Gia Lai: Trồng Mía Áp Dụng Công Nghệ Tưới Nhỏ Giọt
Ông Dương Văn Tân, năm nay trên 60 tuổi là một nông dân sản xuất giỏi ở thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Được sự hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh thực hiện mô hình trồng mía theo công nghệ tưới nước nhỏ giọt, gia đình ông đã thu được kết quả cao, năng suất mía đạt kỷ lục 150tấn/ha.
An Khê là vùng trọng điểm sản xuất mía của tỉnh Gia Lai, mía là cây trồng chủ lực. Gia đình ông Tân hiện đang kinh doanh 3 ha mía. Những năm trước đây ông canh tác mía theo phương pháp thông thường, năng suất mía cũng chỉ đạt mức 60 tấn/ha, mặc dù khâu giống và kỹ thuật canh tác lúc nào ông cũng tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Đạt được năng suất như vậy là cũng thuộc diện trong những hộ có kinh nghiệm trong sản xuất. Không dừng ở kết quả đó, ông Dương Văn Tân luôn ham muốn học hỏi, phòng Kinh tế thị xã, hay Trạm khuyến nông mở lớp tập huấn kỹ thuật nào ông cũng tham gia. Vì vậy, trong vụ mía 2007-2008, phòng Kinh tế thị xã đã chọn hộ ông Tân thực hiện mô hình "Sản xuất mía theo công nghệ tưới nhỏ giọt". Được chọn làm mô hình, ông Tân mạnh dạn ứng dụng ngay.
Trong 3 ha mía của gia đình, ông Dương Văn Tân bố trí 2 ha để thực hiện mô hình. Tổng vốn đầu tư lên đến 67.139.000 đồng/2ha trồng mía để mua hệ thống tưới và máy bơm, lắp đặt. Trong đó kinh phí sự nghiệp KHCN hỗ trợ 37.500.000 đồng, Nhà máy Đường An Khê đầu tư 14.050.000 đồng, gia đình bỏ ra 15.589.000 đồng. Phương pháp trồng theo hàng đôi với trồng giống mía R579, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Qua bộ phận điều khiển trung tâm, nước được dẫn theo đường ống chính, rồi qua hệ thống ống nhánh.
Mỗi ống nhánh phục vụ tưới một khu vực. Từ ống nhánh nước sẽ phân ra theo các ống nhỏ được rải trên mặt đất giữa mỗi hàng đôi để tưới cho mía. Phân bón hóa học được bổ sung cho mía cũng qua hệ thống này. Năm thứ nhất làm thử nghiệm, sản lượng mía đạt 280 tấn/2ha (NS 140 tấn/ha). Giá mía năm 2008, 400.000 đồng/tấn, gia đình thu được 112.000.000 đồng, trừ chi phí và khấu hao thiết bị còn lãi 80.000.000 đồng. Vụ mía 2008-2009, gia đình ông Tân tiếp tục áp dụng mô hình tiến tiến này. Thật ngạc nhiên năm 2009, gia đình ông thu 300 tấn/2ha mía (đạt 150 tấn/ha). Giá mía năm 2009 cao 600.000 đồng/tấn, tổng thu về 180.000.000 đồng, lãi 130.000.000 đồng. Nếu đem so sánh với trồng mía theo phương pháp thông thường đạt 60 tấn/ha, trừ chi phí thì chỉ có lãi 26.000.000 đồng/ha. Trồng theo phương pháp đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt lãi 65.000.000 đồng/ha. Một con số khá ấn tượng.
Ông Dương Văn Tân phấn khởi: Mặc dù bỏ tiền đầu tư sản xuất mía theo phương pháp tưới nhỏ giọt ban đầu hơi cao, song năng suất lại cao gấp 2,5 lần theo phương pháp thông thường thì đồng vốn bỏ ra cũng xứng đáng. Trong điều kiện thời tiết khô hạn như mấy năm nay, áp dụng công nghệ này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tưới nước tiết kiệm khoảng 50% so với tưới tràn, hệ thống vận hành dễ dàng, giảm được phân bón 30%, đất lúc nào cũng ẩm, tơi xốp nên mía cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây mía hình như chắc và nặng hơn. Tôi và gia đình rất phấn khởi vì đã được các cấp các ngành quan tâm hỗ trợ khoa học công nghệ nên gia đình tôi mới có được năng suất mía như ngày hôm nay. Sắp tới gia đình tôi sẽ mở rộng mô hình thêm một ha còn lại và giới thiệu để mọi người trong vùng trồng mía để họ làm theo.
Gia đình ông Tân còn có 2 ha sắn cao sản, 5 sào ruộng lúa, 30 con bò cho các hộ gia đình nghèo xung quanh nuôi rẽ; 3 sào ao để nuôi cá và lấy nước tưới cho cây trồng. Tổng thu các khoản, trừ chi phí bình quân trên 200 triệu đồng/năm, nâng bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm...
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như hộ ông Dương Văn Tân, làm tăng lợi nhuận kinh tế, góp phần sản xuất mía bền vững. Ông Tân đã trở thành một nông dân chuyên nghiệp hóa.
Có thể bạn quan tâm
Văn Yên (Yên Bái) có cây quế được trồng từ Xuân Tầm, Nà Hẩu tới Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn… với diện tích trên 22.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn quế vỏ khô, doanh thu 150 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, quế ở đây có hàm lượng tinh dầu cao thuộc loại tốt nhất khu vực phía Bắc.
Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cứ mỗi khi mùa mưa sắp kết thúc, bà con ở đây ai cũng náo nức chuẩn bị đương vĩ, làm giàn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị bước vào mùa ép chuối khô.
Đó là kết quả đạt được của dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm. Dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu loại khá.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuống giống được gần 45.000 ha màu thực phẩm các loại, đạt 102,9% chỉ tiêu cả năm. Nông dân địa phương đã thu hoạch trên 37.000 ha, với sản lượng khoảng 635.000 tấn rau màu các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
So với cùng kỳ năm trước, giá chè XK bình quân 9 tháng đầu năm đạt 1.693 USD/tấn, tăng 6,03%. Khối lượng chè XK sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 67,64% về khối lượng và tăng 94,40% về giá trị. Trái ngược với tình trạng đó, XK chè sang Indonesia có tốc độ giảm mạnh nhất, giảm 57,16% về khối lượng và giảm 58,28% về giá trị.