Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Gạo có tên, dân hết mù mờ

Gạo có tên, dân hết mù mờ
Tác giả: Hoàng Bảo
Ngày đăng: 07/09/2016

Hạt gạo có nguồn gốc xuất xứ

Bà Minh nhà ở phường Đa Kao, quận 1 đến phiên chợ Xanh Tử Tế (163 Pasteur, quận 3, TP.HCM) để mua gạo Long Châu của doanh nghiệp Cỏ May.

Bà chọn bao gạo 5kg giá 150.000 đồng.

Từ khi phiên chợ xanh mở ra, nghe nói có bán gạo Cỏ May, bà Minh bỏ ăn gạo xá ở cửa hàng gần nhà để đến đây mua về ăn thử.

Ăn lần một, lần hai, lần ba rồi cả nhà ai cũng cảm nhận gạo này ngon, ưng ý nên cứ thế làm tới.

Theo bà Minh, gạo Long Châu có hạt dài, cơm thơm, dẻo, mềm, để qua đêm không có mùi thiu giống như loại gạo lài sữa, lại ngang giá 30.000 đồng/kg mà bà vẫn thường mua ở cửa hàng gần nhà.

“Nhà tui có 6 người, tiền gạo không đáng là bao nên bây giờ phải chọn loại gạo ngon, có nguồn gốc rõ ràng” - bà Minh kể.

Cỏ May chính thức đưa ra thị trường gạo Bốn Mùa và Long Châu cách nay chừng ba tuần.

Điểm khác biệt của bao gạo Cỏ May là được hút chân không, bao vuông vức, tiện mang, xách.

Trong lần giới thiệu ra mắt sản phẩm, ông Phạm Minh Thiện- Giám đốc Cỏ May cho hay để có nguồn gạo thơm đạt tiêu chuẩn chất lượng, công ty đã ký hợp đồng với nông dân, sau đó đặt ra các chỉ tiêu canh tác và cử người giám sát sản xuất.

Đến mùa, công ty mua lại lúa, đưa vào sấy, xay xát, lau bóng, đóng gói bán ra thị trường.

Khi mua lúa nhập kho, công ty còn phải kiểm tra lúa bằng cách nấu cơm ngay tại chỗ để đánh giá, phân loại gạo.

Với mô hình liên kết mà một số doanh nghiệp đang triển khai, nông dân được cấp một loại giống, thuốc trừ sâu, phân bón và được hướng dẫn sản xuất cùng một quy trình.

Cuối vụ bán lại lúa cho doanh nghiệp với giá cam kết cao hơn thị trường 10 – 15%.

Tuy nhiên, cái được lớn nhất ở đây là công ty tham gia quản lý chất lượng lúa ngay từ đầu.

“Chúng tôi vừa quản lý được nguồn lúa tiêu chuẩn, vừa có quy trình chế biến gạo đạt vệ sinh an toàn thực phẩm nên hạt gạo bán cho người tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và độ đồng đều…” - ông Thiện cam kết.

Gạo Bốn Mùa và Long Châu sẽ có mặt ở 1.000 điểm bán tại TP.HCM từ nay đến cuối năm 2016.

Một số cửa hàng gạo hay tiệm tạp hoá ở quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, Tân Bình… đã có mặt gạo của hãng này.

Nhiều doanh nghiệp vào cuộc

Cách làm của Cỏ May thực ra không mới.

Trên thị trường hiện nay, những công ty như Ita-Rice, ADC Cần Thơ, Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu Hạt Ngọc Trời, Vinh Phát, Viễn Phú… cũng đang làm vậy.

Doanh nghiệp còn bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua sắm thiết bị hiện đại, xây nhà máy xay xát, đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP.

Hạt gạo có thương hiệu, có thể biết được nguồn gốc xuất xứ.

Tại hầu hết hệ thống siêu thị, dạng gạo có thương hiệu, đóng bao bì khá đẹp ngày một nhiều thêm.

Giá trung bình vào khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, ngang với gạo thơm bán ở cửa hàng, tạp hoá.

Bà Sử nhà ở phường Linh Trung, Thủ Đức đã chuyển sang ăn gạo đóng túi của Ita-Rice.

Mỗi tháng, với 6 người gồm hai ông bà, vợ chồng con trai và hai đứa cháu sử dụng khoảng 20kg nên cứ cuối tháng là bà Sử lại vào siêu thị Co.opmart để mua gạo.

“Mấy đứa con tui cũng khuyên mẹ không nên mua gạo xá nữa.

Ăn gạo đóng túi có thương hiệu sẽ an tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ, cơm nấu ra cũng thật ngon” - bà Sử cho hay.

Tuy nhiên, cũng có tình hình cùng một loại gạo có thương hiệu nhưng hôm nay có cơm khác, ngày mai lại có cơm khác.

Bà Minh nói, trước đây gia đình bà có mua thử gạo Ita-Rice, lúc đầu cơm ngon, nhưng càng về sau thì cơm lại không dẻo và thơm như trước.

Đây là thực tế có thật và có thể giải thích là tuy cũng là một loại gạo nhưng nếu mới thu hoạch cơm sẽ ngon hơn gạo cũ.

Thông thường, để đảm bảo chất lượng, các công ty thường áp dụng cách bảo quản lúa, tức là bán gạo đến đâu thì xay xát đến đó để tránh tình trạng gạo ẩm, mốc, giảm chất lượng.

Cách đóng gói nhỏ lẻ từ 5 – 10kg tránh cho các gia đình trữ gạo quá lâu.

GS VÕ TÒNG XUÂN: “Xu hướng mua gạo đóng bao ngày càng nhiều”

Vấn đề cốt lõi nhất của hạt gạo Việt Nam là vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do nông dân sử dụng quá nhiều.

Trước đây, xuất khẩu gạo sang Nhật, Mỹ đều bị trả về.

Hiện nay Vinafood 2 - doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, từng bán gạo sang Mỹ, Nhật cũng đã phải liên kết với công ty nông nghiệp GAP để mua gạo an toàn chứ không dám mua bừa nữa.

Từ thực tế trên nên người dân rất sợ ăn gạo không rõ nguồn gốc vì chứa nhiều thuốc quá.

Nhiều người mua gạo Campuchia hoặc Thái Lan ăn chứ không dám ăn gạo xá trong nước sản xuất nữa.

Gạo nhập về đóng trong bao bì rất đẹp.

Tôi cho rằng, gạo Việt Nam cũng phải làm như vậy vì nhận thức của người tiêu dùng cao hơn rồi.

Khuynh hướng mua gạo đóng bao đàng hoàng, bên ngoài in thông tin về chỉ số dinh dưỡng, có nguồn gốc rõ ràng ngày càng nhiều lên.

Bảo Anh (ghi)


Có thể bạn quan tâm

Vốn về bản giúp trâu bò sinh sôi Vốn về bản giúp trâu bò sinh sôi

Những năm gần đây, Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao.

07/09/2016
Người dân giữ vai trò chủ động Người dân giữ vai trò chủ động

Hiện nay 13/13 xã của Lạc Thủy đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) như: Hình thức tổ chức sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, quy hoạch, điện nông thôn, bưu điện, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự.

07/09/2016
Trồng lan thu 80 triệu đồng/1.000m2 Trồng lan thu 80 triệu đồng/1.000m2

Chị Trần Thị Hạnh, một hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình được hỗ trợ gần 1.000 cây lan Mokara giống. Sau thời gian chăm sóc, chị thấy lan phát triển tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Sau 6 - 8 tháng trồng, cây bắt đầu ra hoa, bán có giá hơn so với nhiều cây trồng khác.

07/09/2016