Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại
Sau một thời gian giảm sâu, những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 này giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăng trở lại, thị trường mua bán nhộn nhịp, nhiều nơi đang xảy ra hiện tượng hút hàng.
Theo người nuôi tôm tỉnh này cho biết, hiện giá tôm thẻ chân trắng tăng trên dưới 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghiệp, loại từ 22-25con/kg giá 160.000 đồng; loại 26-30 con giá 146.000 đồng/kg; loại 35-40 con 126.000 đồng/kg; loại 55-60 con giá 100.000 đồng/kg.
Tôm sú loại 20 con có giá dao động từ 180.000 - 190.000 đồng/kg; riêng tôm sú sống (chạy oxy) loại 30 giá trên 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại tôm sú sống luôn hút hàng, thị trường tiêu thụ trong nước ưa chuộng, người tiêu dùng ngày một tăng, dù trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Ông Ngô Quang Hùng, nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu phấn khởi cho biết, hiện tôm nuôi của gia đình đạt size khoảng 30 con/kg. Với 2.000 m2 mặt nước tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh, ước tính vụ này cho năng suất đạt khoảng 14 tấn. Theo tính toán, với giá tôm hiện tại, sau khi trừ các khoảng chi phí, vụ này cho lãi lên đến 50% so với tổng vốn đầu tư ban đầu.
Theo ông Hùng, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh trong những ngày gần đây là nhờ thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam thuận lợi trở lại. Nhiều công ty, doanh nghiệp có hợp đồng, đơn đặt hàng mới, nguồn hàng tồn kho dần được "giải phóng", đã kích thích thị trường sản xuất, chế biến, nuôi mới trên địa bàn.
Theo nhận của các doanh nghiệp, nếu nhu cầu tiêu thụ các nước tăng trở lại, thị trường xuất khẩu ổn định, thì giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, người nuôi tôm trong nước dần sản xuất ổn định trở lại.
Trước giá tôm tăng trở lại, người nuôi tôm tỉnh này đang có xu hướng mở rộng diện tích thả nuôi, nhất là đầu tư nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, siêu thâm canh. Tuy nhiên, vấn đề người dân đang gặp phải khó khăn là nguồn vốn tái đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng, điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường nước vùng nuôi, dịch bệnh trên tôm, khâu quản lý vật tư đầu vào, giá cả thức ăn, thuốc…
Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 130.000 ha; trong đó, 80% người dân nuôi tôm theo mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình. Phần lớn, trong số này sản xuất theo mô hình truyền thống, còn hạn chế về kỹ thuật, thông tin thị trường… lợi nhuận chưa tương xứng so với vốn đầu tư, công lao động, hoặc thua lỗ nặng một khi giá tôm trên thị trường không ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Sản phẩm tôm nhập khẩu của Hàn Quốc, T1-T6/2018, theo giá trị
Sản phẩm tôm nhập khẩu của Hàn Quốc, T1-T6/2018, theo khối lượng
Giá cá tra liên tục đứng ở mức thấp từ đầu năm 2020 tới nay; giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, giá tôm vẫn duy trì mức tốt do nhu cầu tăng.