Giá hồ tiêu tụt dốc, nhiều nông dân găm hàng chờ giá lên
Đến nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch gần xong niên vụ hồ tiêu 2016- 2017. Tuy nhiên, với giá hồ tiêu giảm mạnh...
Nông dân Tây Nguyên đã thu hoạch gần xong niên vụ hồ tiêu 2016-2017
Tuy nhiên, với giá hồ tiêu giảm mạnh, người trồng hồ tiêu nơi đây đang lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng. Nhiều nông dân đã đem tiêu cất trữ, chờ giá lên mới bán.
Giá bằng 50% đỉnh điểm
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên địa bàn Tây Nguyên giá hồ tiêu đang giảm mạnh, cụ thể tại các đại lý ở Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông... giá tiêu khô thu mua ở mức 95 - 97.000 đồng/kg, giảm 17.000 đồng/kg so với cuối tháng 4 và giảm 50- 60.000 đồng/kg so với niên vụ trước. Đặc biệt mức giá này giảm hơn 100.000 đồng/kg so với cao điểm giá tiêu năm 2012 (220.000 đồng/kg). Đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm trở lại đây và chỉ bằng 50% so với thời hoàng kim của giá tiêu.
Đang đứng trên thang hái tiêu, thấy chúng tôi, anh Nguyễn Lương Phúc thôn 6, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) chia sẻ: "Hồ tiêu Tây Nguyên sắp hết thời kỳ hoàng kim rồi, nhà tôi có 1 ha tiêu đang thu hoạch, năm nay năng suất đạt khoảng 3 tấn. Với giá giảm mạnh như hiện nay (giảm từ 150.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg), tôi mất lãi cả trăm triệu đồng/ha so với niên vụ trước".
Không những thế, niên vụ hồ tiêu này nhiều hộ phải đối mặt với tình trạng hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm và việc sử dụng thuốc BVTV tùy tiện đã ảnh hưởng xấu đến năng suất cũng như chất lượng vườn cây. Cụ thể, tại Đăk Lăk từ đầu năm đến nay có hơn 2.776 ha hồ tiêu bị bệnh, chiếm 10% tổng diện tích; Đăk Nông có hơn 2.349 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó bệnh chết nhanh 642 ha, bệnh chết chậm 852,855 ha …
Theo các chuyên gia, để khắc phục hồ tiêu mất giá, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân nhỏ, lẻ hiện nay vào các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc HTX kiểu mới… để dễ dàng tiếp cận tiến bộ KHKT, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào. Ngoài ra, cần rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với khuyến nông chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để thâm canh, phát triển cây tiêu bền vững.
Theo dự báo, do nguồn cung dồi dào nên thời gian tới, giá tiêu tiếp tục giảm mạnh. Nguyên nhân gần đây, giá tiêu thế giới giảm trước sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời cây hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch nên nguồn cung tăng.
Bên cạnh đó, do giá tiêu cao kéo dài, trong khi giá các loại nông sản khác giảm khiến nông dân Tây Nguyên đổ xô vào trồng tiêu làm cho diện tích loại cây này tăng mạnh, cung vượt cầu, doanh nghiệp có cơ hội ép giá.
Nông dân cất trữ, chờ tăng giá
Thực tế cho thấy, ngành hồ tiêu Tây Nguyên luôn phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn, song giá hồ tiêu giảm mạnh vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Đặc biệt, những ngày gần đây, giá hồ tiêu xô vẫn đang đi xuống. Điều này khiến đa phần người thu hoạch hồ tiêu không dám bán mà tìm cách cất trữ, chờ giá lên.
Bà Nguyễn Thị Thê, xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) tâm sự: “Nhà tôi có 6 sào hồ tiêu vừa thu xong, năm nay ngoài việc năng suất, sản lượng giảm thì giá cả xuống thấp quá, chỉ chưa tới 100 ngàn đồng/kg.
Do thiếu tiền trả công thu hái nên tôi bán bớt vài tạ thôi. Nếu giá cứ thấp mãi chúng tôi thu hoạch xong đành cất trữ chờ giá lên mới bán”.
Cũng chung suy nghĩ như bà Thê, ông Lê Văn Hải, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết: “Nếu giá hồ tiêu thấp mãi, nông dân chúng tôi lo lắm. Thu hoạch xong gia đình tôi có khoảng 1 tấn hạt tiêu, có lẽ thu hoạch xong tôi sẽ đóng bao vào tạm cất trữ đã”.
Giá hồ tiêu giảm, không chỉ nông dân Đăk Lăk mới tạm trữ mà nhiều nông dân ở Gia Lai, Đăk Nông… cũng chọn phương án này.
Chị Nguyễn Thị Lan – chủ đại lý thu mua nông sản ở TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Trước đây chúng tôi mua nhanh, bán nhanh, riêng năm nay rất khó mua bởi nhiều hộ nông dân “găm” hàng chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, theo tôi được biết, thời gian tới giá hồ tiêu cũng chưa mấy khả quan…”
Có thể bạn quan tâm
7 hộ dân ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không phát triển đối tượng nuôi này mà hình thành tổ hợp tác để chăn nuôi bò.
Nhiều địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc đã tiếp tục phát hiện nhiều điểm châu chấu tre lưng vàng nở và xuất hiện châu chấu non trên các diện tích rừng
Theo Cục BVTV, dự kiến sớm nhất trong tháng 5/2017, lần đầu tiên tại phía Bắc, một số lô xoài trồng tại Sơn La sẽ được một DN xuất khẩu sang thị trường Úc.