Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Đột phá trong công nghệ sản xuất trứng cá tầm đen tại Nhật Bản

Đột phá trong công nghệ sản xuất trứng cá tầm đen tại Nhật Bản
Tác giả: Đan Linh - Theo InternationalFishFarming
Ngày đăng: 18/08/2020

Nhờ công nghệ phát hiện cá cái nhanh hơn, Đại học Kindai tại Nhật Bản đã cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất trứng cá tầm.

Giảm 25% chi phí

Trứng cá tầm Nhật Bản đã có mặt tại nhiều thị trường thế giới như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mỹ và Canada. Đây được coi là món ăn của người nhà giàu vì giá khá đắt đỏ. Nguyên nhân là do quá trình xác định cá tầm đực và cá tầm cái trong khâu nuôi mất rất nhiều thời gian.

Các trại nuôi cá tầm được vận hành với chi phí rất cao bởi phải chờ đợi đến khi cá được khoảng 3 tuổi mới biết được giới tính của cá bằng cách mở một phần dạ dày để xác định màu sắc và hình dáng của tuyến sinh dục. Sau đó, cá được khâu lại vết mổ và đưa trở lại bể nuôi.

Đại học Kindai đã mở con đường mới cho ngành sản xuất trứng cá tầm giá rẻ hơn bằng công nghệ phát hiện cá cái từ sớm. Tháng 12 năm ngoái, Kindai tuyên bố phát triển thành công một lứa cá tầm toàn cái sau khi ấp trứng nhân tạo nhờ các biện pháp can thiệp hóc-môn.

Giáo sư Toshinao Ineno, Khoa nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Đại học Kindai cho biết: Tại Nhật Bản, thịt cá tầm gần như không bán được nên cá tầm đực là gánh nặng chi phí cho các trại nuôi cá tầm trứng. Nếu loại bỏ được cá đực ngay từ đầu và chỉ nuôi toàn cá cái thì chi phí xác định giới tính giảm đi đáng kể. Thông thường, để xác định giới tính của 1.000 con cá tầm cần 5 đến 6 lao động làm việc hơn 30 ngày. Cùng với chi phí lao động sẽ là chi phí thức ăn để nuôi những con cá này trong khoảng thời gian chờ đợi đến khi chúng được 3 tuổi. Giáo sư Toshinao Ineno ước tính những khoản này chiếm 25% tổng chi phí sản xuất. Do đó, phương pháp nuôi toàn cá cái ngay từ đầu sẽ giúp các trại nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí.

Công nghệ nuôi cá toàn cái

4 tháng sau khi ấp trứng nhân tạo, 150 con cá tầm Siberian non được cho ăn kết hợp hormone estradiol trong 6 tháng trước khi khẩu phần ăn của chúng chuyển về chế độ thức ăn thông thường. Nhiều con cá được kiểm tra, và tất cả chúng đều chứa tế bào giới tính cái. 

Kết quả cực kỳ khả quan, ông Ineno cho biết. Không những sản xuất trứng, một lứa cá tầm toàn cái còn mang lại nhiều thuận lợi khác bởi khi cá tầm lớn lên, trại nuôi cần nhiều nước và hệ thống bể rộng hơn. Đây thực sự là trở ngại lớn nếu nuôi quy mô công nghiệp và cũng là lý do Đại học Kindai phát triển công nghệ nuôi cá toàn cái.  

Đại học Kindai đã bắt đầu nghiên cứu về cá tầm vào năm 1995 và bán sản phẩm trứng cá tầm mang thương hiệu Kindai Caviar vào năm 2008. Cơ sở này hiện đang nuôi 1.500 con cá tầm và dự kiến sản xuất 45 kg trứng cá tầm mỗi năm trong vòng 10 năm tới.

Giáo sư Ineno cho biết: Chúng tôi muốn sản xuất trứng cá tầm bằng công nghệ và chuyên môn của Đại học Kindai. Để xuất khẩu trứng cá tầm ra thế giới, các trại nuôi và nhà máy sản xuất trứng cá phải đăng ký giấy phép theo quy định của CITES nhưng Kindai vẫn chưa đăng ký nên mục tiêu trước mắt là sản xuất trứng cá tầm cho mục đích nghiên cứu và tiêu thụ nội địa. Đại học Kindai cũng đang nghiên cứu khả năng sản xuất các mẻ cá tầm toàn cái bằng nhiều phương pháp khác.

Giáo sư Ineno chia sẻ: Chúng tôi đang nghiên cứu ảnh hưởng của nguyên liệu thức ăn thô như đậu tương và hạt đậu miêu (Psoralea corylifolia) lên sự phát triển của cơ quan sinh dục của cá tầm. Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá khả năng kết hợp các nguyên liệu này vào thức ăn có giúp cá tầm tiêu hóa dễ hơn hay không.

Tương lai rộng mở

Công nghệ nuôi cá tầm toàn cái của Kindai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hãng sản xuất trứng cá tầm tại Nhật Bản. Tại Miyazaki, miền Nam Nhật Bản, chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng một thị trường mới cho các sản phẩm cá tầm nuôi suốt nhiều năm qua. Ngày nay, các giống cá tầm này ngày càng phổ biến trên toàn tỉnh.

Ông Moto-o Sakamoto, Giám đốc công ty trứng cá tầm Japan Caviar Inc cho biết: Nuôi cá tầm gặp nhiều thách thức và rất khó có thể sản xuất một lượng trứng cá ổn định. Chúng tôi bắt đầu bán trứng cá tầm đen tại Nhật Bản vào tháng 11/2013. Nhưng cột mốc đầu tiên phải kể đến năm 1983 khi giống cá tầm lai giữa cá tầm cái Beluga và cá tầm đực Sterlet được nhập khẩu từ Nga để nuôi thử nghiệm. Tỉnh Miyazakia đã tham gia vào nuôi cá tầm bằng công nghệ và nghiên cứu chuyên sâu từ Viện Nghiên cứu thủy sản tỉnh Miyazaki.

Trứng cá tầm được thu gom và xử lý tại một cơ sở chế biến theo những điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt ở nhiệt độ thấp suốt nhiều tháng trước khi ra thành phẩm cuối cùng. Công nghệ nuôi cá tầm được phát triển vào năm 1983, nhưng 30 năm sau, Công ty Japan Caviar Inc mới bắt đầu bán sản phẩm trứng cá tầm và chỉ phục vụ hành khách hạng sang trên các chuyến bay quốc tế.

Nhờ tạo được những đột phá về thời gian nuôi cá và sản xuất trứng, ông Sakamoto đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ mới của Đại học Kindai. Ông cho biết: Nuôi cá tầm rất khó. Bạn cần phải tập trung vào nhiều yếu tố, điển hình là chất lượng nước, thức ăn và kỹ thuật xác định cá cái khỏe mạnh nhất, thời gian và điều kiện tốt nhất để sản xuất trứng.

Công nghệ của Kindai hỗ trợ người nuôi cá tầm lấy trứng hiệu quả hơn. Khi công nghệ được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản, các hãng sản xuất trứng cá tầm sẽ hưởng lợi lớn nhờ cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất và nâng cao cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Do hầu hết các loại cá tầm đang sụt giảm số lượng nghiêm trọng và được đưa vào danh sách loài có nguy cơ bị đe dọa do ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức, giáo sư Ineno hy vọng trứng cá tầm sản xuất tại nội địa sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Nghề nuôi cá nước ngọt cũng đang thu hẹp dần tại Nhật Bản, nên nuôi cá tầm có thể hồi sinh một ngành sản xuất quan trọng, đặc biệt ở những vùng thưa thớt cư dân hoặc vùng núi.

Nếu người tiêu dùng nhận thức được thực trạng nguồn lợi thiên nhiên đang suy kiệt và chỉ ăn trứng cá tầm nuôi thì áp lực lên quần thể cá tầm tự nhiên sẽ được giảm tải và chúng ta có thể bảo vệ loài cá này trước nguy cơ tuyệt chủng, ông Sakamoto cho biết. 

Qua các công ty như Japan Caviar Inc, tỉnh Miyazaki đang đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa ngành thủy sản và góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung cho ngành nuôi trồng thủy sản của cả nước. Công nghệ mới của Kindai đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi và sản xuất trứng cá tầm Nhật Bản thành công hơn nữa và hướng tới xuất khẩu. 


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả cao từ đầu tư nuôi tôm tại miền Trung Hiệu quả cao từ đầu tư nuôi tôm tại miền Trung

Thời gian gần đây, mặc dù gặp phải một số khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid -19, dịch bệnh trên tôm và thời tiết nhiều biến động, nhưng một số hộ nuôi tôm

15/08/2020
Bảo quản tôm đông lạnh lâu và lành Bảo quản tôm đông lạnh lâu và lành

Sử dụng rong biển đỏ làm chất bảo quản tự nhiên để kéo dài thời hạn sử dụng của hải sản ướp lạnh góp phần giải quyết vấn đề vận chuyển trong quá trình tiêu thụ

17/08/2020
Nuôi cá trong ruộng bậc thang ở vùng cao Hà Giang Nuôi cá trong ruộng bậc thang ở vùng cao Hà Giang

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa được đồng bào các dân tộc Nùng, Mông, Dao, Na Chí… tại Hà Giang phát triển mạnh trong vụ lúa mùa sớm

18/08/2020