Giải bài toán cung - cầu cá tra
2018 là một năm đầy thành công của ngành cá tra, từ sản xuất tới xuất khẩu. Nhưng năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra và giá cá nguyên liệu trong nước đều giảm mạnh. Nguyên nhân chính là tình trạng cung vượt cầu.
Đây không phải là lần đầu tiên cá tra rơi vào tình cảnh này. Do đó, cần thiết phải sớm giải được bài toán cung - cầu cá tra.
Giá giảm vì cung vượt cầu
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc giá cá tra xuất khẩu và cá tra nguyên liệu năm nay giảm mạnh, có tác động từ phía thị trường. Chẳng hạn, việc Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế chống bán phá giá quá cao, đã khiến cho cá tra xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh. 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 208,3 triệu USD, giảm tới 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cân đối cung - cầu là nguyên nhân chính. Cân đối cung - cầu đang là vấn đề lớn của ngành cá tra, không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn. Trong nhiều năm qua, đã nhiều lần giá cá gia giảm mạnh vì cung vượt quá cầu. Năm nay cũng vậy, sản lượng cá tra tăng mạnh từ năm 2018 và đầu 2019 do nhiều người đổ xô vào nuôi khi giá cá tra năm ngoái lên cao, đã dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho giá cá tra năm nay lại giảm mạnh xuống.
Chính vì vậy, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, TGĐ Cty CP Vĩnh Hoàn, cho rằng cần phải cân đối cung - cầu cá tra để tránh tình trạng thừa cung đã nhiều lần diễn ra trong những năm qua.
Việc cân đối cung - cầu, kiểm soát nguồn cung cá tra nguyên liệu, đang là một yêu cầu cấp thiết để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, tránh rơi vào vòng luẩn quẩn cứ năm nào cá ít thì giá lên cao. Nông dân thấy giá quá hấp dẫn lại đổ xô vào nuôi, làm cho sản lượng năm sau tăng quá nhiều, giá lại giảm mạnh, thậm chí xuống dưới giá thành như trong nhiều tháng qua.
Kiểm soát từ con giống
Theo ông Trương Đình Hòe, cân đối cung - cầu phải kiểm soát bằng một công cụ mới hơn, không phải bằng công cụ quy hoạch hay biện pháp hành chính. Thay vào đó, làm sao có sự quản lý chặt chẽ hơn về con giống. Bởi con giống không chỉ tác động đến cung cầu mà còn liên quan đến chất lượng sản phẩm, liên quan đến hệ số thức ăn, dịch bệnh…
Phải có dữ liệu đầy đủ
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, cần thiết phải có dữ liệu đầy đủ và lũy kế về ngành cá tra để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng cho ngành.
Bên cạnh đó, với thị trường Trung Quốc, cần phải chú trọng nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu biên mậu. Đối với thị trường EU, cần có thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh Marketing, thúc đẩy thị trường.
Ông Hòe cho rằng cần phải kiểm soát số lượng con giống đưa ra thị trường hàng năm hay hàng quý, hàng tháng, để điều tiết sản lượng. Để làm được điều này, phải áp dụng điều kiện đối với cơ sở sản xuất giống cá tra. Thậm chí có thể cấp “quota” về số lượng cho các cơ sở sản xuất giống. Theo đó, trong một năm, cơ sở chỉ được đưa ra bao nhiêu con giống. Con giống trước khi thả xuống ao phải đạt kích cỡ là bao nhiêu cm. Nếu kiểm soát được số lượng giống và kích cỡ con giống, thì sẽ tính được sản lượng khi thu hoạch. Còn như hiện nay, số lượng con giống đưa ra thị trường không ai nắm được, kích cỡ thì đủ loại, khiến cho không thể xác định được sản lượng cá thương phẩm. Chính điều đó làm cho ngành hàng cá tra không thể đoán định được thị trường.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu nhu cầu của các thị trường chủ lực để có quy chuẩn về kích cỡ cá tra nguyên liệu. Bởi nếu thả 1 triệu con cá giống, nhưng nuôi đến 5 lạng/con đã thu hoạch, thì sản lượng sẽ rất khác nếu để nuôi tới 8 lạng/con. Hay có thể nói, sản lượng cuối cùng của cá tra có thể thay đổi lớn nếu thay đổi kích cỡ cá thu hoạch. Do đó, phải quy chuẩn về cá nguyên liệu để góp phần bảo đảm được sản lượng ổn định và chất lượng của sản phẩm.
Còn theo ông Ong Hoàng Văn, Phó TGĐ Cty CP Thủy sản Trường Giang tình trạng dư thừa nguồn cung cá tra còn đến từ việc không kiểm soát được diện tích ao nuôi, mật độ nuôi, nuôi cá vượt size… Đây cũng là những vấn đề cần phải lưu ý giải quyết để cân đối cung – cầu cá tra.
Tìm hiểu kỹ thị trường Trung Quốc
Mấy năm nay, Trung Quốc đang nổi lên là thị trường hàng đầu của cá tra Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, đây là thị trường lớn nhất, với giá trị xuất khẩu đạt 450,7 triệu USD (tính cả Hồng Kông), tăng 19,6% so với cùng kỳ 2018. Trung Quốc còn là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất nhiều loại cá tra: cá tra phile đông lạnh, cá tra phile cắt khúc, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bụng mỡ cá tra, bao tử cá tra, cá tra phile cắt tẩm gia vị đông lạnh, chả cá tra, cá tra tẩm bột đông lạnh...
Nhưng Trung Quốc lại có một đặc điểm cần phải chú ý là thay đổi liên tục về thị hiếu vì đây vẫn đang là thị trường mới với cá tra và đang trong quá trình phát triển. Năm nay họ thích cá tra xẻ bướm, nhưng sang năm có thể không thích nữa, mà đòi loại khác. Mà với mỗi một quy cách chế biến lại tương ứng với một cỡ cá nguyên liệu khác nhau. Vì thế mới có chuyện có thời điểm Trung Quốc chỉ mua cá tra loại 5 lạng/con. Nhưng ít lâu sau, họ chỉ mua cá 7 lạng hoặc hơn.
Nuôi cá tra ở Tiền Giang.
Chính vì vậy, ông Hòe cho rằng, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về nhu cầu của thị trường Trung Quốc, như họ thích ăn cá ở kích cỡ nào, thích cá phile hay cá xẻ bướm… Nếu quả thực Trung Quốc thích ăn cá tra cỡ 4 - 5 lạng/con thì phải đảm bảo rằng nhu cầu đó là ổn định, qua đó, có hẳn quy định riêng hoặc có một chính sách khuyến khích riêng cho hoạt động nuôi đến kích cỡ như vậy, để trên cơ sở đó mà ổn định về sản lượng. Một năm, mấy trăm ngàn tấn loại 4 - 5 lạng/con để đi Trung Quốc, thì cứ thế mà làm. Chứ cứ dựa vào việc năm ngoái họ mua nhiều cá tra loại 4 - 5 lạng/con, rồi cứ thế làm, nhỡ năm nay, họ lại đòi mua cá 6 - 7 lạng/con, thì khi ấy, nông dân buộc phải nuôi lên 6 - 7 lạng/con, trong khi khối lượng cần mua của Trung Quốc, không thay đổi, chỉ thay đổi kích cỡ, sẽ dẫn tới cung vượt cầu. Vì như đã nói ở trên, khi lượng giống thả nuôi ổn định, thu hoạch cá ở kích cỡ khác nhau sẽ dẫn tới sản lượng rất khác nhau.
Bên cạnh đó, phải có đánh giá chính xác khả năng tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường quan trọng, nhất là thị trường Trung Quốc, qua đó, tác động tới khâu sản xuất cá nguyên liệu. Nếu như nhu cầu thị trường chỉ tăng 5%, thì sản xuất cá nguyên liệu trong nước cũng chỉ nên tăng tương ứng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng sản lượng cá tra tăng đột biến, dẫn tới cung vượt xa cầu, khiến cho giá cá giảm mạnh.
Để góp phần phát triển bền vững ngành hàng cá tra, VASEP sẽ phối hợp hành động để cùng nhà nước có công cụ hữu hiệu kiểm soát việc cân bằng sản lượng cá nuôi, xây dựng chiến lược xuất khẩu cá tra cho thị trường Trung Quốc với tầm nhìn dài hạn 5 năm, xây dựng và tham gia để sớm hình thành Quỹ Phát triển thị trường cho cá tra Việt Nam.
(Nguồn: Phương hướng hoạt động của VASEP giai đoạn 2019 - 2020)
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, nhiều ao tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện hện tượng tôm sú bị một căn bệnh lạ, tạm gọi là bệnh vảnh mang.
Ngành nuôi tôm nước ta đã phát triển phương thức nuôi tôm thâm canh ở nông hộ nên tăng được sản lượng, mở ra khả năng tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu
Nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân 14 tỉnh duyên hải miền Trung.
Các cơ sở, tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản đóng góp, thả về môi trường tự nhiên hàng triệu con giống thủy sản mỗi năm.
Sản xuất tôm giống tại các địa phương trong vùng chưa đủ đáp ứng, hiện có đến 90% tôm giống chủ yếu từ hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận