yếu hoặc hư nên không thể hấp thụ được dinh dưỡng có trong đất bà con nên bổ sung thêm dinh dưỡng qua lá.

Lưu ý lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng được sản xuất bằng công nghệ Nano như Amino Tech (Hà Lan), PhosCup (Tây Ban Nha)…để giúp cây lúa hấp thu nhanh, vượt qua tình trạng ngộ độc.

Bón phân nền ẩm là giải pháp cải thiện “bệnh vàng cao” do ngộ độc phèn nhôm.

Đất phèn và nước mưa đầu mùa

Lưu ý các vùng đất nhiễm phèn nặng ở Long An, Kiên Giang. Bà con không nên dùng nước mưa đầu mùa để bí lại rải phân. Nước mưa đầu mùa chứa nhiều chất Hydro còn bản chất đất phèn có chứa Lưu huỳnh.

Khi hai chất này kết hợp lại sẽ tạo thành chất độc làm hư hại rễ lúa dẫn đến tình trạng ngộ độc nặng thậm chí chết lúa non khi mới gieo sạ.

Trong khâu làm đất nên đánh đường nước sâu rộng và thiết kế thêm các đường “xương cá” giúp xả phèn trong ruộng khi cần thiết.

Ở vụ Hè Thu trước các cữ phân nên thay mới nước ruộng hoặc rải phân nền ẩm giúp lúa hấp thụ phân bón tốt hơn trong điều kiện nước phèn. Rửa phèn là biện pháp tốt nhất để đối phó tình trạng nhiễm phèn hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi cua hai giai đoạn Mô hình nuôi cua hai giai đoạn

Mô hình nuôi cua 2 giai đoạn, sau thời gian nuôi được 4 - 5 tháng cua đạt kích cỡ trung bình 4 con/kg.

20/04/2020
Ứng dụng phân bón SPC-CAL khắc phục nhiễm mặn, xì phèn Ứng dụng phân bón SPC-CAL khắc phục nhiễm mặn, xì phèn

Ở ĐBSCL ngoài tình trạng đất bị hạn mặn nông dân còn phải ứng phó với tình trạng đất xì phèn khiến diện tích lúa Hè Thu bị ngộ độc, chết là khó tránh khỏi.

21/04/2020
Thái Lan đưa cửa hàng trái cây lưu động đến từng ngõ xóm Thái Lan đưa cửa hàng trái cây lưu động đến từng ngõ xóm

Hiện mỗi ngày có khoảng 500 xe bán rong tới mua thực phẩm tươi, trái cây và đồ tạp hóa tại chợ Talaad Thai và tỏa đi bán cho người dân ở những khu vực ngoại ô

23/04/2020