Giá gạo Việt tụt xa gạo Thái
Giá chênh lệch lớn
Theo thông tin từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), sự chênh lệch về giá xuất khẩu cùng một chủng loại gạo tại Việt Nam và Thái Lan đã nới rộng trong tuần qua, sau khi 2 nước giành thắng lợi trong cuộc đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines. Theo đó, khoảng cách giữa giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam đã tăng vọt lên ở mức hơn 30USD/tấn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 375 – 376USD/tấn (FOB Bangkok), so với 370 – 375 USD/tấn tuần trước. Ngược lại, giá gạo 5% tấm của Việt Nam lại giảm mạnh còn 340 – 345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn).
Gạo Việt vẫn đang thiếu các hợp đồng tập trung mới, quy mô lớn.
Qua cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2010-2015 cho thấy lượng gạo trắng chất lượng cao đang có xu hướng giảm, từ tỉ lệ gần 36% vào năm 2010 và xuống còn gần 28% trong năm 2015. Thị trường EU, Mỹ vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu gạo nên vẫn còn nhiều cơ hội để gạo Việt Nam tăng xuất khẩu sang những thị trường này.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, kết quả đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines hồi cuối tháng 8 đã đẩy tăng giá gạo trong nước. Tuy nhiên, Thái Lan cũng cho rằng sự tăng này chỉ là tạm thời, khi gạo vụ mới sắp có mặt trên thị trường vào tháng 10. Còn tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu hiện ở mức thấp trong nhiều tháng do khối lượng cung cấp cho Philippines quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ, trong khi nhiều khách hàng truyền thống lại đang tìm mua gạo rẻ hơn từ Myanmar, Pakistan (325USD/tấn).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một nguyên nhân quan trọng luôn khiến gạo Việt Nam bị đánh giá thấp là do chất lượng gạo thấp. Xuất phát từ tập quán canh tác, nông dân Việt Nam sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Thời gian sinh trưởng ngắn đã khiến chất lượng gạo không đảm bảo. Hiện nay nước ta chủ yếu sản xuất gạo hạt dài Indica nhưng lại có chất lượng thấp hơn các nước khác (phổ biến có 2 loại gạo- loại Indica là hạt dài, Japonica là hạt tròn). Ở Việt Nam, quy định cỡ hạt dài là 6,2mm, trong khi ở vùng đông bắc Thái Lan, giống gạo hạt dài của họ là 7mm và có thể dài hơn. Đó là chưa kể việc sử dụng giống ngắn ngày ở Việt Nam khiến gạo bị bạc bụng, không trong như gạo Thái.
Trong khi đó, ở Thái Lan có đến trên 60% diện tích chỉ trồng 1 vụ lúa/năm theo mùa mưa. Ngay giống gạo thơm cao cấp, họ cũng chỉ trồng 1 vụ/năm. Thời gian mỗi vụ thường kéo dài từ 4 tháng đến hơn 4 tháng nên chất lượng gạo luôn đảm bảo và thơm ngon hơn so với gạo Việt Nam.
TS Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL cũng chỉ ra một số điểm yếu: Gạo của chúng ta không ổn định về chất lượng, có thể vụ này gạo ngon nhưng vụ sau độ thơm giảm, hạt ngắn hơn nên hay bị khách mua “mếch lòng”. Lâu nay chúng ta đều nói cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, nhưng không có đơn vị nào đứng ra tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, cứ "tay không bắt giặc" thì làm sao có được thương hiệu. Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, họ đã xây dựng được tới 250 thương hiệu gạo nổi tiếng thế giới.
Doanh nghiệp “ngồi chơi”
Việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bị đánh giá thấp luôn tác động trực tiếp tới giá mua tạm trữ hằng năm. Kể cả việc trúng thầu cung cấp 150.000 tấn cho Philippines gần đây cũng không đủ sức vực dậy giá gạo trong nước. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu ở ĐBSCL hiện chỉ còn 6.000 - 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với mức giá hồi cuối tháng 8.2016. Giá lúa IR50404 tươi cũng nhanh chóng giảm xuống mức 4.200 - 4.300 đồng/kg so với mức giá mua vào ngày 31.8 là 4.400 - 4.500 đồng/kg.
Theo nhận định của giới buôn gạo, trong bối cảnh Philippines nhập khẩu quá ít gạo từ Việt Nam, Indonesia không nhập khẩu trong năm 2016, còn Trung Quốc cũng tạm ngưng nhập khẩu sẽ khiến việc tiêu thụ lúa, gạo tại thị trường nội địa những tháng còn lại của năm 2016 gặp nhiều khó khăn; mục tiêu xuất khẩu đạt 6,5 triệu tấn trong năm nay cũng rất nan giải. Ông Huỳnh Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là nước sản xuất thừa lúa gạo. Từ năm 2012 trở lại đây và một vài năm sắp tới, nước ta đã và sẽ ở trong tình trạng sản lượng tăng dẫn đến cung cấp thừa.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như vậy thì các nước thường xuyên phải nhập khẩu gạo cũng khuyến khích nông dân tăng sản lượng, giảm lệ thuộc vào việc nhập khẩu lúa gạo. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thừa nguồn cung, tạo áp lực lớn cho thị trường lúa gạo và càng làm giá gạo sụt giảm. Theo ông Huệ, thực tế cho thấy giá gạo Việt hiện mềm nhất trong rổ gạo thế giới. Nhưng đáng buồn là từ đầu năm tới nay, Việt Nam chỉ giao hàng cho các hợp đồng cũ chứ chưa có hợp đồng tập trung mới.
Chia sẻ về tình hình xuất khẩu thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết không chỉ công ty của ông mà nhiều doanh nghiệp khác đang “rảnh rỗi” vì thị trường không có người mua. Nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu gạo đang tạm ngừng hoạt động để chờ sự biến chuyển của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, 1 trong 3 thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay, đó là tình trạng đất đai sản xuất manh mún với diện tích trung bình mỗi hộ chỉ đạt 0,3ha.
Rau quả từ vị trí là mặt hàng xuất khẩu khiêm tốn lại đang là động lực mới cho phát triển nông nghiệp và nông thôn khi các ngành hàng khác đã tới hạn hoặc có dấu hiệu chững lại...
Hàng chục nông dân ở H.Đức Hòa (Long An) vừa kéo đến trụ sở Công ty CP sữa 247 (Q.3, TP.HCM) để gặp lãnh đạo công ty này đòi nợ tiền bán sữa kéo dài hàng năm nay.