Giải pháp để vụ cá Nam thành công
Theo nhận định, khai thác vụ cá Nam 2017 sẽ phải đối diện với không ít những thách thức. Để thành công, ngành thủy sản đang tập trung hỗ trợ ngư dân trên nhiều phương diện.
Trong ảnh: Ngư dân khai thác phải đối mặt với nhiều khó khăn
Vụ cá Bắc đã thành công
Vụ các Bắc 2016 - 2017, mặc dù xuất hiện 2 cơn bão và gió mùa đông bắc ở khu vực bắc Biển Đông không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác hải sản, nhìn chung thời tiết trên các ngư trường thuận lợi. Tại các ngư trường, nhiều loại hải sản, trong đó các loài cá nổi xuất hiện và áp lộng nhiều. Ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, các đối tượng như mực ống, cá nục và các loài cá nổi xuất hiện dày, hoạt động khai thác cho năng suất cao nhất là nghề rê, vây và câu. Ngư trường miền Trung xuất hiện nhiều nguồn lợi cá nổi như cá nục, cá cơm, ruốc. Các nghề vây, mành và pha xúc đạt năng suất ổn định so với vụ cá Bắc 2015 - 2016. Cá nổi cũng xuất hiện nhiều tại ngư trường Đông Tây Nam bộ tạo điều kiện cho các đội tàu lưới vây ánh sáng và nghề rê hoạt động.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc 2016 - 2017 đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 5,04% so cùng vụ năm 2015 - 2016. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản 1,34 triệu tấn, tăng 4,84. Một số tỉnh có sản lượng tăng khá so với vụ cá Bắc 2015 - 2016 như Bình Thuận (tăng 8,2%), Bình Định (tăng 11%), Quảng Nam (tăng 7,1%), Thanh Hóa (tăng 8,3%) và Bến Tre (tăng 12,23%). Mặc dù sản lượng tăng, nhưng chất lượng và giá sản phẩm không tăng so với vụ cá Bắc 2015 - 2016. Kỹ thuật và công nghệ khai thác tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng các sản phẩm khai thác. Hiện tượng khai thác sai vùng, sai tuyến, sử dụng phương pháp khai thác thủy sản gây hại đến nguồn lợi như chất nổ, xung điện, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Tình trạng tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nghề cá của Việt Nam.
Trong vụ cá Bắc 2016 - 2017, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã gây hậu quả nghiệm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ và hoạt động sản xuất thủy sản, nhất là khai thác thủy sản tại khu vực này và ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con ngư dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý, khôi phục sản xuất, triển khai công tác kê khai xác định mức độ thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ người dân 4 tỉnh miên Trung ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Ngoài ra, giao lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ năm 2016 và tiếp tục thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017 nhằm mục đích bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tầng đáy.
Tích cực hỗ trợ
Tuy nhiên, thực tế khai thác của ngư dân các tỉnh cũng bộ lộ những khó khăn nhất định như: vấn đề bảo hiểm tàu cá ngư dân chưa tiếp cận được, việc chuyển đổi tàu sang vỏ thép gặp khó khăn về thủ tục; trình độ dân trí của ngư dân còn hạn chế so với yêu cầu khi thực hiện việc đóng mới, cải hoán tàu cá, sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại... Cùng đó, ngư trường khai thác đã bị thu hẹp đáng kể do các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân trên các vùng biển đang tranh chấp, trong khi các vùng biển này vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động trong khai thác hải sản vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là những lao động lành nghề đã qua đào tạo, ngoài ra thời tiết năm qua diễn biến thất thường dẫn đến nguồn lợi thay đổi và biến động cả về số lượng và chất lượng…
Để thực hiện tốt kế hoạch khai thác vụ cá Nam 2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tổng kết các mô hình tốt trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản để có biện pháp quản lý hiệu quả như quy định cấm mùa vụ, kích thước mắt lưới khai thác… Rà soát việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ để quản lý tốt các nghề hạn chế khai thác như nghề lưới kéo, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các địa phương cần sớm công bố cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định, đồng thời đảm bảo đảm bảo an toàn cho tàu cá khi ra khơi. Tăng cường công tác quản lý chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU fishing), xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản. Tổng cục Thủy sản và địa phương tham mưu tổng kết Nghị định 67 để đề xuất các chính sách mới phù hợp thực tiễn; hoàn thành công tác bồi thường do sự cố môi trường biển, khôi phục sản xuất tại 4 tỉnh miền Trung.
>> Vụ cá Nam năm 2017, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu: Tổng sản lượng khai thác 1.652 nghìn tấn; trong đó, khai thác hải sản 1.524 nghìn tấn và khai thác nội địa là 128 nghìn tấn.
Có thể bạn quan tâm
Với mong muốn làm giàu và giúp người dân địa phương tiếp cận với công nghệ nuôi thủy sản, anh Việt đã sang Trung Quốc để học hỏi để về áp dụng tại quê mình
Tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống
Tôm hùm được mệnh danh là "vua hải sản". Tuy nhiên, để có được con tôm hùm lên đến 1kg thì công sức, tiền bạc người nuôi phải bỏ ra liên tục trong cả năm trời