Giải cơn khát vốn cho nông dân Hà Nội
Đồng vốn quý giúp nông dân làm giàu
Ông Đào Xuân Quân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai cho biết: “Đây là nguồn vô cùng quý báu đối với người dân xã Liên Châu, bởi không chỉ giúp bà con có thêm vốn để xoay vòng phát triển chăn nuôi mà còn giúp bà con tự tin, mạnh dạn làm ăn lớn. Minh chứng là nhiều hộ dân trong xã được tiếp cận nguồn vốn ở các đợt vay trước đã sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả”.
Ông Ngô Đại Ngọc -Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đề nghị các hộ dân được vay vốn cần sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Trong trường hợp có khó khăn hoặc bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phải kịp thời báo cáo với chính quyền và cán bộ phụ trách quỹ tại địa phương để có hướng giải quyết.
Trước kia, Liên Châu là xã khó khăn khi nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong khu vực trũng, nông dân thường xuyên bị mất mùa. “Từ khi có nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông, người dân đã có tiền để làm ao, xây dựng chuồng trại, từ đó thu nhập của các hộ tăng lên gấp nhiều lần so với trước” – ông Quân khẳng định.
Ông Đào Quang Huệ - Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã đã chú trọng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm giúp nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Cụ thể, xã đã chuyển 116,9ha trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC từ năm 2004, với hơn 100 hộ tham gia. Đến nay, thu nhập từ diện tích chuyển đổi đã đạt bình quân 245 triệu đồng/ha, ngoài ra còn có nhiều mô hình khác cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha như trồng rau, hoa… Kết quả này cũng là nhờ một phần sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông thành phố trong việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn xây dựng kinh tế”.
Là 1 trong số 11 hộ nông dân nhận được hỗ trợ vốn lần này, ông Đào Quang Vui, thôn Châu Mai, xã Liên Châu phấn khởi cho biết: “Đồng vốn này không chỉ giúp bà con chúng tôi vơi cơn “khát” vốn mà còn được hỗ trợ rất thiết thực, kịp thời. Hy vọng Trung tâm Khuyến nông thành phố sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn nữa và giúp bà con vay vốn trong thời gian dài hơn”.
Đảm bảo vốn vay phát huy hiệu quả
Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm, việc làm mới, nâng cao tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, Quỹ Khuyến nông Hà Nội cùng chính quyền thành phố đã khảo sát, hướng dẫn các hộ có nhu cầu vay vốn lập hồ sơ vay vốn, trong đó ưu tiên các vùng sản xuất tập trung. Hạn mức tối đa cho mỗi trường hợp vay vốn lần này là 500 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa 2 năm với suất 0,5%/tháng.
* 5 tỷ đồng là nguồn vốn được cấp ban đầu khi Quỹ Khuyến nông thành lập (tháng 2.2002), đến năm 2015 quỹ có tổng vốn 130 tỷ đồng.
* 500 triệu đồng/phương án là giới hạn vay lãi suất 6% năm và thời gian vay không quá 36 tháng.
* 2.500 lượt hộ đã được giải ngân từ năm 2002 đến nay.
“Đây không chỉ là nguồn vốn thông thường mà còn là sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố đối với sản xuất nông nghiệp. Để nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, Sở và Trung tâm Khuyến nông thành phố sẽ luôn theo sát, định hướng giúp bà con phát huy hiệu quả cao nhất” - ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, trong thời gian tới, Sở cùng trung tâm sẽ cố gắng giảm bớt các khâu, thủ tục vay vốn để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn.
Được biết, ngoài việc nhận được vốn vay, các hộ còn được cán bộ khuyến nông địa phương hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Đây là yếu tố quan trọng giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả cao, nhằm tạo khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, thành phố lân cận và hướng tới xuất khẩu nông sản chất lượng cao.
Một trong những hộ thành công nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến nông thành phố là gia đình anh Lê Văn Trẻo ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu. Năm 2013, anh Trẻo mạnh dạn vay 450 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông để đầu tư ao chuồng, xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp chăn thả vịt. Sau 1 năm triển khai, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Trẻo thu lãi gần 600 triệu đồng, nhờ đó năm 2015 anh Trẻo đã hoàn lại quỹ đúng hạn. Phát huy hiệu quả đã đạt được, từ 30ha ban đầu, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi lên 80ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
“Có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn Trung tâm Khuyến nông thành phố, đặc biệt là nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông mà trung tâm đang thực hiện rất hiệu quả, thiết thực” – anh Trẻo chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Sữa tươi Vinamilk Organic được sản xuất với nguồn sữa tươi hữu cơ từ đàn bò được chăn thả trên những cánh đồng cỏ rộng lớn hoàn toàn tự nhiên.
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm được nhiều hộ nông dân Khánh Hòa triển khai từ năm 2014 đến nay và đang đem lại thu nhập khá cho nhiều bà con nông dân.
“Bây giờ nói đến trồng rừng và bảo vệ rừng là phải có những giải pháp thiết thực đi liền mới hiệu quả. Chúng tôi đang áp dụng những cách làm mới để nâng cao diện tích và chất lượng cho rừng” – bà Lê Thị Yến-Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết.