Đồng hành với hộ dân nhà nông vùng hạn, mặn
Ông Dương Đình Lạng – Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, những công việc trên là nhằm thực hiện Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…
Rà soát mức độ thiệt hại
Theo thống kê, do nắng hạn, xâm nhập mặn, toàn tỉnh Sóc Trăng có 19.415ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại (trong đó có 12.605ha lúa; 6.705ha mía; 93ha hoa màu); có 47.237 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Ông Dương Đình Lạng cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện thực hiện thống kê thiệt hại do hạn mặn gây ra. Các phòng giao dịch đang tích cực phối hợp Ban đại diện Hội đồng quản trị, trong đó có 4 đoàn thể, chủ tịch UBND các xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) nắm và rà soát đối tượng vay vốn có diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn mặn để xử lý nợ rủi ro cho dân. Cụ thể, địa phương sẽ tiến hành họp Tổ TKVV, bình xét dân chủ để ngân hàng có cơ sở đề nghị khoanh nợ.
Tính đến ngày 8.4, qua rà soát ban đầu, Ngân hàng CSXH tỉnh đang làm thủ tục để đề nghị xử lý cho 855 hộ vay vốn bị thiệt hại do hạn mặn với số tiền trên 8,1 tỷ đồng, trong đó, 70% thuộc chương trình vay vốn hộ nghèo, còn lại là đối tượng khác.
Ông Nguyễn Văn Út – Tổ trưởng Tổ TKVV ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung thông tin: “Theo khảo sát ban đầu, trong tổ có 13 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH để trồng mía, trong đó có 10 hộ bị thiệt hại từ 40-70%. Sau khi đã rà soát, sẽ tiến hành họp tổ để xác định cụ thể về diện tích, mức độ thiệt hại…”.
Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cù Lao Dung, sau khi nhận được danh sách chính thức từ các xã, cán bộ của ngân hàng sẽ đến địa phương để thẩm định, lập biên bản xác định mức độ thiệt hại để có hướng giải quyết, đảm bảo công khai và minh bạch. Trong thời gian khoanh nợ sẽ không tính lãi cho các hộ được khoanh.
Xem xét tái đầu tư sản xuất
Cũng theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, khi T.Ư đã có quyết định về việc khoanh nợ, địa phương sẽ sớm báo cho người dân nắm rõ. Đối với các hộ được khoanh nợ, sau khi đã hoàn vốn và có nhu cầu vay vốn, có phương án sản xuất phù hợp, ngân hàng sẵn sàng tái đầu tư, có thể xem xét nâng mức vốn vay trong hạn mức quy định.
“Ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn đã tranh thủ của T.Ư để hỗ trợ cho người dân tái sản xuất. Với tổng nguồn vốn đã có và đang tiếp tục đề nghị T.Ư, trong quý II này các địa phương phải hoàn thành rà soát để xử lý, hỗ trợ vốn cho dân tái đầu tư phát triển sản xuất. Ngành nông nghiệp cần phải có phương án cho người dân nuôi, trồng cây gì, con gì sau hạn mặn và ngân hàng sẽ xem xét để đầu tư nguồn vốn” – ông Lạng cho biết thêm.
Nói về giải pháp lâu dài để sử dụng nguồn vốn hiệu quả trước tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ông Lạng đề xuất: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh định hướng tổ chức sản xuất hướng ra biển. Cụ thể là đề nghị T.Ư, Chính phủ cho Sóc Trăng làm thí điểm đội tàu, tổ chức đánh bắt xa bờ để tạo điều kiện cho lao động hộ đồng bào dân tộc Khmer, hộ nghèo, gia đình chính sách có diện tích bị thiệt hại làm công nhân trên con tàu đó, nhằm ổn định cuộc sống”.
Có thể bạn quan tâm
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa công bố các số liệu mới nhất về tình hình và hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Với nhiều hộ chăn nuôi, câu chuyện lỗ- lãi diễn ra như một chu kỳ, song riêng anh Trần Đắc Đằng, chủ trại chăn nuôi lợn ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực, Nam Định), chưa một lần anh “nếm” mùi thất bại. Nguyên nhân đơn giản là, anh luôn học hỏi, cập nhật để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh nước ta gia nhập TPP...
Từ khi tập hợp nhau trong mô hình câu lạc bộ (CLB) liên kết, nhiều hộ chăn nuôi lợn nái ngoại xã Na Mao, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) trở nên khấm khá.