Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giải bài toán về giống cây công nghiệp và cây ăn quả

Giải bài toán về giống cây công nghiệp và cây ăn quả
Tác giả: Đông Anh
Ngày đăng: 01/10/2016

Trong ảnh: Chọn lựa giống bơ ghép tại một vườn ươm giống trên địa bàn TP Bảo Lộc

Chưa đáp ứng nhu cầu

Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi, cải tạo và trồng mới trên 1.000 ha cây công nghiệp và cây ăn quả. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích tăng lên 145 triệu đồng/ha, cao gấp 1,9 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, những bất cập mà công tác quản lý giống cây công nghiệp và cây ăn quả còn gặp phải là chưa có nhiều vườn ươm giống đạt chất lượng và chủ động được sản xuất, nhiều giống cây trồng phải nhập từ ngoài tỉnh. Trên thực tế, toàn tỉnh Lâm Đồng có 275 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả với năng lực sản xuất khoảng 32 triệu cây giống mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất thực tế chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Có nhiều loại giống cây ăn quả phải nhập từ tỉnh khác về do vườn cây đầu dòng tại địa phương có rất ít hoặc hoàn toàn không có.

Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ: Toàn tỉnh hiện có 37 cây đầu dòng của 26 cơ sở được công nhận, gồm: 2 cây cà phê, 10 cây hồng vuông, 19 cây điều, 6 cây bơ. Ngoài ra, Sở cũng đã công nhận 48 vườn cây đầu dòng, gồm: 36 vườn cà phê, 3 vườn chè, 9 vườn bơ. Hiện, Lâm Đồng chưa có vườn đầu dòng của một số loại cây như sầu riêng, mắc ca và các loại cây có múi. Với năng lực sản xuất giống của các vườn ươm và số lượng các vườn đầu dòng, cây đầu dòng như hiện nay cho thấy nguồn giống các loại chưa đáp ứng được nhu cầu cải tạo, trồng mới cây công nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Nhiều giống cây trồng không được kiểm soát kỹ từ việc chọn lọc vật liệu nhân giống đến khi đưa ra vườn ươm. Tình trạng nông dân sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn phổ biến. Cũng theo ông Hưng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp để giải “bài toán” về giống cây công nghiệp và cây ăn quả. Trong đó, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, bình chọn những cây đầu dòng cho năng suất, chất lượng tốt để đưa vào nhân giống phục vụ sản xuất. Về phía người nông dân, nên sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng các giống do người dân tự nhân giống bằng biện pháp chiết ghép không qua tuyển chọn. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên công bố công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đạt chất lượng, công bố vườn giống được công nhận để người dân biết và chọn lựa.

Chỉ 50% cơ sở có nguồn gốc giống

Theo ông Nguyễn Thái Lam, Phó Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, trong lĩnh vực quản lý sản xuất nông nghiệp thì công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, TP Bảo Lộc đều dành nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của TP Bảo Lộc là có đến 70% cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn là tự phát gieo ươm và chưa được cấp giấy phép kinh doanh, trong khi Bảo Lộc có đến 90% diện tích trồng cây công nghiệp như: chè, cà phê, dâu tằm và cây ăn quả như bơ, sầu riêng, măng cụt, mít… Do vậy, nhu cầu về giống và yêu cầu về giống có chất lượng là rất lớn. Đóng chân trên địa bàn TP Bảo Lộc có 2 trung tâm chuyên nghiên cứu về cây công nghiệp và cây ăn quả và có nhiều đóng góp cho TP Bảo Lộc nói riêng và toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung về lĩnh vực phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều giống cây trồng chất lượng đã được 2 trung tâm nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết: Kết quả điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả tại các huyện, thành cho thấy các cơ sở sản xuất giống có chứng nhận kinh doanh và công bố tiêu chuẩn cây giống còn hạn chế, chỉ có 50% cơ sở có công nhận nguồn gốc cây giống. Chất lượng sản xuất cây giống của các cơ sở sản xuất chưa đồng đều, đặc biệt là kích cỡ bầu ươm đều nhỏ hơn kích thước quy định nhằm giảm chi phí. Đa số các cơ sở sản xuất giống ít chú trọng đến việc kiểm tra nấm bệnh hại rễ trước khi đưa ra sản xuất nên nguy cơ lây bệnh từ vườn ươm ra vườn sản xuất là rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị quản lý nhà nước cần tập trung vào việc quản lý nguồn gốc, chất lượng cây giống; kết hợp vận dụng chương trình khuyến nông - trợ giá cây giống cho nông dân để phát triển nhanh các giống mới; tăng cường tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ để giới thiệu các giống mới, các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả; hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao (xây dựng nhà lưới, hỗ trợ quy trình xử lý đất làm giá thể ươm, kiểm tra nấm bệnh cây giống…) để sản xuất giống có chất lượng tốt, sạch bệnh. Về phía Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu để chọn thêm nhiều giống cà phê vối, cà phê chè, giống chè, bơ… phù hợp với vùng sinh thái của Lâm Đồng để góp phần làm phong phú thêm bộ giống cây công nghiệp và cây ăn quả của tỉnh. Còn theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, thì cần đổi mới và nâng cao chất lượng cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng và vườn nhân chồi giống. Đặc biệt, công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất giống phải được tăng cường. Kiên quyết đóng cửa đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không có giấy phép, không có vườn nhân chồi giống, không công bố tiêu chuẩn giống cơ sở và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của cây giống theo tiêu chuẩn đã công bố.

Lâm Đồng hiện có hơn 150.000 ha cà phê, hơn 23.500 ha chè, gần 5.000 ha dâu tằm, hơn 15.000 ha điều, hơn 1.000 ha tiêu và hơn 13.000 ha cây ăn quả các loại. Những loại cây trồng này có chu kỳ khai thác kinh tế lâu năm, thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài, kinh phí đầu tư lớn. Vì vậy, nếu giống không đảm bảo thì không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn phá vỡ cơ cấu cây trồng cũng như quy hoạch cây trồng cho từng khu vực sản xuất. Giải được “bài toán” về “nhất giống” sẽ góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế của các vườn cây công nghiệp và cây ăn quả trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Bí quyết làm nhà rơm dự trữ cho trâu, bò vào mùa đông Bí quyết làm nhà rơm dự trữ cho trâu, bò vào mùa đông

Để làm nơi chứa thức ăn dự trữ cho trâu, bò nuôi vào mùa mưa rét, người dân thiểu số ở các bản làng miền núi huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi đã đầu tư từ vài trăm ngàn, đến hàng triệu đồng làm nhà chứa rơm.

01/10/2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bàn về chương trình nông thôn mới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bàn về chương trình nông thôn mới

Sáng 30.9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong quá trình xây dựng NTM, trong đó có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và yêu cầu các địa phương cần sớm có phương án giải quyết.

01/10/2016
Xây dựng NTM ở Nga Sơn: Nhiều cách làm, một mục tiêu Xây dựng NTM ở Nga Sơn: Nhiều cách làm, một mục tiêu

Với xuất phát điểm thấp và các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn, nhưng huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

01/10/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.