Giá lợn giảm mạnh, người nuôi đặt cược vụ Tết
Theo phản ánh của nhiều người nuôi lợn ở khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi vẫn tiếp tục biến động theo hướng giảm mạnh, khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên, một số hộ chấp nhận găm hàng chờ giá nhích lên vào dịp tết...
Trong ảnh: Giá lợn hơi tại ĐBSCL được kỳ vọng sẽ tăng cao dịp tết. Ảnh: Chúc Ly
Giá giảm tới 20.000 đồng/kg
Không ở mức thấp kỷ lục như ở các vùng miền khác (do chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương) nhưng hiện giá giá lợn tại khu vực ĐBSCL chỉ còn ở mức 34.000 - 38.000 đồng/kg, thay vì ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg trong vài tháng trước đây.
Hiện tại đã có thương lái vào đặt hàng đàn lợn của tôi với giá 40.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán, vì trong thời điểm cận tết giá lợn bao giờ cũng ở mức cao. Theo một số thương lái tại địa phương, giá lợn sẽ đạt khoảng 45.000 đồng/kg vào dịp tết”. Nông dân Tiền Phi Săng (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)
Ông Châu Minh Đức - chủ trang trại nuôi lợn (ngụ xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho hay: Hiện lợn hơi mua tại các hộ nhỏ lẻ có giá khoảng 36.000 đồng/kg, còn tại các trang trại lớn thì thường dao động ở mức 38.000 đồng/kg. Sở dĩ có sự khác biệt này là do ở một số hộ nuôi, chất lượng thịt lợn chưa đảm bảo, lợn thừa cân hoặc mỡ quá nhiều nên mất giá.
Ghi nhận tại một số trang trại nuôi lợn ở TP.HCM và Đồng Nai cũng cho thấy giá lợn hơi đang trên đà giảm mạnh, chỉ còn 32.000 - 36.000 đồng/kg, giảm tới 7.000 - 12.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Còn nếu so với mức giá đỉnh điểm vào tháng 4.2016, giá lợn hơi bán ra tại trang trại hiện đã giảm từ 14.000 - 20.000 đồng/kg.
Anh Mạnh Hữu (Củ Chi, TP.HCM) cho biết, đàn lợn hơn 80 con của gia đình anh đang đến tuổi xuất chuồng nhưng giá lại rớt mạnh và cũng không dễ bán. “Lợn bán tại chuồng có giá 39.500 đồng/kg là loại lợn đẹp, chứ xấu bị thương lái ép giá còn 36.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, người nuôi chỉ hoà vốn hoặc lỗ” - anh Hữu nói.
Theo ông Châu Minh Đức, giá lợn hơi tại Sóc Trăng chưa bao giờ giảm đến mức 32.000 - 33.000 đồng/kg như ở Đồng Nai hiện nay, vì chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh. Một số thời điểm, các thương lái trong tỉnh còn phải ra Đồng Nai để mua lợn về tiêu thụ. Do đó, ông Đức nhận định giá lợn hơi ở Đồng Nai giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc không mua nữa.
“Các nơi khác như TP.HCM, người nuôi lợn có trang trại lớn, có hợp đồng mua bán vào dịp tết rồi thì không lo, nhưng những hộ nuôi nhỏ lẻ thì khổ lắm, thương lái muốn mua với giá bao nhiêu thì mua. Riêng cơ sở tôi có khoảng 40 con lợn thịt tính bán nhưng chưa bán được” - ông Trương Bá Diệp, chủ cơ sở nuôi chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết.
Tại tỉnh Trà Vinh, giá lợn hơi ở một số huyện như Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú... cũng đang giảm. Nhiều hộ dân nuôi lợn có quy mô lớn cho hay, giá bán hiện ở mức từ 34.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi tháng trước là khoảng 42.000 đồng/kg.
Mong cả vào dịp tết
Ông Nguyễn Văn Chiểu (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho hay, với mức giá 33.000 - 34.000 đồng/kg lợn hơi hiện nay, người nuôi bị lỗ ít nhất 350.000 – 400.000 đồng/con. Trong khi đó, gia đình ông đang nuôi khoảng 5.000 con lợn, mỗi tháng xuất cho thị trường Trung Quốc và TP.HCM từ 400 - 500 con lợn thịt, nên sẽ lỗ nặng.
Theo ông Chiểu, giá lợn giảm là do cung vượt cầu từ việc tăng đàn ở rất nhiều các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vào một vài thời điểm trong năm, giá lợn hơi tại Đồng Nai tăng rất cao, một số hộ chăn nuôi lãi lớn, vậy là người chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát tăng đàn, dẫn đến cung vượt cầu. Một yếu tố nữa là việc tiêu thụ lợn hơi hiện vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nên khi họ giảm nhập là ngay lập tức, thị trường trong nước sẽ lao đao.
“Trước thực trạng giá lợn giảm mạnh như trên, nhiều hộ không muốn bán ngay mà chờ thời điểm cận Tết Nguyên đán mới xuất bán vì tin rằng sẽ được giá cao. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thường khó bán được hàng hơn nên cũng đang rất khó khăn” – ông Nguyễn Văn Tráng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè (Trà vinh) nói.
Cùng quan điểm, ông Tiền Phi Săng (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: Với những trang trại lớn, nguồn con giống ổn định thì chất lượng thịt lợn luôn được đảm bảo, thương lái sẽ mua với giá cao, khoảng 40.000 đồng/kg, còn một số hộ nuôi lẻ thì chỉ được mua với giá khoảng 37.000 - 38.000 đồng/kg. Hiện tại đã có thương lái vào đặt hàng đàn lợn của tôi với giá 40.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán, vì trong thời điểm cận tết giá lợn bao giờ cũng ở mức cao. Theo một số thương lái tại địa phương, giá lợn sẽ đạt khoảng 45.000 đồng/kg vào dịp tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Trưng – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hậu Giang cho rằng: Trong cơ chế kinh tế thị trường, giá cả luôn có biến động theo cung - cầu và người chăn nuôi rất khó để dự đoán. Chúng ta cũng khó điều tiết do quy luật cung – cầu gây ảnh hưởng cho cả vùng, miền chứ không riêng một địa phương nào.
“Giá lợn hơi lên hay xuống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có phụ thuộc vào các thương lái, cơ sở giết mổ. Có khi lợn đang ở giá 40.000 đồng/kg nhưng thương lái lại mua với giá thấp hơn với nhiều lý do đặt ra như lợn nhiều mỡ, không đạt chuẩn..., người dân có khi kẹt tiền thì cũng đành chấp nhận bán” – ông Trưng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Dưới lớp vỏ lụa mỏng màu tím đậm là lớp bột trắng mịn như thể hàng nghìn tinh thể được gắn kết với nhau. Khoai bùi mà mịn nên khi ăn không bị nghẹn
Liên kết mua chung vật tư nông nghiệp đầu vào và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Nhiều thành viên trong CLB đã có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Khi văn hóa “làm sạch” được lan rộng, trở thành thói quen và cách làm đương nhiên, "tức là VinEco đã thành công" bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc VinEco nói.