Dồn Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới
Trong năm 2015, huyện Tư Nghĩa đặt mục tiêu có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới (NTM). Do đó, huyện đang dồn sức để chuyển từ “mục tiêu” thành “hiện thực”.
Điểm sáng Nghĩa Lâm
Là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là “xã văn hóa”, nhờ đó, Nghĩa Lâm có được nền tảng vững chắc để xây dựng NTM. Ông Lê Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, cho biết: Cách đây ba năm, nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn chật hẹp, mùa mưa lầy lội, nhưng từ khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân tự nguyện chung tay, góp sức để bê tông các tuyến đường này. Nhờ đó, hơn 80% đường xã, thôn (hơn 16km) được mở rộng từ 3 - 5m, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Lãnh đạo xã Nghĩa Lâm xác định, mấu chốt của xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng NTM vẫn là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tốt hơn. Từ đó, xã đã tập trung nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.
Đó là, đưa các chủng loại cây ăn quả có giá trị vào trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hình thành nhiều mô hình chăn nuôi. Hộ nghèo được ưu tiên tiếp cận vốn vay ưu đãi. Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã phân công từng đoàn thể hướng dẫn hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cách làm ăn để thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/người/năm. Nghĩa Lâm là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện (khoảng 4%).
Đến nay, Nghĩa Lâm đã đạt được 15/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, trở thành đầu tàu trong xây dựng NTM của Tư Nghĩa. Cán bộ và nhân dân trong xã phấn đấu đến tháng 6.2015 sẽ đạt 19/19 tiêu chí NTM để trở thành xã đầu tiên của huyện Tư Nghĩa được công nhận là xã NTM.
Dồn sức xây dựng NTM
Từ khi thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của Tư Nghĩa đã có những bước chuyển tích cực, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, đồng ruộng đã được chỉnh trang. Máy cày, máy gặt, máy đập liên hợp xuống đồng cùng nhiều công trình dân sinh, mô hình sản xuất, thiết chế văn hóa xuất hiện đã tạo nên sự khởi sắc mới ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại do Trung ương và tỉnh chỉ tập trung đầu tư cho các xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên nên các xã còn lại gặp khó khăn do không bố trí nguồn vốn hoặc bố trí vốn không đáng kể, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM ở Tư Nghĩa. Vì vậy, bước vào năm 2015, huyện tiếp tục quyết tâm hơn nữa để dồn sức xây dựng NTM.
Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 3 xã đạt 15/19 tiêu chí NTM gồm: Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa, Nghĩa Lâm; sáu xã đạt 10 tiêu chí trở lên và còn lại bốn xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Huyện xác định, 3 xã đạt 15/19 tiêu chí phải phấn đấu được công nhận xã NTM chậm nhất vào tháng 12.2015. Riêng xã Nghĩa Lâm sẽ hoàn thành trước tháng 6.2015 để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Hiện nay, huyện đã phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM. Mỗi lãnh đạo UBND huyện phải đảm nhiệm từ 1 - 2 tiêu chí. Các tiêu chí thuộc ngành nào thì giao cho trưởng phòng của ngành đó đảm nhiệm. “Lấy đồ án quy hoạch NTM đã được phê duyệt làm tiền đề; lấy phát triển sản xuất làm gốc; lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực; lấy sự đồng thuận, góp sức của cộng đồng cư dân là bí quyết của thành công trong việc thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện”, ông Huỳnh Chánh-Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long vừa triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng bắp lai trên nền đất lúa kém hiệu quả” tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).
Hiện nay trên các trà lúa xuân tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An xuất hiện hơn 1000 ha lúa bị nhiễm vàng lá, tập trung chủ yếu ở Nam Đàn 350 ha, Diễn Châu gần 400 ha, Quỳnh Lưu trên 250 ha và nhiều huyện đồng bằng, một số xã thuộc huyện miền núi thấp.
Sáng 19-4, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP (Hà Tĩnh) tổ chức lễ khởi công Trung tâm Giống hươu Việt Nam tại huyện Hương Sơn. Dự án Trung tâm Giống hươu Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích gần 50 ha thuộc hai xã Sơn Quang và Sơn Lĩnh, trong đó: giai đoạn 1 (2015 - 2016) xây dựng trên diện tích 16 ha, có tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, với tổng đàn 1.000 con hươu giống; giai đoạn 2 (2016 - 2017) mở rộng khoảng 30 ha với khoảng 5.000 đến 10.000 con, gồm nuôi tập trung và nuôi liên kết hộ gia đình.
Gắn bó với nghề chăn nuôi gà từ những ngày đầu khi mới lập nghiệp, trải qua nhiều khó khăn, giờ đây anh Lê Văn Sỉ (38 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã trở thành chủ nhân của gia trại nuôi gà nòi Bến Tre. Mỗi năm, gia trại này cho anh Sỉ lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
NNVN từng phản ánh một nghịch lý: trong lúc gạo Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai, không xuất được sang Trung Quốc thì tại các cửa khẩu tỉnh Nghệ An, An Giang... trâu bò lậu, thậm chí cả chó lậu ùn ùn vào nội địa. Nay lại thêm chuyện lạ - gà Việt Nam sang Trung Quốc…