Dự báo thị trường thịt gia cầm thế giới sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2022
Các chuyên gia của Ngân hàng Rabobank cảnh báo, ngành công nghiệp gia cầm thế giới sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2022, vì thị trường vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Ngành công nghiệp gia cầm cần phải sẵn sàng điều chỉnh các kênh bán hàng để đáp ứng các biện pháp điều hành của chính phủ. Các công ty chăn nuôi và chế biến cũng sẽ gặp thách thức, vì thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác, như chi phí vận chuyển hàng hóa và giá năng lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức cao.
Theo dự báo của ngân hàng Rabobank, lực lượng lao động đã trở thành một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia, làm hạn chế sản xuất ở một số thị trường. Vấn đề logistics ngày càng trở nên phức tạp hơn vì kho chứa hàng đông lạnh bị hạn chế và chi phí cao. Chi phí nhân công đắt đỏ và lo lắng về lãi suất tăng đang làm giảm tốc độ đầu tư vào lĩnh vực này và làm nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng mạnh sẽ góp phần đẩy giá tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất phải tập trung tăng sản lượng, tăng thu mua và cần tính toán hiệu quả kinh doanh, giảm sử dụng thức ăn chăn nuôi và giảm chi phí lao động. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc cần phải nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực để chống lạm phát và giữ giá gia cầm ở mức vừa phải, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi,
Tuy nhiên, nhu cầu sẽ tăng mạnh, với mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 2%, bất chấp những thách thức về hạn chế nguồn cung. Dưới đây là những dự báo về ngành công nghiệp gia cầm trong năm 2022:
Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra có ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn cầu. Trong giai đoạn bùng phát đầu tiên, số người nhiễm Covid-19 cao, sản xuất bị đình trệ và thiệt hại nặng nề. Bên cạnh việc chuyển từ bán lẻ thực phẩm sang dịch vụ ăn uống, còn nhiều vấn đề về thị trường, khó khăn trong xuất khẩu và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Ông Nan-Dirk Mulder - chuyên gia phân tích cao cấp về ngành thịt tại Rabobank nói về tác động của Covid-19 trong thời gian sắp tới: Các nền kinh tế đang mở cửa trở lại trên con đường gập ghềnh, với những thăng trầm trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm, đóng cửa và mở cửa, nhưng cuối cùng vẫn phát triển.
Chi phí chăn nuôi và lạm phát
Giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng phần lớn đến giá thịt trên toàn cầu và là chi phí chủ yếu cho ngành chăn nuôi gia cầm. Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh từ quý 3/2020, nhưng chi phí của ngành chăn nuôi tăng không chỉ là riêng giá thức ăn chăn nuôi tăng, mà còn cả chi phí lao động, giá năng lượng, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng.
Chi phí tăng như vậy tạo ra áp lực đối với toàn bộ chuỗi cung ứng gia cầm. Liệu lạm phát giá thực phẩm có bù đắp được chi phí sản xuất tăng hay không? Thật khó để dự đoán liệu hầu hết các áp lực về chi phí sẽ được giảm bớt trong năm 2022 nhưng sẽ có những thay đổi quan trọng trong từng khu vực.
Về chi phí chăn nuôi, Ông Nan-Dirk Mulder có một số lời khuyên hữu ích cho ngành chăn nuôi gia cầm: Chi phí nhân công, vận chuyển, năng lượng và thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tiếp tục thách thức chuỗi cung ứng thịt. Vì vậy, cần phải kiểm soát chi phí vào thời điểm hiện tại. Nếu bạn có một mô hình kinh doanh hiệu quả trong hoạt động của mình, trong trang trại, trong nhà máy chế biến, thì cuối cùng sẽ thành công. Trong thời kỳ chi phí và lạm phát cao, những mô hình hiệu quả nhất sẽ luôn mang lại lợi ích nhiều hơn những mô hình khác.
Chi phí tăng và lạm phát cũng đang cản trở người tiêu dùng, trong đó tác động mạnh hơn đối với dịch vụ ăn uống so với lĩnh vực bán lẻ. Người tiêu dùng vẫn không thoải mái với việc ăn uống tại chỗ, dẫn đến lượng tiêu thụ các nhà hàng giảm. Do đó, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, mặc dù đang phục hồi, nhưng sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn.
Nhân công
Lực lượng lao động tiếp tục là điều đáng lo ngại đối với ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn cầu, trầm trọng hơn do ảnh hưởng của Covid-19. Nhiều công ty chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, không chỉ ở các thị trường phương Tây, mà còn ở các thị trường mới nổi. Do hạn chế đi lại của người lao động và lao động nhập cư nên nguồn lao động đang thiếu hụt. Ví dụ ở Anh, sự kết hợp giữa Covid-19 và Brexit đã dẫn đến một loạt các vấn đề, bao gồm tình trạng thiếu tài xế giao hàng và thiếu nhân viên trong các nhà máy chế biến gia cầm.
Ông Nan-Dirk Mulder cho rằng, hầu hết các khu vực đang hoạt động ở mức hòa vốn hoặc tận dụng các cơ hội để có lãi, với sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế ở châu Âu và châu Mỹ giúp thị trường phục hồi và thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Về mặt hiệu suất, đặc biệt là Châu Mỹ, một phần của Trung Đông và Bắc Phi đang hoạt động tương đối tốt. Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan ở Châu Âu và Đông Nam Á trong năm 2022, dẫn đến kết quả kinh doanh khó khăn. Nhìn chung, sẽ có một số cải thiện, trong bối cảnh nhiều thách thức trong kinh doanh.
Triển vọng tích cực
Năm 2022, sẽ có nhiều yếu tố thay đổi, chi phí đầu vào tăng, việc chuyển đổi sang sử dụng protein bền vững hơn, an toàn sinh học, dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 sẽ vẫn còn, chi phí chăn nuôi, thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh. Bất chấp những yếu tố này, ngành thịt gia cầm vẫn có sự lạc quan. Dự báo kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ. Ông Nan-Dirk Mulder cho biết thêm, sự kết hợp giữa nguồn cung giảm và nhu cầu tăng sẽ tác động làm giá tăng mạnh.
Thị trường thịt gia cầm toàn cầu năm 2022 sẽ bắt đầu ổn định. Dự báo mới nhất của IMF cho thấy sự phục hồi tương đối nhanh của nền kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ tăng trưởng 5,9% so với năm 2021 và tăng trưởng ở hầu hết các nước.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường thịt lợn Trung Quốc đang khiến các chuyên gia lo ngại, kéo theo những hệ lụy đối với toàn ngành thịt đỏ.
Trung Quốc sẽ tăng thuế nhập khẩu thịt lợn vào năm 2022, Xuất khẩu thịt lợn Mỹ tăng, giá thịt lợn giảm
Theo Reuters, giá lợn hơi kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange (CME) tại Mỹ đã tăng phiên giao dịch thứ tư liên tiếp vào ngày 27/12/2021