El Nino gia tăng đe dọa sản xuất nông nghiệp
Theo các chuyên gia dự báo, 90% hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2016 và trở thành đợt ảnh hưởng kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm…
Thách thức hạn hán, xâm nhập mặn
Hiện tượng El Nino chính thức bắt đầu từ cuối năm 2014 với “mở màn” bằng trận hạn hán ở Ninh Thuận kéo dài đến giữa năm 2015 mới kết thúc.
Hậu quả, tính đến vụ hè thu, có 16.000 ha đất nông nghiệp ở tỉnh này phải ngừng sản xuất, có nhiều nơi mất 4 vụ liền; hàng nghìn con trâu, bò, dê, cừu bị chết.
Từ đầu năm đến nay, nhiều kỷ lục đã được ghi nhận tại nước ta, điển hình là đợt mưa lịch sử tại Quảng Ninh; khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở Nghệ An, Quảng Trị...
Hà Tĩnh dù không đến mức “khốn đốn” với cơn thịnh nộ của thiên nhiên nhưng người nông dân khắp nơi cũng phải trải qua một vụ hè thu đầy khó khăn.
Nhiệt độ vượt “đỉnh” 420C, hồ đập, sông suối cạn trơ đáy, xâm nhập mặn đạt cao nhất từ trước tới nay.
Đợt hạn hán kéo dài suốt 2 tháng đã làm cho hàng trăm ha chè, ngô bị chết, không có thu hoạch; nhiều diện tích lúa phải bỏ hoang.
Lượng mưa đạt thấp là nguyên nhân khiến dòng chảy các sông chính thiếu hụt nguồn nước
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino đang có xu hướng gia tăng về cường độ, khả năng sẽ đạt kỷ lục của năm 1997-1998 và sẽ là một El Nino kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm khi xác suất kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau là 90%.
Dưới sự tác động của El Nino, nhiệt độ từ tháng 11/2015 - tháng 4/2016 trên toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C.
Lượng mưa ở Trung bộ có khả năng thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm và 20-40% ở Nam bộ, Tây Nguyên.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết: “Bình thường, tháng 10 là tháng trọng điểm mưa của Hà Tĩnh với tổng lượng mưa bằng 1/3 lượng mưa cả năm.
Thế nhưng, năm nay chỉ đạt 18,48% so với trung bình nhiều năm và 28,33% so với tháng 10/2014.
Từ nay đến tháng 2 năm sau, Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ, đỉnh lũ khả năng ở mức dưới báo động I.
Lượng dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa sẽ giảm dần và khả năng thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 30-50%”.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống
Đáng lo ngại hơn, mực nước ở các hồ đập xuống thấp nhất trong nhiều năm: hồ Kẻ Gỗ 29,3% so với thiết kế; Sông Rác 41,9%, Thượng Tuy 22,7%, Sông Trí 48,5%.
Tất nhiên, với tình hình này, mùa khô sẽ đến sớm hơn, sản xuất và sinh hoạt tiếp tục phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước.
Tình trạng xâm nhập mặn nồng độ cao đe dọa nguồn nước cung cấp cho hệ thống trạm bơm, đặc biệt là hệ thống trạm bơm trên sông Nghèn (Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ); sông Nhà Lê (Kỳ Anh); sông Lam (Nghi Xuân).
Chủ động ứng phó giải pháp tối ưu
Nói về tình hình cấp bách hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 sẽ trong điều kiện thời tiết ấm, vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Đề phòng mùa mưa sang năm đến chậm nên các địa phương phải cân đối nguồn nước cụ thể và phải dành nước cho những cây trồng có giá trị cao”.
Cách đây vài năm, Hà Tĩnh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả, nơi cao cưỡng sang các cây trồng khác có giá trị hơn.
Các loại cây trồng được lựa chọn là rau - củ - quả thực phẩm, lạc, cỏ, ngô và đậu xanh.
Chiến lược này nhằm giảm diện tích lúa trên toàn tỉnh, tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sản xuất cũng như ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.
Không dưới 3 năm thực hiện, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu đạt khoảng 500 ha.
Tất nhiên, so với diện tích được chuyển đổi thì số diện tích đất bỏ hoang do bất lợi thời tiết năm nay vẫn gấp hơn 3 lần! Nguyên nhân chính vẫn là do những nơi lúa không thể gieo cấy chủ yếu là vùng “đồng khô, cỏ cháy”.
Đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa kênh mương là một trong những giải pháp giúp các địa phương ứng phó với khả năng thiếu nước sản xuất vụ hè thu 2016.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nếu lượng mưa từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2016 đạt 70% lượng mưa trung bình cùng kỳ nhiều năm thì dự kiến sẽ có gần 9.000 ha lúa hè thu 2016 không có nước gieo cấy.
Diện tích đảm bảo tưới lúa hè thu sẽ được cân đối lại trên cơ sở nguồn nước sau khi kết thúc tưới vụ xuân tới.
Các địa phương cần sớm xây dựng phương án sản xuất cũng như kế hoạch ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động hơn với tác động thời tiết”.
Tại một cuộc họp gần đây, bên cạnh chỉ đạo triển khai các giải pháp kỹ thuật về điều tiết, tích trữ hồ, đập thủy lợi, phối hợp sự điều tiết của thủy điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu: “Phải tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về tình hình thời tiết, diễn biến của hiện tượng
El Nino để mỗi người nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm.
Đồng thời, chủ động phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2016.
Quan trọng nhất là bố trí lại cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa; cơ cấu bộ giống ngắn ngày nhằm giảm thiểu tổn thất do thời tiết gây nên”.
Có thể bạn quan tâm
Để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác, bảo hiểm cho tàu thuyền và thuyền viên là vấn đề cần được quan tâm.
Bảo quản hải sản an toàn, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt xa bờ.
Sự liên tục sụt giảm kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra vào thị trường EU trong nửa năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động cho các DN thủy sản về công tác thị trường cũng như năng lực cạnh tranh.
Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…
Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.