Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giá gà rớt thảm, nông dân điêu đứng

Giá gà rớt thảm, nông dân điêu đứng
Tác giả: Hương Giang
Ngày đăng: 01/03/2017

Hơn 2 tuần qua, người chăn nuôi gà tại Đồng Nai mất ăn mất ngủ vì giá gà trắng, gà tam hoàng liên tục giảm sâu. Trong 10 năm gần đây, chưa có lúc nào giá gà lại giảm thê thảm như hiện tại: cứ 1kg gà thịt bán ra, người nuôi lỗ khoảng 10 ngàn đồng.

Trong ảnh: Trang trại gà đang đến thời điểm xuất chuồng của ông Nguyễn Thanh Sơn (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất).

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gà đứng thứ 2 trong cả nước với gần 18 triệu con. Gà trong tỉnh có hơn 80% nuôi theo hình thức tập trung trang trại và chủ yếu là gà trắng, gà tam hoàng. Trên 60% sản lượng gà thịt nuôi ở Đồng Nai cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

* Gà rẻ hơn rau

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho hay: “Giá heo, gà bấp bênh là do chưa có đầu ra ổn định, người dân chỉ căn cứ vào giá thị trường đang cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, hoặc khi có thông tin tiêu cực là hàng dội chợ”. Sở Công thương đang kết hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tìm giải pháp gỡ khó cho người chăn nuôi bằng cách mở rộng các chuỗi tiêu thụ tại chợ truyền thống, hệ thống siêu thị để khi giá bán tại trại giảm, thịt gà bán ra cũng giảm tương ứng để kích cầu. Ngoài ra, sẽ xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp liên kết với trang trại sản xuất theo quy trình sạch để hướng đến xuất khẩu.

Theo quy luật, thường vào  dịp đầu năm giá gà sẽ giảm nhẹ, nhưng chẳng ai có thể ngờ giá gà lại tuột dốc không phanh như hiện tại. Hiện giá gà trắng bán tại trại chỉ còn 15-16 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng 23-25 ngàn đồng/kg, chưa bằng giá các loại rau ăn lá (giá rau dao động từ 18-22 ngàn đồng/kg). Do đó, mỗi con gà  bán ra, người nuôi chịu lỗ xấp xỉ 20-25 ngàn đồng. Trại nào nuôi càng nhiều thì dịp này lỗ càng lớn, nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa thì không ít trại có nguy cơ phá sản, treo chuồng.

Ông Lê Văn Quyết, chủ nhiều trại gà lớn tại huyện Long Thành, nói: “Trong 10 năm qua, đây là lần đầu tiên giá gà rớt thảm hại nhất. Những trại nuôi nhiều chỉ trong thời gian ngắn đã mất tiền tỷ. Gà bán tại trại hiện còn rẻ hơn cả rau và đầu ra rất khó khăn”. Ông Quyết tính toán, riêng lứa gà trắng đầu năm này, ông mất hơn 1 tỷ đồng do biến động giá.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cũng lỗ hơn 700 triệu đồng vì gà tam hoàng đã đến thời điểm xuất bán nhưng thương lái chỉ mua với giá 23-24 ngàn đồng/kg. Dù phải bán gà với giá rẻ hơn rau, nhưng thương lái “chê ỏng chê eo”, chỉ mua số lượng rất ít vì đầu ra rất chậm. “Những đợt trước gà tam hoàng có giá cao, hút hàng thì gần đến ngày bán, thương lái gọi điện hẹn trước ngày đến bắt. Bây giờ gà rẻ, gọi khắp nơi mà nhiều thương lái chỉ chịu mua với số lượng vài trăm con/ngày” - ông Sơn nói. Vì thế, đàn gà hơn 30 ngàn con của ông Sơn đã đến thời điểm xuất chuồng mà rất khó tìm mối mua. Nguyên nhân khiến giá gà giảm sâu một phần là do người dân lo lắng dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc nên ít ăn thịt gà, bên cạnh đó còn do nguồn cung quá lớn.

* Giá chợ vẫn cao

Gà trắng, gà tam hoàng bán tại trại đã giảm khoảng một nửa so với dịp cuối tháng 1-2017, nhưng tại các chợ thuộc TP.Biên Hòa giá thịt gà chỉ giảm nhẹ, một số nơi còn giữ nguyên. Khảo sát tại một số chợ, giá gà trắng nguyên con làm sạch từ 55-60 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng 65-70 ngàn đồng/kg. Khi được hỏi vì sao giá gà bán tại trại giảm sâu, giá thịt gà bán tại chợ chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm, nhiều tiểu thương cho hay gà đưa ra đến chợ phải qua 2-3 khâu trung gian, những khâu trung gian chỉ giảm 2-3 ngàn đồng/kg nên người bán lẻ không thể hạ giá được.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, cho biết: “Đầu năm, sức tiêu thụ thịt gà thường chậm lại, nhưng nhiều trang trại không chịu giảm đàn nên dẫn đến cung vượt cầu. Đồng thời, gần đây dịch cúm gia cầm A/H7N9 ở Trung Quốc được một số tờ báo trong nước đưa một chiều, tạo tâm lý hoang mang nên nhiều người ngại dùng thịt gà, góp phần kéo giá gà tuột dốc”. Theo ông Tuấn, dịch cúm A/H7N9 chưa lây lan vào Việt Nam và Chính phủ đang có những giải pháp ngăn chặn kịp thời để dịch không xâm nhập vào, vì thế các phương tiện truyền thông nên giúp người chăn nuôi gà bằng cách đưa thông tin đầy đủ, tránh tạo ra lo lắng quá mức cho người tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trong nước.

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, gà của Đồng Nai có trên 80% nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và nhiều năm nay tỉnh không phát sinh cúm gia cầm. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gà. Cúm gia cầm A/H7N9 chỉ mới xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam đến thời điểm này chưa phát hiện có loại cúm trên, người dân không nên lo lắng thái quá rồi giảm sử dụng thịt gà. “Đồng Nai đang gắn kết để hình thành các chuỗi trong tiêu thụ thịt gà sạch nhằm đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi. Hiệp hội cũng khuyến cáo các trại không tăng đàn ồ ạt, tránh cung vượt cầu dẫn đến giá giảm mạnh. Song nhiều trang trại vẫn tăng đàn, phó thác cho may rủi của thị trường” - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, bày tỏ.


Có thể bạn quan tâm

Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân

Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2016

01/03/2017
Nghệ xuất khẩu được mùa Nghệ xuất khẩu được mùa

Nông dân trồng nghệ rất phấn khởi vì vừa trúng mùa vừa trúng giá. Suốt vụ thu hoạch, giá nghệ luôn ổn định ở mức tốt và thương lái đang về tận ruộng mua nghệ

01/03/2017
Bắc Ninh: Mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao Bắc Ninh: Mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao

Nhờ vào sự linh hoạt, chuyển đổi hình thức sản xuất, anh Nguyễn Hữu Nở đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 250 triệu đồng

01/03/2017