Gặp ông vua đầm lớn nhất ĐBSCL
Ghé “dinh thự” trên mặt nước
Từ thành phố Cà Mau, đi về phía Biển Tây chừng vài chục cây số, là gặp đầm Thị Tường. Sáng sớm, lớp sương mỏng phủ mờ những chòi lá chơi vơi như những tổ chim giữa biển nước mênh mông.
Bao đời nay, cư dân quanh vùng ra đầm Thị Tường chài lưới bắt cá tôm cho bữa ăn, dư dã bán kiếm tiền.
Bởi vậy, đầm Thị Tường là ao tôm cá tự nhiên, phong phú, nhiều vô kể.
“Cứ bơi xuồng một vòng, tôm cá giật mình nhảy vào xuồng, đủ bữa nhậu.
Tôm cá đặc nước luôn, nhất là mùa giáp Tết”- anh chạy đò kể.
Hơn chục ngôi nhà sàn đơn sơ trên đầm Thị Tường của dân chài lưới, nuôi thủy sản.
Riêng ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Văn Hùng (Hai Hùng), 52 tuổi, rộng lớn, với vài nóc nhà lá chụm lại như dinh thự trên mặt nước.
Anh lái vỏ lãi giới thiệu: Ðó là nhà của Vua đầm.
Có khách lạ đến chơi, Hai Hùng ra cầu gỗ lắt lẻo, đón khách.
Ở tuổi “tri thiên mệnh”, Hai Hùng trông còn khá trẻ, dáng cao, chắc nịch, râu mép rậm đen chưa có sợi bạc.
Ông Hai Hùng ngoái cổ, gọi với chàng trai đang cào sò huyết trên đầm: “Ê, đưa ít đỉnh sò lớn vô ăn chơi, có khách!”
Xây cất nhà chơi vơi giữa đầm nước nhưng chẳng thiếu thứ gì, nào TV mỏng dính, dàn âm thanh xịn, máy tập thể hình, khoan giếng nước, kéo điện từ bờ ra xài… như ở thành thị.
Dưới nước, có 2 chiếc vỏ lải, chiếc lớn chở vài chục người, chiếc nhỏ chở năm bảy người, rồi chuồng heo, chuồng gà, túi lưới, rọng tôm cá … chứng tỏ cư dân đầm thứ thiệt.
Vừa dứt tiếng muối nổ lụp bụp chảo rang sò huyết, vợ ông Hai Hùng bưng đĩa sò huyết nóng hổi ra, tách vỏ, bóc nguyên con, chấm muối chanh, đưa cay với rượu đế ấm lòng giữa biển nước, mùa gió bấc hây hây.
Những câu chuyện về đầm Thị Tường, về cư dân mưu sinh ở đầm cứ thế, tự nhiên kéo về.
Ông Hai Hùng kể, hồi trai trẻ, cha mẹ cưới vợ, cho mấy chục công đất ở ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc (Trần Văn Thời) ra làm ăn riêng.
Những lúc nông nhàn, đôi vợ chồng bơi xuồng ra đầm Thị Tường giăng câu, đặt lưới, chài cá.
Ðể tiện lợi chài lưới quanh năm, ông dựng nhà sàn ở ngay giữa đầm Giữa cho tới bây giờ.
“Ở riết thành quen, vô bờ lại nhớ đầm.
Vợ chồng tôi ở đây hơn 30 năm rồi, con cháu cũng xúm vô đây làm ăn.
Mùa nào thức đó, nào là cá vồ chó, cá ngát, cá chẽm, cá nâu, tôm, cua, ghẹm...”- Hai Hùng nói.
Hào sảng đầm Thị Tường
Ðầm Thị Tường hay còn gọi là đầm Bà Tường- người đàn bà đầu tiên đi mở vùng đất này.
Ðầm Thị Tường đa dạng các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô biên của những người dân quanh đầm.
Ðầm Thị Tường có nước mặn vào mùa nắng, nước “ba chè” vào mùa mưa vì nước mưa pha với nước biển.
Ông Hai Hùng nói: “Chắc có lẽ nước không quá mặn, cũng chẳng ngọt nên các loại hải sản phong phú.
Ðể giải quyết nước sinh hoạt tôi khoan cây nước ngầm sâu khoảng 150 thước, nước ngọt quanh năm, chia cho bà con xài”.
Nắng vừa dịu, nước chảy xuôi, mặt trời dần xuống thấp phía Biển Tây lấp lánh trên tường gợn sóng.
Ông Hai Hùng cho tôi theo dỡ lú tôm, cá.
Mấy người thanh niên lặn hụp dưới nước, kéo theo sau chiếc xuồng nhỏ, túi lưới treo ở mũi.
Vua đầm Hai Hùng lách tránh những đống chà, hàng lú có cọc tre, phao thả lưới cá… thạo như trong lòng bàn tay.
Ven đầm Thị Tường bóng dừa nước nghiêng nghiêng, soi bóng, xanh rì.
Quanh năm suốt tháng, bà con quanh vùng ra đầm đặt lú, giăng lưới, thả chà…bắt cá tôm.
Thời gian gần đây, ngư dân Kiên Giang sang thuê bãi nuôi sò huyết “một vốn bốn lời”.
Hơn một tiếng đồng hồ dạo quanh đầm Thị Tường, ít nhiều cũng hình dung được cuộc sống cư dân nghề hạ bạc nơi đây.
Mới thấy, khái niệm biển bạc chính xác ở Thị Tường.
Vua đầm Hai Hùng kể: “Những tháng cuối năm, tôm cá sệt đầm, bà con thoải mái để lo sắm tết”.
Vua đầm kể: “Vào khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm, rẹm (ghẹm) theo nước biển vào sông rạch “hội” đen cả mặt đầm, bám bập dừa nước, lội thành bầy đàn, nhiều vô số kể.
Thời điểm rẹm hội, bà con phải cuốn lú lên, lựa rẹm bự mới bắt, sợ bể lú”.
Nghỉ đêm nhà Vua đầm
Vợ chồng ông Hai Hùng không có chủ ý làm du lịch sinh thái homestay cho tất cả khách đến tham quan đầm Thị Tường.
Lúc đầu, giới văn nghệ sĩ, nhà báo, khách du lịch bụi…nghỉ qua đêm.
Những người từng ghé qua nhà Vua đầm chụp ảnh, viết vài lời, đưa lên mạng thành địa chỉ du lịch sinh thái Vua đầm tự lúc nào không hay.
Về đến nhà, ông Hai Hùng bày ra sàn ván, tấm nylon, bày những món ăn, sản vật từ nước ba chè đầm Thị Tường.
Nào canh chua cá ngát, cá ngát kho tương lạt, cua rang me, tôm đất nướng...
đặc sản đầm Thị Tường.
Những loại thủy sản sinh sản tự nhiên, lớn tự nhiên nên ăn không biết chán.
Góp vui với khách, vợ ông Hai Hùng, bà Dương Thị Lụa vào buồng bưng ra “độc tửu” rượu gốc ngâm mật ong ruồi.
Bà Lụa mở lời: “Mật ong “ăn” quanh đầm, về ngâm rượu, ngọt dễ uống, say đậm và có tác dụng khó nói nghen!”.
Quả thật, uống một ly rượu mật ong ngọt nồng, đưa cay bằng thịt cua ngọt, tôm đất nướng muối ớt thơm lừng khó dừng lại.
Những cơn gió bấc lành lạnh, men rượu say say, thèm giấc ngủ vô cùng.
Ánh trăng già cuối năm vừa lên, dát vàng trên mặt đầm gợn sóng. Mắc mùng, trải chiếu, ngủ trên sàn trong ngôi nhà không cửa của cư dân vùng Mũi Cà Mau thời đi mở đất.
Một cảm xúc nao nao khó tả.
Sáng sớm, bà Lụa bày ra nồi cháo tép đất lót dạ, tiễn khách.
Vẫn cách mua bán “ăn trước, trả tiền sau” không trả giá, kỳ kèo, thêm một bớt hai.
Chị Lụa tính bổ đồng cho cả tua 200.000 đồng/người.
Thế nên, đến với Vua đầm, ai cũng muốn trở lại để ăn no nê, ngủ ngon giấc...
Nên một lần về đầm Thị Tường để nhớ, để thương con người chịu thương, chịu khó, khẳng khái, hào sảng và thiệt tình móc ruột ra chơi….
Rời nhà Vua đầm, nhìn ra rặng dừa nước xanh, bầu trời cao, mặt nước mênh mông.
Chim én từ đâu bay về nhiều vô kể, đậu kín dãy cọc đặt lý.
Vùng đất lành…
Ðây là một trong những đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là "Biển Hồ giữa đồng bằng".
Nước Biển Tây vào cửa biển Mỹ Bình, Ông Ðốc chảy vào đầm, rồi thông với vô số kinh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước (Cà Mau).
Ông Hai Hùng cho biết, đầm Thị Tường cạn, chưa quá đầu người, trừ lạch nước chảy hơi sâu.
Nơi rộng nhất chừng 2 cây số, dài gần 10 cây số, rộng chừng 700- 800 héc- ta, được gọi Ðầm Trên, Ðầm Giữa và Ðầm Dưới tính từ mé biển vào.
Có thể bạn quan tâm
Chiều cao hơn 3m và tuổi đời hàng trăm năm, cây khế cổ, khủng với trái sum suê của nghệ nhân ở Biên Hòa đã “ẵm” được Giải vàng tại Hội hoa xuân TP.HCM.
“Hễ ông Bình đem gáo dừa cẩn lên thứ gì, là thứ đó... thành chuyện”. Ấy là một trong nhiều nhận xét về sáng tạo và tay nghề độc đáo của Nghệ nhân Phạm Hồng Bình (Bình SVC) ở Tuy Hòa, Phú Yên.
Thời bao cấp, làm Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) thường bị dân chửi nhiều lắm, nhưng với Chủ nhiệm HTX Nguyễn Bá Thanh thì ngược lại: Dân yêu mến, còn xã viên thì tôn sùng vô cùng. Đơn giản thôi, dưới bàn tay của ông, HTX Hòa Nhơn 3 (huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng) đã lột xác toàn diện…