Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giải bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Giải bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Tác giả: Đinh Thanh Huyền
Ngày đăng: 27/10/2020

Hà Nội hiện có khoảng 25.500 con trâu, 139.600 con bò, 1,7 triệu con lợn, 38 triệu con gia cầm khiến cho gánh nặng về xử lý nước thải, chất thải thêm nặng nề.

Ruồi lính đen dùng để xử lý chất thải. Ảnh: NNVN.

Nước thải, chất thải rắn trong chăn nuôi

Đối với chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là nuôi bán công nghiệp, tận dụng thức ăn tự nhiên nên việc gây ô nhiễm không nhiều, còn chăn nuôi gà chủ yếu dùng đệm lót sinh học nên cơ bản không gây ô nhiễm nguồn nước. Trong chăn nuôi, ô nhiễm nước thải chủ yếu phát từ sản xuất chăn nuôi lợn. Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày. Như vậy đối với Hà Nội, cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.

Phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đang áp dụng các quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại. Chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn (nước + nước giải + phân vụn) xả thẳng ra môi trường hoặc qua hệ thống hầm khí sinh học (biogas), một số ít cơ sở có hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường.

Mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn, tuy nhiên hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con thì chất lượng nước xả thải cơ bản đáp ứng theo quy định. Đối với chăn nuôi từ 100 con trở lên, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung từ hàng nghìn con trở lên đang gây quá tải cho hệ thống xử lý biogas chất lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Với số lượng chăn nuôi ở Hà Nội hiện nay, tổng lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng trên 600 nghìn tấn/năm. Nhìn chung, ô nhiễm chất thải rắn trong chăn nuôi ở Hà Nội chưa phải là vấn đề nghiêm trọng do các cơ sở chăn nuôi đang sử dụng các biện pháp như ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; công nghệ ủ phân sinh học; sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi trùn quế, ấu trùng ruồi lính đen… tạo ra nguồn phân bón chất lượng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số cơ sở trang trại và người dân xử lý ủ phân chưa đúng quy trình hoặc sử dụng phân tươi để bón trực tiếp cho cây trồng không những tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cây trồng phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước, chất lượng không khí, đó cũng là những tác nhân tham góp gây ô nhiễm môi trường hiện nay.

Những gợi ý từ cách xử lý của các đề tài

Hiện thành phố đang có một số đề tài xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường do Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm triển khai (2017-2019) tại một số hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại xã Phù Đổng, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Kết quả đã xây dựng được 3 mô hình xử lý môi trường gồm: Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio1 để xử lý mùi khu vực chuồng nuôi bò sữa quy mô nông hộ; Mô hình xử lý nước thải sau biogas của thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá có sử dụng chế phẩm vi sinh quy mô pilot 10-12 m3/ngày đêm; Mô hình xử lý chất thải rắn nuôi bò để nuôi giun cho HTX Làng Gióng (công suất 3-5 tấn/mẻ).

Xây dựng được 3 mô hình công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi bò thịt tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, gồm: Mô hình và xử lý mùi khu vực chuồng nuôi bò thịt; Mô hình pilot xử lý nước thải sau biogas có sử dụng chế phẩm vi sinh của hộ chăn nuôi tập trung tại Lệ Chi; Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi bò thịt làm phân hữu cơ.

Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động, thực vật làm phân bón cho sản xuất một số loài rau hữu cơ bản địa (rau bò khai, rau mỏ, rau tầm bóp, rau dớn) tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, do Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện (2017 - 2019).

Kết quả xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải lợn rừng và phụ phẩm từ quá trình canh tác rau hữu cơ có sử dụng trùn quế cho sản xuất rau hữu cơ bản địa Thạch Thất quy mô 10 tấn/mẻ và 4 quy trình canh tác rau hữu cơ bản địa Thạch Thất (rau bò khai, rau mỏ, rau tầm bóp, rau dớn) sử dụng phân bón sản xuất được trên địa bàn huyện Thạch Thất; 1 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh quy mô 350 tấn; 4 mô hình sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ bản địa Thạch Thất (rau bò khai, rau mỏ, rau tầm bóp, rau dớn): quy mô 2 ha/mô hình, chất lượng rau đạt tiêu chuẩn rau hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh đạt các chỉ tiêu chất lượng theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đặc biệt là những đề tài, nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước như nghiên cứu ứng dụng ruồi lính đen xử lý chất thải nông nghiệp để tạo sinh khối có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ trồng trọt và chăn nuôi do ông Nguyễn Văn Chí - Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện (2017-2018).

Kết quả nghiên cứu đã xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường của chất thải trong chăn nuôi và phế phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo ra lượng phân bón hữu cơ cao cấp và sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen chất lượng cao phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Kế hoạch trong năm 2020, tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để triển khai mô hình thí điểm xử lý rác thải hữu cơ từ phân loại rác thải sinh hoạt và phế phụ phẩm nông nghiệp bằng phương pháp cơ sinh (sử dụng ấu trùng ruồi lính đen) tại bãi rác xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.

Đề tài nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua chất độn lót chuồng trong chăn nuôi đại gia súc do Công ty Cổ phần T&T 159 (doanh nghiệp KHCN) thực hiện (2016-2017). Kết quả nghiên cứu tạo ra quy trình xử lý phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, trấu, vỏ cây keo) và phế thải chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò thịt, bò sinh sản, bê) làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ quy mô bán công nghiệp và quy trình công nghệ sản xuất 4 loại phân bón hữu cơ: Phân hữu cơ T&T159, phân hữu cơ khoáng T&T159K, phân hữu cơ vi sinh T&T159S, phân hữu cơ trùn quế T&T159.

Đề tài nghiên cứu công nghệ và thiết bị xử lý phân gà tươi trong chăn nuôi công nghiệp thành phân bón hữu cơ và phân bón hữu cơ vi sinh do Công ty Cổ phần Phân bón Fitohoocmon thực hiện (2017-2019). Kết quả nghiên cứu tạo ra quy trình công nghệ xử lý phân gà thành phân bón hữu cơ hoặc nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân gà; sơ đồ hệ thống thiết bị xử lý phân gà quy mô công nghiệp; chế phẩm hỗn hợp vi sinh vật lên men nguyên liệu hữu cơ; chế phẩm hương liệu men; phân bón hữu cơ Fitohoocmon 77; phân bón hữu cơ vi sinh Fitohoocmon 42.


Có thể bạn quan tâm

Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao

Đồng Tháp có tổng diện tích vườn cây ăn trái 33.000 ha, sản lượng trên 377.000 tấn/năm, trong đó trên 10.000ha xoài, sản phẩm trái cây xuất khẩu

26/10/2020
Giải pháp phát triển bền vững nghề dâu tằm Giải pháp phát triển bền vững nghề dâu tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm hình thành lâu đời ở nước ta và để phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

27/10/2020
Lúa đổ hàng loạt do mưa lớn tại Nam Định Lúa đổ hàng loạt do mưa lớn tại Nam Định

Trước những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành nông nghiệp Nam Định khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương xuống đồng cứu lúa mùa; tránh ảnh hưởng đến năng suất

27/10/2020