Trang chủ / Cá nước mặn / Cá mú

Giải pháp đột phá trong cá mú

Giải pháp đột phá trong cá mú
Tác giả: TS Chu Chí Thiết - Viện Nghiên cứu NTTS I
Ngày đăng: 30/10/2020

Cá mú là một trong những đối tượng chính của nuôi biển ở nước ta. Loài nuôi này được đánh giá có nhiều tiềm năng mang về giá trị lớn hơn nữa, tuy nhiên, nó đang gặp phải những thách thức cản trở phát triển bền vững. Để tạo đột phá trong nuôi cá mú, rất cần những giải pháp táo bạo.

Quy mô hạn chế

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cá mú tương đối cao, giá bán tại lồng nuôi dao động 250.000 – 500.000 đồng/kg tùy từng loài. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi biển năm 2019 đạt 57.000 ha và 4,5 triệu m3  lồng nuôi, sản lượng đạt 470.000 tấn; trong đó, cá mú nuôi chiếm 25 – 30%.

Cá mú được nuôi chủ yếu tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang…; với hai hình thức chính là nuôi trong lồng nổi vật liệu bằng gỗ, tre hoặc nhựa với diện tích từ 30 – 100 m3 /lồng và nuôi trong ao đất ven biển với diện tích từ 3.000 m2 , độ sâu 1,2 – 1,5 m. Thực tế cho thấy, cá mú được nuôi chủ yếu trong lồng bè và ao hồ gần bờ với diện tích khoảng 30 – 40% trong tổng diện tích nuôi biển. Năng suất cá mú nuôi trong lồng dao động 7 – 10 kg/m2  lồng, trong khi nuôi trong ao là 5 – 7 tấn/ha.

Các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III, Đại học Nha Trang và một số doanh nghiệp hiện đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo các loài cá mú đang được nuôi tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào phát triển nghề nuôi cá mú. Theo ước tính, các cơ sở sản xuất giống cá mú trong nước đáp ứng được khoảng 50 – 60% nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm.

Gần đây, cá mú lai (trân châu) được lựa chọn là đối tượng nuôi khá phổ biến do có ưu thế tăng trưởng nhanh và khả năng kháng bệnh cao, dễ nuôi hơn so cá mú đen chấm nâu (E. coioides).

Tháo gỡ thách thức

Bên cạnh những điểm đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, nghề nuôi cá mú ở nước ta vẫn còn một số hạn chế, thách thức ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Cụ thể, con giống chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng không được kiểm soát, do còn phụ thuộc vào nguồn giống khai thác tự nhiên và nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Các cơ sở sản xuất giống trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 so nhu cầu của người nuôi. Mặc dù trong thời gian gần đây, có nhiều chương trình, dự án của nhà nước đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ, thu thập, lưu giữ và phát triển nguồn gen cá mú, nhưng chất lượng nhiều quần đàn cá bố mẹ còn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cá giống, giá thành sản xuất cao, tác động đến sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng đó, chưa có thức ăn chuyên dùng cho cá mú nuôi, chủ yếu sử dụng thức ăn của đối tượng nuôi biển khác như cá vược (chẽm), cá chim vây vàng… chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cá, nên hệ số thức ăn cao, hiệu quả sản xuất thấp. Có nhiều nơi còn sử dụng cá tạp là nguồn thức ăn chính cho cá mú tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh dịch. Đây là nhân tố tác động đến hiệu quả nuôi trồng; trong đó chủ yếu các loại bệnh do virus, vi khuẩn làm chết cá hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi.

Mặt khác, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng cá tươi sống tại nhà hàng, đặc biệt tại địa phương có nghề du lịch phát triển hoặc xuất khẩu cá thịt tươi sống sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan.

Để nghề nuôi cá mú phát triển hơn cần nghiên cứu, chọn tạo giống các dòng cá mú chất lượng cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng một số bệnh nguy hiểm; cùng đó, có chính sách hỗ trợ các trung tâm sản xuất giống trong việc lưu giữ và khai thác có hiệu quả các đàn cá bố mẹ có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất ở quy mô lớn. Ngoài ra, đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ sản xuất đại trà vaccine phòng một số bệnh nguyên hiểm cho cá ở giai đoạn nuôi thương phẩm. Nghiên cứu và hỗ trợ sản xuất thức ăn riêng cho cá mú ở quy mô lớn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cá và giảm giá thành sản xuất. Hạn chế sử dụng cá tạp làm thức ăn nhằm giải thiểu nguồn ô nhiễm môi trường và bệnh dịch…


Có thể bạn quan tâm

6 yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo quản tinh trùng cá mú 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo quản tinh trùng cá mú

Có 2 cách bảo quản tinh trùng cá mú là bảo quản lạnh và bảo quản bằng ni tơ lỏng, trong quá trình bảo quản có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh.

09/07/2020
8 bệnh nguy hiểm trên cá mú liên quan đến Iridovirus 8 bệnh nguy hiểm trên cá mú liên quan đến Iridovirus

Iridovirus là một nhóm các mầm bệnh virus mới nổi gây nhiễm trùng ở nhiều loài cá biển. Ủy ban quốc tế về phân loại virus, đã phân loại họ Iridoviridae

25/07/2020
Thay thế protein đậu nành cho cá mú bao nhiêu là đủ? Thay thế protein đậu nành cho cá mú bao nhiêu là đủ?

Các loài cá khác nhau thích ứng một mức protein đậu nành cô đặc nhất định, đối với cá mú có thể dùng bao nhiêu % là tối ưu nhất?

14/10/2020