Đồng Bằng Sông Cửu Long dần thoát khỏi sự đe dọa của nước mặn
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, nước mặn trên địa bàn huyện dần được đẩy lùi. “Độ mặn xuống 4-5 lần so với lúc cao điểm, hiện chỉ còn 0,5-0,9gam/lít, bà con nông dân rất phấn khởi”- ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, trước tín hiệu vui mừng trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chủ động dự trữ nước trong ao, mương, hồ phục vụ tưới tiêu cho hơn 8600ha diện tích cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống.
Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cũng cho biết, độ mặn nguồn nước đã giảm mạnh. Cụ thể, tại trạm bơm Cái Cỏ, chỉ còn 0,3g/lít trong khi lúc giữa tháng 3, độ mặn lên tới 1g/lít. Còn tại nhà máy nước Sơn Đông khoảng 1g/lít, giảm 3-4 lần so với giữa tháng 3.
Bà Phượng nói thêm: “Mỗi ngày, trạm bơm Cái Cỏ đưa về nhà máy nước Sơn Đông hơn 35.000m3 nước, pha loãng với nguồn nước tại chỗ xử lý, cấp nước cho dân. Tuy vẫn còn nhiễm mặn ở mức 0,5g/lít nhưng đã được cải thiện rất lớn so với thời điểm trước”.
Theo nhiều địa phương, độ mặn giảm dần khiến việc xuống giống lúa hè thu thuận lợi. Tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã cơ bản hoàn tất việc xuống giống lúa hè thu với gần 190.000 ha.
Liên quan đến việc độ mặn giảm, nguồn nước ngọt đang về các địa phương, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ cho biết, vài ngày trước, đỉnh triều cường (hiện tượng tự nhiên diễn ra hàng tháng) lên cao điểm đã đẩy nước mặn ra xa ngoài biển, giúp nhiều con sông giảm mặn.
Khi phóng viên hỏi, độ mặn giảm liệu có liên quan đến nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh thông tin: “Tôi biết phía Trung Quốc có xả nước nhưng khó nói là có về chưa vì không có số liệu chính xác. Số liệu này do bên Đài Khí tượng thuỷ văn Nam bộ nắm”.
GS.TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cũng khẳng định: “Nguồn nước mặn ở nhiều địa phương giảm do triều cường lên. Còn về nguồn nước từ thượng nguồn có về nhiều ở Tân Châu (An Giang) – đầu nguồn vùng ĐBSCL chưa thì chưa nắm rõ”
Có thể bạn quan tâm
Với sản lượng 6-7 triệu tấn lúa/vụ, nhu cầu sử dụng máy sấy lúa của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất lớn. Tuy nhiên, hiện công nghệ và số lượng máy sấy lúa ở đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Chính phủ Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để cấp giấy phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam. Đây sẽ là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này.
Sau hơn 10 ngày lập chốt chặn phong tỏa nguồn thức ăn chăn nuôi heo, chính quyền xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã buộc 37 hộ dân nuôi heo ở ấp 4 phải ký đơn đồng ý di dời trại heo đi nơi khác.