Gạo Việt xuất khẩu mạnh nhờ chất lượng tăng
Những tháng qua, bất chấp thế giới đang đối mặt với dịch bệnh COVID -19, xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung tăng mạnh, đây là tín hiệu vui giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Gạo Việt xuất mạnh là thời cơ giúp nông dân tăng thu nhập
Giá tăng
Cụ thể, gạo 5% tấm của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh xuất sang thị trường Senegal, Indonesia và Trung Quốc có giá xuất từ 480-490 USD/tấn, cao hơn 10 USD so trước đó. Các loại gạo 10%, 25% tấm cũng có giá tăng từ 5-7 USD/tấn. Năm nay, giá gạo tăng đều ở các phân khúc của thị trường, vì vậy các DN xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi.
Theo nhiều DN xuất khẩu, sở dĩ gạo Việt Nam được các bạn hàng quốc tế mua giá cao trong những tháng qua, ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai ở Thái Lan, Ấn Độ, dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu thì một yếu tố khác góp phần làm cho giá tăng đó là chất lượng hạt gạo tăng lên đáng kể. Đối với gạo 5% tấm, bình quân mỗi tấn, giá tăng lên 10 USD. Đề cập đến tình hình xuất khẩu gạo của cả nước, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,23 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; trong đó DN trong tỉnh xuất 343.260 tấn, tương đương 185,23 triệu USD (tăng 5,53% về lượng và 12,82% kim ngạch). Giá trị tăng do giá bán tăng cao. Các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam mạnh là Senegal (gấp 19,8 lần, đạt 41,4 ngàn tấn và 14,7 triệu USD), Indonesia (gấp 3,1 lần, đạt 59,3 ngàn tấn và 33,3 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 84%, đạt 493,1 ngàn tấn và 293,4 triệu USD).
Giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo thương lái thu mua lúa trên đồng của nông dân tăng theo. Cụ thể, những ngày gần đây, giá lúa tươi giống OM 9577, OM 9582 đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.400 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.300 đồng/kg; lúa IR 50404 là 6.100 đồng/kg; Jasmine ở mức 6.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 là 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.100 đồng/kg; nếp tươi là 6.300 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 được các kho thu mua ở mức 8.850 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 8.850 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 9.200 đồng/kg. Với mức giá lúa và gạo nguyên liệu như trên, bình quân mỗi công lúa thu hoạch, nông dân lãi từ 2,8-3 triệu đồng, đây là mức lợi nhuận mong muốn của những người sản xuất lúa.
Chất lượng tăng
Giá gạo Việt xuất khẩu tăng do chất lượng gạo tăng. Cụ thể, để 1 lô hàng xuất khẩu vào các nước phát triển, ngoài các chỉ tiêu sinh, hóa, gạo Việt phải đảm bảo gần 100 chỉ tiêu khác (do từng thị trường quy định), vì vậy trong quá trình sản xuất, đòi hỏi nông dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất lúa, gạo do ngành nông nghiệp đưa ra, cụ thể đó là các chương trình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm” để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước.
Nhờ các chương trình này mà trình độ sản xuất lúa của nông dân tăng lên đáng kể và Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia sản xuất lúa, gạo hàng đầu thế giới. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng gạo toàn cầu, các quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ gặp không ít khó khăn trong xuất khẩu lương thực ra thế giới, vì vậy gạo Việt có cơ hội vươn lên dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu hàng hóa. Giá tăng, chất lượng tăng, gạo Việt đang được nhiều bạn hàng thế giới tìm đến, đây là tín hiệu vui và là tiền đề cho xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo.
“Nhận thức trước vấn đề chất lượng gạo xuất khẩu, gần 20 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện các quy trình canh tác, các chương trình khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo. Ngoài đẩy mạnh công tác “dẫn thủy nhập điền” phục vụ sản xuất, chủ động trong mùa vụ canh tác, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, hướng dẫn nông dân trong tỉnh trồng lúa có hiệu quả, từ các chương trình này chất lượng hạt gạo được nâng lên, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, đời sống của nông dân được nâng lên đáng kể” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra cuối tháng 8-2020 cho biết, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, nếu so năm 2019 thì con số này là tương đương. Nhận định này được đánh giá là cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong đó có các DN của tỉnh. Xuất khẩu gạo tăng mạnh sẽ giúp đời sống nông dân được nâng lên, giúp tỉnh sớm đạt được thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Để xuất khẩu gạo phát triển mang tính ổn định và bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục vận động các DN, các hợp tác xã trên địa bàn cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình liên kết trong sản xuất, cụ thể đó là mô hình “Cánh đồng lớn”, mô hình này một mặt giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu trong xuất khẩu, mặt khác giúp chất lượng lúa, gạo ngày càng nâng lên, tính đồng nhất của sản phẩm ngày càng cao, từ đó giúp DN dễ mua bán hơn…” - ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngô sinh khối là vấn đề được bạn đọc Nguyễn Trung Ánh (Hòa Bình) và nhiều bạn đọc khác hỏi qua mục Nhịp cầu nhà nông. Các chuyên gia giải đáp vấn đề này.
Châu chấu tre lưng vàng và châu chấu sa mạc khác nhau thế nào, là vấn đề bạn đọc Lò Tiến Trung (Điện Biên) hỏi qua mục Nhịp cầu nhà nông.
Đất phù sa cổ là đất có tỉ lệ cát cao nên rất dễ suy thoái hữu cơ. Nhà vườn chuyển đổi từ trồng lúa qua trồng cây ăn trái sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ.