Đón xuân trên vùng kinh tế mới
Trước đây, ấp 2, xã Trần Hợi, thuộc Đội 2, Nông trường Quốc doanh U Minh. Sau khi nông trường giải thể, Đội 2 được sáp nhập vào xã Trần Hợi. Từ khi sáp nhập đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ấp 2 không ngừng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; hộ khá, giàu hơn 86%. Đó là kết quả sau hơn 30 năm nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của người dân chinh phục vùng đất mới.
Là một trong những người vào nông trường từ năm 1981, theo chính sách cải tạo vùng kinh tế mới, ông Đinh Văn Trác cùng vợ và các con bám trụ lại nơi đây cho đến ngày hôm nay. Ông cho biết: "Khi mới vào đây, bản thân tôi cũng như nhiều người khác ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ rất phấn khởi, do có điều kiện sản xuất, đất đai rộng rãi. Khổ một nỗi là lạ cảnh, lạ quê, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, tất cả mọi người gần như chỉ có hai bàn tay trắng. Điều kiện đi lại hết sức khó khăn, chủ yếu bằng xuồng, mà chúng tôi đâu có quen với việc chèo, chống nên di chuyển rất chậm chạp, thời gian rất lâu mọi người mới đi xuồng được".
Ông Trác nói, trước đây người dân ở các đội thuộc nông trường muốn đi Cà Mau phải ra nhà người quen ở dọc theo kinh xáng Cơi 5 ngủ nhờ để chờ đò. Từ đó ra Cà Mau phải mất một, hai ngày, kể cả đi và về, còn bây giờ muốn đi Cà Mau chỉ vài tiếng đồng hồ.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, cộng với tinh thần lao động cần cù nên hiện nay kinh tế người dân ngày càng phát triển, đời sống rất ổn định, sản xuất lúa hai vụ năng suất bình quân hơn năm tấn/ha, có nơi đạt sáu đến bảy tấn/ha. Ngoài sản xuất lúa, nông dân còn kết hợp với trồng hoa màu, cây ăn trái, nhất là mô hình đưa màu xuống ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại cây ăn trái được nông dân trồng cho năng suất, thu nhập cao như cam, quýt, mô hình nuôi cá đồng cũng phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi cá bổi thương phẩm.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở ấp 2, xã Trần Hợi đạt 30 triệu đồng/người/năm, 70% hộ gia đình xây dựng được nhà ở cơ bản, hơn 90% hộ được sử dụng điện và 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, hệ thống lộ giao thông nông thôn phủ kín các trục đường trong ấp.
Đời sống khá lên, việc học tập của con em được quan tâm, nhiều con em trong ấp đã thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Từ năm 2013 đến nay, ấp có 41 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.
Ông Đinh Văn Khôi đến nông trường lập nghiệp từ năm 1990. Gia đình có bốn người con thì có ba người tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp trung cấp; hiện tất cả bốn người con của ông Khôi đều có việc làm ổn định. Nói về suy nghĩ của mình đối với vùng đất này, ông Khôi cho biết: "Tôi thường dạy các con tôi, hãy coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình, bởi nhờ thiên nhiên ưu đãi, sự đùm bọc của mọi người nên gia đình mình mới có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay".
Người nặng tình với đất và đất cũng không phụ tình người. Trong tổng số 250 hộ với 1.050 khẩu của ấp 2 hiện nay, có 125 khá, giàu, số còn lại trung bình, không còn hộ nghèo.
Từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ấp 2 là một trong những ấp đi đầu của xã Trần Hợi. Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Tân Hưng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Trần Hợi, cho biết: "Thời gian qua, chi bộ và chính quyền ấp 2 thực hiện khá tốt việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, an ninh chính trị đảm bảo; phong trào xây dựng đời sống văn hoá phát triển mạnh.
Ông Huỳnh Tấn Ngọc, Bí thư Chi bộ ấp 2, nói: "Hằng năm chi bộ đều đề ra nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trước mắt dồn sức cho công tác xây dựng nông thôn mới, giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được để góp phần với xã Trần Hợi thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới theo kế hoạch".
150 hộ dân đi làm kinh tế mới trước đây đến ấp 2, xã Trần Hợi, hôm nay đã có cuộc sống sung túc để đón mùa xuân mới, mùa xuân của ấm no và hạnh phúc trên vùng đất mới đã hoá thành quê hương này.
Có thể bạn quan tâm
Có dịp trở lại quê hương của 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, với những con đường mới rộng thênh thang, những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân...
Năm 2011, Huyện ủy Thủ Thừa (Long An) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận. Đến nay, Hội Nông dân (ND) huyện đã phối hợp ngành nông nghiệp thực hiện tốt mô hình “Tổ giống xác nhận”, đạt hiệu quả trên 81% diện tích, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong những ngày này, ai có dịp về thăm vùng đất mới ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh mới thấy và cảm nhận hết niềm vui của người dân. Bởi nơi đây giờ có đường, có điện, diện mạo làng quê khởi sắc hẳn.