Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Giá trị kinh tế từ cá quế

Giá trị kinh tế từ cá quế
Tác giả: Tường Vi
Ngày đăng: 26/10/2020

Cá Quế là loài cá nước ngọt có tên khoa học là Tinca tinca L hay tên thường gọi là cá Tench thuộc họ cá Chép (Cypridae). Chúng có nguồn gốc từ Châu Âu và Tây Á. Loài cá này được du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu, khoảng hai năm trở lại đây.

Cá Quế có mùi vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng và được xem là món ăn là món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng nổi tiếng.

Cá Quế có thân hình dẹp, cuống đuôi ngắn, vảy nhỏ màu vàng óng ánh gắn sâu vào lớp da dày và hai mắt nhỏ màu cam. Đây là loài ăn tạp sống ở tầng đáy, thức ăn chủ yếu là tảo và các động vật không xương sống. Chúng có tỷ lệ sinh sản cao, tuổi thọ dài và có thể sống được trong môi trường oxy thấp. Cá Quế sinh trưởng tốt ở nhiệt độ từ 18-20⁰C và có thể chịu được nhiệt độ dưới 35⁰C.

Đề tài nuôi thử nghiệm giống cá Quế lần đầu tiên tại hồ Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và Trung tâm giống Thuỷ sản Hải Phòng năm 2009 đã thành công với kết quả thử nghiệm thu được là sức tăng trưởng của cá Quế vượt trội hơn so với các loài cá khác trong cùng điều kiện nuôi thả tự nhiên không cung cấp thức ăn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Với 7.700 con có tổng trọng lượng 6.545kg cho thu lãi tới 16,35 triệu đồng, trong khi lượng cá tạp khác thu được khoảng 2.000kg cho thu lãi chỉ 5,6 triệu đồng. Hiện tại cá Quế đã được đưa vào nuôi lồng bè ở nhiều tỉnh trên cả nước, tập trung ở khu vực phía Bắc như Phú Thọ, Hải Dương, Vĩnh Phúc,..

Tên gọi cá Quế được bắt nguồn từ nguồn gốc của chúng. Cá Quế tự nhiên sống trong các hồ nước, kênh rạch nằm cạnh rừng quế, chúng ăn quế rụng từ trên cây nên lâu ngày mùi quế ngấm vào da thịt và tạo ra mùi thơm rất đặc trưng. Thịt cá dai ngon như cá hồi, song lại có lớp da dày như da cá mú. Thời gian nuôi trung bình từ 1,5 đến 2 năm chúng có thể đạt kích thước từ 1 đến 2kg. Cá Quế cái bắt đầu thành thục sinh dục sau 3-4 năm. Tuy cá Quế có trọng lượng không cao nhưng chúng có giá trị kinh tế cao, có thể dao động từ 140.000-160.000đ/kg.

Theo một nghiên cứu tại Viện nghiên cứu văn hóa và thủy sinh học cá tại Vodňany (Đại học Nam Bohemia Ceske Budejovice, Cộng Hòa Séc) từ năm 1984 đến 2002 về các bệnh liên quan đến sự hao hụt của cá Quế cho thấy rằng cá Quế có sự xuất hiện bệnh và tỷ lệ nhiễm trùng thấp hơn so với các loài cá khác trong cùng họ cá Chép. Bệnh ký sinh trùng được cho là phổ biến nhất trên cá Quế. Và trong nghiên cứu cũng cho thấy rằng cá Quế có thể bị các bệnh tương tự như trên cá Chép với tỷ lệ thấp hơn.

Cá Quế có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại là loài cá khó tính hơn những loài cá khác. Chúng đòi hỏi môi trường nước sạch và nhiệt độ nước ít biến động. Cá Quế có tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ hao hụt cao và có thể lên đến 50% ở nhiệt độ nắng nóng kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của loài cá này phụ thuộc vào lượng cá mồi và nhiệt độ trong ao nuôi. Theo anh Nguyễn Văn Toàn ở Hải Dương cho biết thêm: “Để nuôi thành công giống cá quế, anh chọn vị trí thả lồng ở chỗ nước sâu và được lưu thông thường xuyên để làm mát cho cá, phía bên trên lồng được che phủ nhằm giảm nhiệt độ của nước. Trong những ngày nắng nóng, chế độ ăn của cá cũng phải được chú ý, chỉ cho ăn vào lúc trời mát, lượng thức ăn giảm so với bình thường”. Nuôi cá Quế trong lồng trên sông cũng là một giải pháp tích cực cho người nuôi cá bởi có thể tận dụng được dòng chảy để hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao cho một chu kỳ nuôi cá Quế thương phẩm thì lựa chọn hình thức nuôi đơn là chính.

Mặc dù có những mặt hạn chế, nhưng Cá Quế có lớp vảy bắt mắt, thịt cá rắn chắc, dai ngon, không bị mỡ, giàu chất dinh dưỡng, ít xương dăm, song loài cá này lại có khả năng kháng bệnh rất tốt nên đang trở thành một đối tượng nuôi mới tiềm năng cho ngành thuỷ sản. Loài cá này hoàn toàn có thể thay thế cá Song biển trong tương lai với mức giá rẻ hơn từ 100.000-200.000đ/kg.


Có thể bạn quan tâm

6 quốc gia dẫn đầu nuôi tôm thẻ chân trắng 6 quốc gia dẫn đầu nuôi tôm thẻ chân trắng

Báo cáo của Hatch cũng cho biết, tôm thẻ chân trắng đang được nuôi ở 36 quốc gia, đạt giá trị sản xuất cao nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản

27/02/2020
Chuyện nuôi tôm ở cánh đồng năn Chuyện nuôi tôm ở cánh đồng năn

Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nghề nuôi tôm nước lợ, cái tên “cánh đồng năn” cũng dần bị mọi người quên lãng

27/02/2020
Ưu và nhược điểm sử dụng sàng ăn trong nuôi tôm Ưu và nhược điểm sử dụng sàng ăn trong nuôi tôm

Hiểu được ưu và nhược điểm của sàng ăn trong nuôi tôm giúp người nuôi tôm sử dụng đúng cách, hiệu quả.

27/02/2020
Xu hướng nuôi trồng thủy sản thông minh Xu hướng nuôi trồng thủy sản thông minh

Ngành nuôi trồng thủy sản đang tăng trưởng thần tốc và giữ vai trò quan trọng với an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng cho dân cư toàn cầu.

27/02/2020
Chiến dịch truyền thông micro-blog cho cá rô phi bền vững Chiến dịch truyền thông micro-blog cho cá rô phi bền vững

Micro - blog hay tiểu blog hoặc blog vi mô là một dạng blog có các bài đăng có nội dung thu nhỏ như câu nói ngắn gọn, hình riêng, hoặc liên kết đến video.

28/02/2020