Giá cá tra rớt thê thảm, người nuôi thua lỗ nặng
Thậm chí đối với cá tra nguyên liệu quá lứa thương lái thu mua tại hầm chỉ còn 16.000 - 16.500 đồng/kg (chỉ bán cá chợ không thể xuất khẩu), trong khi đó giá thành đầu tư là 23.000 - 25.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cá tra đang chịu lỗ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Bình, xã viên HTX cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết, từ nuôi 4 ao cá gần 1 ha mỗi năm, SX hàng trăm tấn cá tra, do thua lỗ nhiều năm liền nên đã bán 3 ao, nay chỉ còn 1 ao với diện tích 3.000m2.
Vừa qua gia đình thả nuôi theo hình thức liên kết với Cty thủy sản Bình Minh (Vĩnh Long), dạng nuôi gia công. Cty hứa cung cấp 1,6kg thức ăn/kg cá tra, khi cá thành phẩm, Cty cộng thêm 5.000 đồng/kg. Nhưng 2 tháng nay Cty không cung cấp thức ăn cho ông, điện thoại Cty không bắt máy, hiện đàn cá tra dưới ao đã bị bỏ đói gần 1 tháng qua, cá từ 400 - 500 gram/con nay giảm xuống còn 300 gram/con.
Trong khi đó, nuôi cá tra bình thường, thức ăn đầy đủ nuôi 8 - 9 tháng cá từ 0,8 - 1 kg/con là xuất bán. Theo ông Bình, hiện tại gia đình còn nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng, mỗi tháng đóng lãi trên 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - GĐ HTX Nuôi cá tra Thới An, trung bình mỗi năm HTX thu hoạch trên 10.000 tấn cá tra, doanh thu 250 tỷ đồng, lợi nhuận trên 10 tỷ.
Nhiều năm qua giá cá tra liên tục giảm, trong khi đó giá đầu tư lại tăng cao. Người nuôi cá tra đang đối mặt nguy cơ thua lỗ, phá sản, treo ao. Mặc dù HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Cty Hùng Vương, nhưng vẫn phải giảm diện tích nuôi từ 20ha xuống còn 8ha vì giá cả và việc tiêu thụ quá bấp bênh.
Ông Hải cho rằng con cá tra ở ĐBSCL đang nằm trong thế bị động, người nuôi lo ngại không dám mạnh dạn đầu tư, diện tích thả nuôi liên tục sụt giảm. Đây là vấn đề cần nghiêm túc nhìn từ gốc khi cả đầu ra và đầu vào đều phụ thuộc thị trường nước ngoài.
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), cho biết, năm nào cũng vậy, cứ bước vào tháng 6 - 7 hàng năm giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi gặp khó khăn.
Hiện giá cá tra loại I ở An Giang chỉ còn khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, loại II giá 18.000 - 18.200 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 3.500 đồng/kg so với tháng trước đó. Mặc dù giá cá giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó bán bởi các nhà máy khó xuất khẩu. Người nuôi và DN chế biến đều đang lao đao.
Mấy năm nay thức ăn tăng giá, trong khi giá cá lại giảm
Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, nhận định: Tình hình suy thoái kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khôi phục, ảnh hưởng rất lớn đến ngành XK cá tra Việt Nam. Người nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn còn gặp vô vàn trở ngại, tỷ lệ hộ treo ao khá cao, từ 30 - 40% trên tổng số diện tích toàn tỉnh 1.685ha, giảm 10 - 15% diện tích so với năm 2015. Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cũng như các DN chế biến, xuất khẩu cá tra là thiếu vốn.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2016, ĐBSCL thả nuôi cá tra 4.341ha (giảm 4,1% so với cùng kỳ), sản lượng đạt 545.718 tấn (tăng 2,3%). Một số địa phương trọng điểm nuôi cá tra có diện tích giảm nhiều, hiện An Giang còn 779ha, giảm 18% so với năm 2012; Cần Thơ còn 746ha, giảm 5,1%; Vĩnh Long còn 434ha, giảm 10,6%…
Ông Nguyễn Ngọc Hải - GĐ HTX Cá tra Thới An: Ban đầu thành lập HTX với hơn 20 xã viên, diện tích nuôi cá tra trên 50ha, những năm gần đây giá cá liên tục giảm, xã viên nợ ngân hàng chồng chất không thể đóng lãi lẫn trả nợ gốc, một số xã viên buộc phải bán ao cá cộng thêm đất ruộng vườn mà vẫn không đủ trả hết nợ ngân hàng. Tính đến nay HTX chỉ còn 10ha. Xã viên chỉ mong giá cá tăng trở lại một thời gian để họ có tiền trả nợ ngân hàng rồi sẽ chuyển nghề khác làm ăn, chứ bám cái nghề này khổ dài!
Có thể bạn quan tâm
Ốc bươu vàng là một đối tượng gây hại mùa màng, ốc bươu vàng từng một thời ám ảnh nhà nông miền Tây. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu sử dụng sinh vật ngoại lai này để chế biến thức ăn đang được ưa chuộng đã đem lại một nguồn thu nhập tương đối khá cho người dân nông thôn, cùng với đó là hạn chế sự phá hoại ruộng vườn.
Trong 11 kiến nghị gửi Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, các vấn đề nan giải được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra mới đây vẫn là con giống, quy trình nuôi trồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Mùa hè biển êm, hàng trăm ngư dân vùng ven biển đảo Quảng Ngãi vào mùa lặn bắt nhím biển - từng được ví là "đặc sản tiến Vua" mang lại thu nhập cao cho gia đình.