Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Giải bài toán tiết kiệm điện trong nuôi tôm

Giải bài toán tiết kiệm điện trong nuôi tôm
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 08/01/2019

Nuôi tôm nước lợ đang đối diện nhiều thách thức về nguồn điện. Hiện, người nuôi tôm đã gặp khó khăn và tương lai mở rộng diện tích nuôi thì khó khăn càng lớn hơn nên rất cần một chiến lược sử dụng hiệu quả nguồn điện để phát triển bền vững.

Điện lưới quốc gia về vùng Đất Mũi phục vụ nuôi tôm 

Thực trạng

Theo nghiên cứu, căn cứ Quyết định 79/QĐ-TTG (2018) về việc định hướng tăng diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, sẽ cần thêm lượng điện 209 triệu KWh vào năm 2020 và 322 triệu KWh vào năm 2025. Nếu tăng diện tích nuôi TTCT lót bạt thì cần thêm khoảng 2.367 triệu KWh vào năm 2020 và 6.011 triệu KWh vào năm 2025. Còn chỉ tăng diện tích nuôi TTCT ao đất, cũng cần thêm 421 triệu KWh vào năm 2020 và 1.071 triệu KW vào năm 2025

Hiện nay, có ba hình thức sử dụng nguồn điện trong nuôi tôm là điện sản xuất 1 pha và 3 pha, điện sinh hoạt 1 pha. Chi phí điện trong nuôi TTCT lót bạt chiếm 7,05%, trong ao đất 6,28% và tôm sú thâm canh 7%. Sử dụng điện 3 pha cho hiệu quả tài chính cao hơn điện 1 pha. Trong nuôi TTCT, hiệu suất sử dụng điện của ao nuôi tôm lót bạt là 150.282 KWh/ha/vụ, với 3.234 KWh/tấn tôm thì chi phí điện là 5.085 đồng/kg tôm, cao hơn nuôi trong ao đất 26.775 KWh/ha/vụ, với 2.913 KWh/tấn tôm và chi phí điện 4.513 đồng/kg tôm. Nuôi tôm sú thân canh vì năng suất thấp hơn nên dù mức tiêu tốn điện là 21.540 KWh/ha/vụ nhưng chi phí điện khá cao, 4.172 KWh/tấn tôm.

Trong khi nguồn điện 3 pha chưa ổn định thì người nuôi tôm lại thiếu kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Trang thiết bị phục vụ nuôi tôm chưa đồng bộ, tiêu tốn nhiều điện và an toàn không cao do động cơ điện 1 pha công suất nhỏ, sục khí theo cảm quan, tốc độ chạy máy không thay đổi nên gây lãng phí.

Khó khăn cải tiến

Điện trong nuôi tôm lớn nhất là dùng để chạy hệ thống sục khí, cung cấp ôxy cho ao nuôi. Hệ thống sục khí (loại quạt nước và các loại khác) chiếm khoảng 80% tổng năng lượng sử dụng. Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm điện trong hoạt động hệ thống sục khí. Chẳng hạn ở tỉnh Sóc Trăng, sử dụng con lăn cho hệ thống quạt nước đã tiết kiệm được 15,2% lượng điện tiêu thụ; nếu áp dụng con lăn kết hợp với trục thì tiết kiệm được 38,7%. Nhìn chung người dân đánh giá cao việc sử dụng quạt nước có con lăn với kết cấu trục thẳng để giảm ma sát, cho hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng trụ đỡ con lăn cũng có rủi ro là khi cánh quạt bị gãy thì dàn quạt có thể đổ lệch gây hư hại cho hệ thống và việc thay đổi cũng tăng chi phí trang thiết bị.

Bên cạnh, hệ thống cung cấp ôxy đáy (sục khí đáy) được thiết kế tương đối chuyên dụng cho ao nuôi qua hệ thống máy thổi công nghiệp và dàn ống thổi khí dưới đáy ao. Trong lúc, hầu hết các trang thiết bị như máy bơm, đặc biệt là các động cơ điện được sử dụng cũng như các cầu dao điện là các thiết bị thông thường, không chuyên dụng cho điều kiện hoạt động ngoài trời và trong môi trường nước (đặt biệt là nước mặn). Do đó tính ổn định và an toàn là không cao, dễ bị nhiễm điện gây thất thoát điện và nguy hiểm cho người sử dụng. Bên cạnh đó người nuôi tôm cũng còn sử dụng những thiết bị tự chế chưa chắc chắn dễ dẫn đến rủi ro cao.

Đồng bộ hiện đại

Từ thực trạng trên, để giảm bớt khó khăn về nguồn điện, phương án tối ưu là đồng bộ các trang thiết bị và kỹ thuật vận hành máy móc trong nuôi tôm. Cần giảm tối đa việc sử dụng động cơ diesel bằng việc thay thế máy phát điện dự phòng và các trang thiết tự động, tiết kiệm, an toàn. Bên cạnh, có kế hoạch sử dụng điện trong việc cung cấp ôxy cho ao nuôi một cách khoa học, tránh sục khí theo cảm quan.

Điều chỉnh thời điểm chạy máy sục khí cho phù hợp cũng là một trong những cách tiết kiệm điện. Sục khí phù hợp để tránh giờ cao điểm, kết hợp với việc tạo dòng chảy vừa phải để gom chất thải cho ao tôm. Nuôi tôm tiết kiệm điện và cải thiện tính bền vững cần thiết phải từng bước chuyển sang hệ thống sử dụng điện sản xuất 3 pha, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng cho việc cung cấp ôxy. Cần có các thiết bị đo đạc ôxy hòa tan nhằm tối ưu hóa việc sử dụng điện trong sục khí và quạt nước.

Người nuôi tôm cũng cần được đào tạo kiến thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Công ty điện lực tập huấn cho nông dân sử dụng các trang thiết bị điện an toàn, còn cơ quan quản lý và các tổ chức tài trợ tập huấn cho nông dân xây dựng mô hình trình diễn thực hiện tiết kiệm điện. Nghiên cứu của các tác giả cũng đề xuất, Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ phát triển, quản lý các trang thiết bị tiết kiệm điện và an toàn cho nghề nuôi tôm (dán nhãn tiết kiệm điện và an toàn dùng trong thủy sản) kết hợp với việc khuyến khích người nuôi tôm sử dụng. Địa phương quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh tập trung từng cụm để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống điện. “Cùng với công nghệ thông tin, từng bước thực hiện nuôi tôm theo hướng công nghệ cao (4.0) nhằm tăng hiệu quả kinh tế - môi trường của nghề nuôi tôm”, kết luận của nghiên cứu.

>> Năm 2017, chỉ 10 tỉnh phía nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận) sử dụng điện khoảng 11.980 triệu kWh. Sử dụng điện cho sục khí nuôi tôm được cho là nguyên nhân tiềm ẩn làm tăng sự nóng lên của trái đất. Do đó, chiến lược tiết kiệm điện trong nuôi tôm rất cần thiết để giảm giá thành sản xuất và đảm bảo tăng trưởng xanh.


Có thể bạn quan tâm

Tôm - rừng với tăng trưởng xanh Tôm - rừng với tăng trưởng xanh

Việc phát triển nuôi tôm trong rừng ngập mặn (tôm-rừng) ở ĐBSCL những năm qua cho thấy một lợi thế tiềm năng trước biến đổi khí hậu nước biển dâng

07/01/2019
Sử dụng tảo xoắn (Spirulina platensis Geitl.) thay thế pepton trong một số môi trường nuôi Sử dụng tảo xoắn (Spirulina platensis Geitl.) thay thế pepton trong một số môi trường nuôi

Việt Nam là một trong những quốc gia nuôi trồng thủy sản lớn trên thế giới; trong vòng 10 năm trở lại đây, sản lượng tôm sú, cá tra đã tăng lên nhanh chóng.

07/01/2019
Nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè ở Quảng Chu Nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè ở Quảng Chu

Mô hình "nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè" tại xã Quảng Chu nhằm giúp các hộ dân tận dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa, phát triển nuôi thủy sản cho năng suất cao

07/01/2019