Đưa tạp chất vào tôm: Sẽ xử lý hình sự
Tôm tạp chất bị lên án hơn chục năm qua và từng có chương trình doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất nhưng tình hình hiện vẫn rất phức tạp, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) vừa có kế hoạch phòng chống, trong đó kiến nghị xử lý hình sự hành vi đưa tạp chất vào tôm.
Bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu Ảnh: Ngọc Huyền
Dai dẳng nguy cơ lớn
Chiều 28/3, đoàn liên ngành tỉnh Bạc Liêu kiểm tra cơ sở mua tôm nguyên liệu ở xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) của bà Hà Thị Kiều, bắt quả tang 20 người đang bơm tạp chất vào tôm. Kiểm nghiệm nhanh tại chỗ, xác định có khoảng 55 kg tôm có chứa agar (còn gọi là rau câu). Tang vật được tạm giữ cùng với tôm là bình nén chứa agar, 2 đoạn ống dẫn tạp chất dài 5 m, 16 ống bơm tạp chất vào tôm và 2 thùng thành phẩm rau câu.
Đây là vụ thứ 3 trong nửa cuối tháng 3, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện tôm chứa tạp chất, bắt giữ gần 2 tấn tôm nguyên liệu (chủ yếu là tôm sú). Ngày 27/3, bắt một xe tải chở hơn 400 kg tôm chứa tạp chất khi đang chạy qua huyện Hòa Bình. Trước nữa, chiều 14/3, dừng xe 94L - 7472 chạy ở thành phố Bạc Liêu, kiểm tra toàn bộ 1,4 tấn tôm trên xe có chứa agar. Lái xe Trương Thanh Tùng khai, chở tôm từ thị xã Giá Rai lên thành phố. Tôm chứa tạp chất ở cả 3 vụ bị bắt giữ, đều xuất xứ thị xã Giá Rai.
Phó trưởng Công an thị xã Giá Rai, thiếu tá Phan Thành Được cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, công an còn bắt 5 vụ với khoảng 150 kg tôm chứa tạp chất ở các cơ sở mua tôm giáp ranh với tỉnh Cà Mau. Ông nói: “Đó cũng là địa bàn thường xuyên phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm. Có cơ sở bị phát hiện đến ba lần. Như cơ sở mua tôm của ông Nguyễn Minh Đường ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây bị phát hiện ba lần đưa tạp chất vào tôm. Cứ bị phát hiện, họ chuyển sang địa bàn khác và lại bơm tạp chất vào tôm”.
Ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Minh Cảnh cho biết, xã có 15 cơ sở mua tôm nguyên liệu có đăng ký và một số cơ sở mua tôm không đăng ký. Thực tế, rất khó bắt quả tang việc bơm tạp chất vào tôm ở các cơ sở vì họ hoạt động khép kín, có cảnh giới. Nếu phát hiện dấu hiệu, phải báo với công an thị trấn tổ chức công phu mới bắt được quả tang để xử lý.
Sở NN&PTNT Bạc Liêu thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, kiểm tra phát hiện 15 trường hợp tôm sú chứa tạp chất, tổng cộng gần 3,5 tấn. Trong đó, 6 trường hợp đang bơm tạp chất vào tôm, 6 trường hợp thu gom tôm có tạp chất, 3 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Tổng số tiền phạt hành chính là 844 triệu đồng.
Còn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phát hiện hai vụ với 51 kg tôm chứa tạp chất, phạt hành chính 55 triệu đồng. Các cơ quan khác bắt 5 vụ với 1.984 kg tôm chứa tạp chất.
Kiến nghị xử lý hình sự
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Cà Mau, ông Võ Thành Tiến than thở, xử lý tôm tạp chất làm thường xuyên và đã mười mấy năm rồi nhưng vẫn rất khó dứt điểm. Theo ông, chưa xử lý được tận gốc vì vẫn có người mua.
Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu, ông Hà Văn Buôl thừa nhận, “tôm tạp chất là vấn nạn của tỉnh”. Ông phân tích khía cạnh lợi nhuận: Trung bình 100 kg tôm, được bơm tạp chất thành 115 kg. Mỗi kg tăng thêm là có thêm hàng trăm nghìn đồng, người bơm tạp chất được trả công 6.000 đồng/kg, còn lại chủ cơ sở hưởng. Việc bơm tạp chất vào tôm chủ yếu do cơ sở và đại lý mua chứ người nuôi tôm không làm việc này. Có khi tôm nguyên liệu bị bơm tạp chất đến 2 lần, ở cơ sở thu gom và ở đại lý mua. Vì lợi nhuận cao, nhiều cơ sở đã bất chấp tất cả, trong lúc, xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Trước vấn nạn nghiêm trọng, NAFIQAD vừa đưa ra kế hoạch phòng chống ngăn ngừa tôm tạp chất đầy kỳ vọng. Tập trung vào một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm ở ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với mục tiêu đến hết năm 2017 có 100% cơ sở nuôi và mua, chế biến ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm.
Nhiều biện pháp được nêu lên như hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả hơn, tăng đào tạo nghiệp vụ, tuyên truyền vận động. Đặc biệt, chú trọng tới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe. Đó là tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm NAFIQAD với Cục An ninh Kinh tế Nông lâm ngư nghiệp, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Thanh tra Bộ NN&PTNT, tiến hành ngay mỗi khi có thông tin vi phạm hoặc thời gian khan hiếm tôm nguyên liệu.
NAFIQAD đề nghị Bộ Công an và các ngành chức năng xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất. Khi xác định được tội danh, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng, NAFIQAD đề nghị Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan “có phương án thống nhất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm về tạp chất là tội danh mới trong Bộ luật Hình sự”.
>> Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính. Tuy nhiên, đây là “cuộc chiến” không đơn giản bởi gần 20 năm nay, dù các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhiều lần có “chiến dịch” ngăn chặn nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở, thậm chí là doanh nghiệp lớn cũng vẫn vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Từng được mệnh danh là “thủ phủ” tôm càng xanh của ĐBSCL, vào thời kỳ hoàng kim, diện tích nuôi của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lên đến hơn 800ha
Ốc hương (Sweet snail) có tên khoa học là Babylonia areolata, là loài động vật thân mềm có vỏ khá mỏng nhưng chắc chắn, dạng bậc thang
Bổ sung 40 ppm Nor-Grape 80 vào thức ăn cho cá 2 tháng trước thu hoạch giúp tăng khả năng chống ôxy hóa và giảm hao hụt trong quá trình chế biến.