Giải pháp hữu hiệu, giúp bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường
Theo số liệu thống kê, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh trong quý I-2019 là 237.300 con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 84,7% so với kế hoạch năm 2019. Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ mắc bệnh chết lên đến 100%. Trước diễn biến của DTHCP thì chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn và nước uống
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả trong chăn nuôi mà còn giúp cho cuộc sống của người chăn nuôi được cải thiện. Theo khuyến cáo từ ngành thú y tỉnh thì vị trí, địa điểm xây dựng trang trại phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ heo, chợ buôn bán heo tối thiểu 1km. Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
Để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì yêu cầu về chuồng trại cũng rất quan trọng. Theo đó, trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại. Trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu gồm: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; khu cách ly heo ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác (nếu có).
Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng. Chuồng nuôi heo phải bố trí hợp lý về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành về chuồng trại. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc 3% - 5% đối với chuồng nền. Mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.
Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong các chuồng trại (xẻng, xô…) phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng. Các kho thức ăn, thuốc thú y, hóa chất và thuốc sát trùng phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Cũng theo khuyến cáo từ ngành thú y tỉnh, trong quá trình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học thì người nuôi phải hết sức chú ý về con giống và nguồn thức ăn, nước uống. Heo giống sản xuất tại cơ sở phải đạt tiêu chuẩn. Chất lượng con giống phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn như đã công bố. Heo giống phải được quản lý và sử dụng phù hợp theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn thức ăn sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại heo. Nước dùng cho heo uống phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm bẩn. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không được sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.
Cách chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh và xử lý chất thải
Để chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả thì các trại chăn nuôi phải có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp các loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển. Mật độ nuôi, cung cấp thức ăn nước uống, vệ sinh thú y phải phù hợp theo quy định hiện hành. Trong khâu vệ sinh thú y thì chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày.
Trong quá trình chăn nuôi, tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giày dép và mặc quần áo bảo hộ của trại; trước khi vào các chuồng nuôi phải nhúng ủng hoặc giày dép vào hố khử trùng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 1 lần/2 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.
Không vận chuyển heo, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.
Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn heo theo quy định. Trong trường hợp trại có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch. Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày.
Việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường thì tại các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, như: máy tách phân để xử lý chất thải, máy phát điện khí sinh học và mô hình sử dụng nước thải công trình khí sinh học làm phân bón cho cây trồng trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y. Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp. Nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Để bảo vệ mùa màng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly.
Nhãn Ido vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt thanh, thơm, năng suất trái cao, khả năng kháng bệnh tốt, giá bán ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để khắc phục khó khăn trước nắng nóng gay gắt, nhiều nông hộ đã đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau an toàn, nhờ đó, năng suất cây trồng nâng lên hiệu quả cao