Giá Lúa Tăng Nông Dân Vẫn Thiệt
Giá lúa lên nông dân vẫn không lợi vì đã bán tại ruộng từ lúc giá thấp để trang trải chi phí..
Giá lúa ở khu vực miền Tây Nam Bộ liên tục tăng nhưng nông dân không còn lúa để bán vì đã cuối vụ thu hoạch lúa hè thu.
Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu trễ ở miền Tây Nam Bộ thu lợi nhuận khá lớn. Ông Trần Thanh Mẫn trồng 5 ha lúa ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Mới tuần trước tôi thu hoạch lúa hè thu bán ngay tại ruộng 5.000 đồng/kg, nay lúa đã tăng lên 5.100 đồng/kg đã làm mất một số tiền không nhỏ”. Dù bán lúa sớm mất tiền nhưng ông Mẫn vẫn thu được 15 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với những nông dân đã thu hoạch hơn 1 tháng trước đây.
Tại các vùng thu hoạch lúa hè thu muộn ở tỉnh Trà Vinh, nông dân hiện cũng bán được lúa giá cao. Ông Thạch Minh, trồng 5 công lúa hạt dài ở xã Tập Sơn, huyện Trà Cú cho biết: “Tôi mới vừa thu hoạch lúa hè thu thương lái đến tận ruộng mua với giá 5.100 đồng/kg lúa tươi. Nông dân rất phấn khởi vì trước đó giá lúa khá thấp, nhiều nông dân thu hoạch chẳng lời được bao nhiêu”. Hiện thương lái đang đến tận ruộng để mua vét số lúa hè thu đang thu hoạch muộn.
Ông Trần Hoàng Nam, thương lái thu mua lúa tại tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hiện tại lúa còn tồn trong dân khá ít. Các thương lái đang đẩy mạnh thu mua để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Mấy ngày nay giá lúa không tăng và có chiều hướng giảm khi mưa nhiều, nhưng giá này vẫn còn ở mức khá cao so với ngay chính vụ”.
Giá lúa tăng và ở mức cao hầu hết nông dân ở các tỉnh ĐBSCL chẳng được lợi bao nhiêu do đã bán trước khi giá lúa lên cao. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện cơ bản đã thu hoạch xong lúa hè thu và xuống giống vụ lúa thu đông. Việc thu mua tạm trữ ngay thời điểm giá lúa thấp (dưới 4.000 đồng/kg lúa tươi) thì doanh nghiệp hưởng lợi, đa số nông dân đều bán lúa tươi ngay tại ruộng để trang trải chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuẩn bị để sản xuất vụ lúa sau.
Ông Nguyễn Liên Khoa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho rằng: “Để tăng hiệu quả mua tạm trữ thì cần phải triển khai chặt chẽ và nâng lên thành mua dự trữ quốc gia bằng cách thu mua thường xuyên ngay từ đầu vụ. Ngoài ra, cần phải tính toán sản lượng lúa của từng địa phương để phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ mới đảm bảo nông dân ở từng khu vực được hưởng lợi từ chính sách này”.
Theo nhiều chuyên gia, những năm qua nông dân trồng lúa đang loay hoay trong cảnh “được mùa, mất giá” và tình trạng này đang tiếp tục tái diễn. Chủ trương thu mua tạm trữ đã phần nào giúp giá lúa tăng lên. Tuy nhiên, lợi nhuận đến tay nông dân rất ít. Mặt khác, thời gian triển khai thu mua tạm trữ cần được tính toán kỹ càng để đảm bảo nông dân hưởng lợi nhuận từ chủ trương này.
Có thể bạn quan tâm
Bỏ nhiều thời gian, công sức để có được các sáng chế tâm huyết nhưng nhiều nhà sáng chế "chân đất" phát hiện sản phẩm của mình bị làm nhái và thương mại hóa.
Cùng với độ quý hiếm thì chất lượng thịt thơm ngon đã đưa gà re trở thành giống gà được ưa chuộng số một Quảng Ngãi và nhiều vùng lân cận.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, thành phố mang tên Bác là ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM của cả nước.
Khi bị giải tỏa di dời đến nơi ở mới, vợ chồng ông không một mảnh đất cắm dùi. Sau nhiều năm quyết tâm thực hiện chiến lược không mua sắm gì, chỉ thuê, mua thêm đất, ông Trần Xuân Hoàng đã có trong tay hơn 15ha đất, mang về lợi nhuận trung bình 800 triệu đồng/năm...
Nhờ ông mà Chi hội ND Xuân Hòa A2, phường Thanh Khê Đông, quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) duy trì và phát triển, kể cả ở những thời điểm không có chi hội trưởng.