Gà Đồi Mậu Lâm (Thanh Hóa)
Một ngày cuối năm nắng hanh vàng, chúng tôi về thăm xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa). Qua dốc núi Eo Gắm, cách bản làng 300 m, đã nghe tiếng gà gáy rộn vang cả một không gian, làm thức dậy ký ức quê xưa, nơi tuổi thơ vẫn được nghe tiếng gà gáy mỗi trưa.
Theo anh Trịnh Văn Tâm, cán bộ nông - lâm xã, tiếng gáy giòn vang là của các chú gà đồi, nhiều người dân ở đây còn gọi là gà “Đồi Hoa” để nhớ về một giống gà quý: “gà Hoa Lương Phượng”. Những năm 2009 - 2010, 30 hộ gia đình nông dân trong xã được Công ty CP Giống và phát triển gia cầm Thanh Hóa triển khai dự án khoa học công nghệ nông nghiệp, mô hình chăn nuôi sinh sản ký hiệu KN33, nuôi gà Hoa Lương Phượng sinh sản.
Mục đích nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gà cho nhân dân, đối tượng là các hộ nghèo, cung cấp giống mới (giống gà thả vườn Hoa Lương Phượng) có những đặc tính phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, có năng suất cao, chất lượng thịt, trứng tốt cho bà con.
Anh Tâm cho biết: Dự án nuôi gà Hoa Lương Phượng đưa vào đã được 4 năm, đến nay không còn là giống gà thuần chủng Hoa Lương Phượng nữa, qua quá trình phối giống lai tạo tự nhiên, bây giờ gọi là gà đồi, gà “Đồi Hoa”. Giống gà đồi Hoa Lương Phượng được lai tạo đã phát huy được ưu thế lai của gà bố mẹ, có nhiều điểm nổi trội như: Sức đề kháng tốt, dễ nuôi, lông vàng hoặc mơ đốm trắng, thịt vàng thơm.
Hộ gia đình anh Lê Khả Luyện, thôn Đồng Nghiêm là một điển hình chăn nuôi của xã Mậu Lâm. Anh Luyện nuôi lợn, gà, cá, ếch, ba ba... mỗi năm cho thu nhập hơn một trăm triệu đồng, riêng đàn gà đồi cho thu nhập 30 - 35 triệu đồng. 4 năm trước, anh Luyện là một trong những người đầu tiên tham gia dự án nuôi gà Hoa Lương Phượng, anh cho biết: gà Hoa Lương Phượng, giờ là gà đồi Hoa tận dụng được diện tích vườn đồi, vườn trồng cây ăn quả mà phần lớn là vải thiều và nhãn lồng. Gà leo đồi, tìm thức ăn tự nhiên, nên thịt vàng, săn chắc, sạch bệnh, bán được giá.
Gia đình Anh Lê Trọng Đại, thôn Yên Thọ có đàn gà 200 con, thu nhập mỗi năm gần 40 triệu đồng; gia đình Anh Hoàng Quốc Hùng, thôn Tiến Tâm cũng có đàn gà gần 200 con, thu nhập 35 triệu đồng...
Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình chăn nuôi gà giỏi cũng như bà con nhân dân trong xã đều có chung một tiếng nói rất biết ơn huyện, tỉnh, các ban, ngành cấp trên quan tâm tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đưa con nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao đến với bà con nông thôn miền núi.
Bà con cũng mong muốn được ban quản lý dự án khoa học công nghệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa triển khai thêm nhiều dự án khoa học công nghệ nông nghiệp, mô hình chăm nuôi, quan tâm đầu tư phát triển thêm đàn gia cầm khác, như: ngan, vịt... tích cực hỗ trợ bà con nông dân du nhập, thuần hóa, nuôi thích nghi các giống gia cầm nhập nội; lai các giống gia cầm tạo giống mới.
Đồng chí Lê Hữu Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, cho biết: Mậu Lâm có diện tích rộng, tuy vậy, là xã miền núi, sản xuất khó khăn, mức sống đồng bào còn thấp. Dựa vào thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.
Trước hết, cùng với việc đẩy mạnh thâm canh cây lúa nước, phát triển lâm nghiệp, là đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng. Nhiều hộ đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng.
Trong chăn nuôi, đã thực hiện thành công dự án phát triển đàn bò lai sin, nuôi lợn Móng Cái, lợn cỏ và dê. Đặc biệt, thời gian qua dự án chăn nuôi phát triển đàn gà được bà con rất phấn khởi chào đón, xã Mậu Lâm xác định đó là loại con xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông thôn địa phương. Ở các thôn, bản hầu hết các hộ gia đình đều chăn nuôi gà đồi, nhà ít thì vài chục con, nhiều thì hàng trăm con.
Nhiều hộ gia đình mỗi năm xuất 2- 3 lứa, cung cấp cho thị trường 300 kg gà và hàng nghìn quả trứng, thu nhập 20- 30 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi gà đồi đang mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân và điều quan trọng hơn, mô hình này còn làm thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, giữ vị trí thứ hai trong tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi và cung cấp khối lượng sản phẩm lớn thứ hai sau chăn nuôi lợn. Gia cầm dễ nuôi, quay vòng nhanh, phát triển được ở mọi vùng sinh thái, thị trường rộng lớn.
Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta nói chung, xã Mậu Lâm nói riêng, quy mô còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học về giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh... còn nhiều hạn chế, nên thường xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của gia đình người chăn nuôi.
Qua mô hình nuôi gà đồi tại xã Mậu Lâm, cho thấy, gà đồi dễ nuôi, phù hợp với địa bàn nông thôn miền núi, có những đặc tính phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, có năng suất cao, chất lượng thịt, trứng tốt. Kết quả mô hình trên tạo tiền đề vững chắc cho địa phương, người chăn nuôi có kiến thức kỹ thuật, con giống để phát triển kinh tế trang trại, gia trại... góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở nông thôn miền núi.
Có thể bạn quan tâm
Nhớ lại vào những năm 2009-2010, nuôi nhím nổi lên như một nghề góp phần xóa đói, giảm nghèo. Và trên thực tế, tại thời điểm đó, đã có một số hộ gia đình đổi đời nhờ nghề nuôi nhím. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là tiền mua nhím giống khá lớn, nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết định nuôi, thậm chí có nhiều hộ không ngần ngại vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi nhím với quy mô lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới tại Tây Nguyên khoảng 140.000-160.000 ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng); trong đó cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86.000 ha. Nếu không kịp thời tái canh, chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ sớm bị ảnh hưởng.
Trước mắt, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Dương Minh Châu khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân vi sinh khi trồng mì, vì trong loại phân bón này có chất Trichoderma có thể khống chế 5 loại nấm trong đất ngăn không cho chúng phát triển, hạn chế mức độ thối củ trên cây mì.
Vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Bắc Kạn đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ngân Sơn triển khai mô hình “Chống rét và giữ ẩm cho cây thuốc lá bằng màng phủ nông nghiệp", đến nay sau 5 tháng triển khai thực hiện mô hình mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Trung (khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cùng hàng trăn hộ dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển hàng chục ha đất lúa sang trồng dưa hấu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn từ phía thương lái sau khi thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý ra đời.