Gia Lai ồ ạt chặt cà phê, trồng chanh dây để bán sang Trung Quốc
Thời gian qua, nhiều người dân ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai và một số vùng lân cận đã hối hả xuống giống trồng chanh dây để xuất bán sang Trung Quốc (TQ). Trong khi đó, chính quyền địa phương lúng túng trong việc định hướng loại cây trồng này cho người dân.
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, cho biết huyện này đã có hơn 180 ha chanh dây. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích chanh dây đã tăng thêm 50 ha và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Để có đất trồng chanh dây, nhiều diện tích cà phê đã bị đốn hạ. Dọc Quốc lộ 19, đoạn qua huyện Mang Yang, hàng chục hecta cà phê đã bị phá bỏ.
Vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Văn Thức (ngụ xã Đắk Jrăng, huyện Mang Yang) đã chặt 300 gốc trong tổng số 1.500 gốc cà phê của mình để đầu tư trồng chanh dây."Trồng cà phê một năm mới thu hoạch một lần mà giá chỉ bằng phân nửa so với chanh dây. Trong khi đó, cây chanh chỉ mất 6 tháng là cho trái, khi đến vụ thì 2 ngày thu hoạch một lần. Tính ra, trồng chanh dây lời gấp 4 lần trồng cà phê” - ông Thức tính toán. Tuy lãi nhiều nhưng trái này chỉ được thương lái mua xuất sang TQ nên ông Thức cũng rất lo ngại, không dám chặt hết vườn cà phê chuyển sang trồng chanh dây.
Gần nhà ông Thức, thấy các con mượn đất từ Cụm Công nghiệp - Tiểu Thủ công nghiệp huyện Mang Yang để trồng chanh dây có lãi lớn, ông Hoa Văn Trung cũng quyết định chặt 400 gốc cà phê để trồng chanh dây. Hai người con của ông Trung trồng 230 gốc chanh dây, cứ 2 ngày thu hoạch một lần bán được 6 triệu đồng. Chị Hoa Thị Luyến (con ông Trung) hồ hởi khoe vườn chanh dây mới trồng 7 tháng nhưng đã thu hoạch được 2 tháng. “Làm cà phê mồ hôi chưa khô tiền đã hết nên không khá nổi. Tôi đã đặt mua 2 thùng giống chanh dây từ Đài Loan với giá 7,2 triệu đồng, đang chờ gửi về để trồng tiếp” - chị Luyến nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc người dân phát triển tự phát cây chanh dây nhưng chỉ phụ thuộc vào thị trường TQ thì rủi ro cao, giá cả sẽ không ổn định. Bà Nguyễn Thị Sen, một thương lái chanh dây ở huyện Mang Yang, kể: “Bình quân mỗi ngày mua từ 2-3 tấn chanh về tách lấy hạt đóng thùng xuất sang TQ. Có lúc giá chỉ 8.000 đồng/kg nhưng hiện trên 20.000 đồng/kg. Nếu thương lái TQ không mua nữa thì tôi cũng dừng. Người trồng chanh dây khi đó sẽ phải chuyển sang trồng cây khác hoặc quay lại trồng cà phê”.
Theo ông Phạm Ngọc Cơ, nguyên nhân người dân đổ xô vào trồng chanh dây vì đây là cây “siêu lợi nhuận”. Đầu tư hơn 100 triệu đồng/ha, thu hoạch bình quân cũng được hơn 1 tỉ đồng. Một nguyên nhân khác là người trồng cà phê rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay do ngân hàng đòi hỏi quy trình vay rất chặt chẽ. “Rất khó thực hiện quy hoạch loại cây trồng vì phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Ngay cả cây cao su, khoai mì cũng bán sang thị trường TQ là chủ yếu. Người dân thấy trồng cây gì có lợi thì họ trồng, không cản được” - ông Cơ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Tân Thành là một trong những xã điểm của tỉnh Lạng Sơn về xây dựng nông thôn mới. Như bao xã khác của huyện Hữu Lũng, Tân Thành cũng là xã đông dân và thuần nông.
Nhờ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hộ ND nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có vốn đầu tư phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, giúp đời sống khấm khá, thoát nghèo bền vững…
TP.HCM hiện có khoảng 300 ha hoa lan và vài ha trồng dưa lưới. Theo tính toán, giá trị sản xuất trên một ha của hoa lan khoảng 1 tỷ đồng, còn dưa lưới khoảng 2 tỷ đồng.