Giá Lợn Tăng, Cần Thận Trọng Khi Tái Đàn
Gần một tháng nay, giá thịt lợn hơi ở mức 43-45 nghìn đồng/kg, cao hơn thời điểm 3 tháng trước hơn 10 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 700 đến 1 triệu đồng/con.
"Xuất ngoại” số lượng lớn
Chúng tôi gặp anh Phạm Quang Tuấn, thôn Am, xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang), thương nhân đã hơn chục năm làm nghề mua gom lợn xuất khẩu sang Trung Quốc đúng lúc anh vừa giao xong chuyến hàng trên biên giới về. Anh cho biết: "Hơn hai tháng nay, xuất khẩu lợn sang Trung Quốc rất thuận lợi.
Bạn hàng không đòi hỏi lợn siêu nạc mà lại thích lợn mỡ, thanh toán sòng phẳng. Tuy nhiên, họ lại yêu cầu khắt khe về cân nặng (từ 90 kg/con trở lên) và số lượng lớn. Nếu họ cần 100 con mà lô hàng của mình thiếu một con thì họ cũng không lấy”.
Bình quân mỗi tháng anh chạy 60 chuyến, 8 tấn/chuyến lên cửa khẩu Lộc Bình (Lạng Sơn) xuất cho đối tác, tăng gấp 6 lần so với thời điểm giá lợn xuống thấp. Nguồn hàng của anh được mua từ nhiều tỉnh trong cả nước. Trừ chi phí mỗi chuyến anh bỏ túi khoảng 10-20 triệu đồng. Anh Tuấn nói thêm: "Đi "bắt” lợn khi giá tăng cũng thấy thoải mái bởi người chăn nuôi vui vẻ, có lãi. Ngược lại giá thấp, thấy người bán thua lỗ thì mình cũng méo mặt. Nông dân bỏ trống chuồng là chúng tôi cũng bỏ nghề luôn”.
Chị Nguyễn Thị Thơm (cùng thôn) là hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn xã, bình quân hơn 100 con lợn bột mỗi lứa. Theo chị Thơm thì có điểm giá lợn xuống thấp dưới giá thành nhưng gia đình chị vẫn duy trì đàn. Làm như vậy thì mới gỡ lại được vốn do lứa lãi bù lứa lỗ. Đàn lợn 80 con, mỗi con nặng gần một tạ vừa xuất chuồng với giá 44 nghìn đồng/kg, trừ chi phí chị lãi gần 1 triệu đồng/con.
Chỉ vào ngôi nhà ba tầng khang trang mới xây cùng tiện nghi hiện đại, chị cho biết: "Cơ ngơi này cũng nhờ nuôi lợn mà ra đấy. Nếu chỉ trông vào vài sào ruộng, cây cối trong vườn thì đủ ăn đã là may lắm rồi chứ nói gì đến việc nuôi con cái ăn học, sắm sửa vật dụng trong nhà và chi tiêu nhiều khoản khác”.
Thận trọng khi tái đàn
Theo Phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT), mặc dù thời điểm giữa năm vừa qua giá bán lợn thấp dưới giá thành nhưng đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, duy trì thường xuyên vẫn có lãi. Nhất là thời điểm này việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc thuận lợi nên giá bán tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Hiện tại, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 - 100 tấn lợn được xuất đi Trung Quốc. Ngoài tiêu thụ qua biên giới, thời điểm này, nhu cầu sử dụng thịt lợn tại thị trường nội địa rất mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y), bình quân mỗi ngày đơn vị kiểm dịch cho 10-12 chuyến xe vận chuyển lợn tiêu thụ cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tăng 1,5 lần so với những tháng trước.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, dù lợn xuất sang Trung Quốc lớn nhưng với tổng đàn đang được nuôi ở các trang trại, hộ nuôi nhỏ lẻ, toàn tỉnh vẫn có khoảng 40 nghìn tấn thịt phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, bảo đảm đủ nhu cầu cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh khác.
Tuy chăn nuôi lợn đang mang lại lợi nhuận lớn song qua kiểm tra của đoàn công tác Sở Nông nghiệp và PTNT vừa qua tại một số huyện, thành phố cho thấy, một bộ phận nông dân còn chủ quan, chưa quan tâm phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi. Trong khi đó, thời điểm này là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh ở lợn như lở mồm long móng, thương hàn, tai xanh bùng phát…
Hơn nữa, rét đậm kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân cần tập trung thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh; chú ý che chắn, giữ ấm, bảo đảm đủ dinh dưỡng để tăng khả năng chống rét, khả năng kháng bệnh của vật nuôi; không vì chạy theo lợi nhuận khi giá lợn tăng cao mà sử dụng chất tăng trưởng chăn nuôi, gây hại sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của tỉnh và một số tỉnh khác. Thế nhưng, thời điểm này có thể sức mua cao nhưng khi phía bạn hàng đóng cửa hoặc thu mua giảm số lượng thì rất bất lợi cho ngành chăn nuôi.
Nhiều hộ có thể từ đó mà lâm vào cảnh kinh tế điêu đứng, suy kiệt khi đầu ra của sản phẩm quá thấp. Vì vậy, cần tính toán kỹ, không tái đàn ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu”. Đi đôi với biện pháp trên, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc và các sản phẩm từ gia súc qua địa bàn, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Lượng lợn tiêu thụ mỗi ngày qua cửa khẩu Lộc Bình (Lạng Sơn) rất lớn. Trong đó, 3 mối lớn nhập 3 nghìn con/ngày. Một số mối làm ăn nhỏ mua khoảng 1 nghìn con/ngày”.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên vừa lấy mẫu nước nuôi trồng thủy sản tại 16 điểm quan trắc trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm, xác định mức độ ô nhiễm tại các vùng nuôi.
Ngày (10/8), Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND xã Khánh Bình Tây Bắc và xã Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời) tổ chức thả một số loại cá giống nước ngọt ở một số cửa sông nội đồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2015.
Cá tra được xác định là một trong những sản phẩm quốc gia chiến lược của Việt Nam với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Thời gian qua, dù sản xuất và tiêu thụ cá tra còn gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh, chi phí đầu vào nuôi tăng, người nuôi thua lỗ, thị trường xuất gặp khó, giá xuất khẩu giảm, các rào cản thuế quan và phi thuế quan…
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản dưới mọi hình thức trong hồ Dầu Tiếng vào mùa sinh sản từ ngày 1.7 đến 30.9 hằng năm, đặc biệt tại các bãi cá đẻ như Khu rừng cấm, Ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông... Báo Tây Ninh cũng không ít lần phản ánh. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện, vẫn còn nhiều người đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng.
Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn xảy ra.