Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dồn Sức Chăm Gà Đồi Bán Tết

Dồn Sức Chăm Gà Đồi Bán Tết
Ngày đăng: 28/01/2015

Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, những hộ nuôi gà đồi ở xã Tân Khánh (Phú Bình - Thái Nguyên) đang dồn sức chăm sóc gà để bán cho khách.

Năm nay, người chăn nuôi nơi đây có niềm vui lớn bởi giống gà đồi đã được công nhận và bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giá bán gà cũng cao hơn nhiều so với năm trước.
Về Tân Khánh những ngày này, chúng tôi được hòa cùng không khí nhộn nhịp của những người chăn nuôi, từ việc cung ứng cám, thuốc thú y, chăm sóc cho đàn gà, rồi cảnh tập nập xe tải đến thu mua. Dọc trục đường từ xóm Hoàng Mai, qua Na Ri, xóm Tranh, Kê…trên những quả đồi bát úp là thấp thoáng chuồng trại lợp proximăng để che mưa nắng cho gà. Những con gà ri sắp đến ngày được xuất bán, lông vàng tươi, mượt mà chỉ nhìn thôi cũng đủ thích mắt.
Gần nửa tháng nay, vợ chồng ông Nguyễn Bá Thủy, ở xóm Tranh, xã Tân Khánh hầu như gác lại hết mọi việc đồng áng để tập trung chăm sóc đàn gà. Trong khu vườn rộng hơn 2ha, gia đình ông Thủy đang nuôi 5.000 con gà ri lai cải tiến, trong đó có 3.500 con sẽ được xuất bán trước Tết.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là khu chăn nuôi của gia đình ông rất sạch sẽ, không hề có mùi hôi, hệ thống máng ăn của gà và nước uống được bố trí một cách khoa học. Đây đúng loại gà đồi “chuẩn” bởi đàn gà được thả rông trên một khu đồi thoải, thậm chí còn đậu kín trên những gốc vải thấp.
Cũng bởi thả rông nên gà rất nhát, thấy người là chạy toán loạn. Ông Thủy bảo: “Nuôi gà đồi vất vả như nuôi con mọn vậy, nhất là khoảng thời gian từ khi nhập giống về đến 1 tháng tuổi. Lúc này, chúng tôi phải nuôi nhốt, tiêm phòng và cho uống vắc xin đầy đủ, thức ăn cũng được cung cấp thường xuyên. Qua giai đoạn này, gà được chăn thả ngoài vườn và chỉ nhốt lại vào buổi tối. Giống gà ri này có muốn nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp cũng không được bởi chúng sẽ mổ nhau.
Trung bình, thời gian nuôi một lứa gà từ 110 - 120 ngày là được xuất bán, riêng lứa gà Tết gia đình ông nuôi thêm hơn chục ngày để gà đẹp mã và chắc thịt hơn. Ông Thủy phấn khởi: Gà năm nay được giá, bán cũng rất thuận lợi. Với giá bình quân khoảng 75 nghìn đồng/kg, lứa gà này gia đình tôi thu lãi ít nhất là 150 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Đức Khu, ở xóm Kê cũng có khoảng 1.000 con gà được bán trong dịp này. Anh Khu bảo: Gia đình tôi thuộc diện nuôi ít, chứ nhiều nhà nuôi đến 3.000 đến 4.000 con.
Cả xóm Kê có 60 nóc nhà thì hơn 50 gia đình nuôi gà. Các cụ có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, riêng với nhiều hộ chăn nuôi ở Tân Khánh thì “đầu cơ nghiệp” lại là con gà. Thương hiệu gà đồi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận vừa là niềm tự hào, cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người chăn nuôi.
Chính vì vậy, người dân rất có ý thức giữ gìn và bảo vệ thương hiệu. Theo anh Khu thì yếu tố quan trọng nhất là giữ được chất lượng gà đã có tiếng lâu nay. Vì vậy, hầu hết các gia đình đều tuân thủ nghiêm quy trình nuôi: Chăn thả chứ không nuôi nhốt, thời gian nuôi tối thiểu từ 3,5 đến 4 tháng, mỗi ngày chăn 3 lần chứ không đổ cám cho gà thường xuyên theo kiểu vỗ béo…
Ngoài ra, với trường hợp gà bị bệnh, các hộ chăn nuôi cũng tuân thủ đúng thời gian quy định sau khi tiêm hoặc uống thuốc rồi mới xuất bán. Khi chúng tôi đến, gia đình anh Khu vừa xuất bán được 500 con gà, trọng lượng trung bình từ 1,8 - 2kg với giá 74 nghìn đồng/kg.
Số liệu thống kê của UBND xã Tân Khánh cho thấy, toàn xã có 78 trang trại chăn nuôi tổng hợp được công nhận (chủ yếu là nuôi gà), số gia trại và chăn nuôi quy mô gia đình (từ 500 đến 1.000 con gà) còn lớn hơn nhiều. Tổng đàn gà thả vườn của xã hiện khoảng 200 nghìn con, với 4 giống gà chính là: Gà ri thuần, Dabaco, gà ta Hà Tây và Vạn Phúc. Ông Dương Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Từ tháng 4-2014 đến nay, giá gà có chiều hướng tăng và ổn định, chăn nuôi có lãi nên bà con đều rất phấn khởi.
Nắm được nhu cầu tiêu thụ gà tăng cao dịp Tết, nhiều hộ đã tập trung cải tạo chuồng trại và nhập gà giống từ cách đây khoảng 4 tháng để kịp xuất bán trước Tết. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi nên chất lượng gà tốt, được thương lái đánh giá cao. Không chỉ bà con nông dân, bản thân tôi và nhiều đồng chí cán bộ xã ngoài giờ hành chính cũng tích cực chăn nuôi gà để có thêm thu nhập.
Theo ông Dương Văn Chung, việc được công nhận nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Phú Bình” là sự ghi nhận chất lượng, đồng thời động viên, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Xã Tân Khánh cũng rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển thương hiệu gà đồi. Riêng trong năm 2014, địa phương đã phối hợp tổ chức được 7 lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn, sử dụng thuốc thú y và quản lý thương hiệu.
Xã đã hoàn thành việc xây dựng Đề án giữ gìn và phục tráng giống gà ri thuần chủng của địa phương có chất lượng thơm ngon. Đồng thời đề nghị cấp trên và phối hợp với các doanh nghiệp thành lập các tổ, nhóm chăn nuôi gà giống chuẩn để cung cấp cho bà con. Trong năm 2015 này, xã sẽ thành lập 2 hợp tác xã chăn nuôi ở xóm Đồng Hòa và Đồng Bẫu, chủ yếu phát triển các mô hình chăn nuôi gà đồi.
Thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã được công nhận, ý thức và trách nhiệm từ phía người dân cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương nên chăn nuôi gà đồi đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở Tân Khánh nói riêng và Phú Bình nói chung, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này.


Có thể bạn quan tâm

Vì Sao Gia Súc Vẫn Chết Rét Nhiều Vì Sao Gia Súc Vẫn Chết Rét Nhiều

Trong mấy ngày rét đậm, rét hại vừa qua, những ai có dịp lên các xã vùng cao của huyện Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) đều cảm thấy xót xa khi chứng kiến cảnh người dân mổ thịt gia súc bị chết rét bán bên cạnh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Câu hỏi đặt ra, vì sao các cấp, các ngành tích cực vào cuộc vận động nhân dân phòng, chống rét cho gia súc, nhưng vẫn xảy ra tình trạng gia súc chết nhiều.

23/02/2014
Du Nhập Và Nuôi Thích Nghi Gà Đông Tảo Tại Bến Tre Du Nhập Và Nuôi Thích Nghi Gà Đông Tảo Tại Bến Tre

Nhằm đa dạng hóa các loại gia cầm, đồng thời bảo tồn giống gà quý hiếm, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Bến Tre (nay là Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao) đã chủ trì thực hiện đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại Bến Tre”.

20/03/2014
Cao Lãnh (Đồng Tháp) Sản Xuất Rau Màu Trên Ruộng Lúa Trong Mùa Khô Cao Lãnh (Đồng Tháp) Sản Xuất Rau Màu Trên Ruộng Lúa Trong Mùa Khô

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích, những năm qua, chính quyền các địa phương ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tích cực vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng thay thế cho vụ lúa hè thu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

20/03/2014
Ngựa Bạch “Ông Hoàn” Ngựa Bạch “Ông Hoàn”

Nhờ nuôi ngựa bạch, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn thôn 3, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có thu nhập ổn định từ 70 đến 90 triệu đồng/năm.

23/02/2014
Cần Thơ Tổ Chức Trình Diễn San Phẳng Mặt Ruộng Bằng Máy Làm Đất Sử Dụng Công Nghệ Laser Cần Thơ Tổ Chức Trình Diễn San Phẳng Mặt Ruộng Bằng Máy Làm Đất Sử Dụng Công Nghệ Laser

Ngày 18-3-2014, tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã diễn ra lễ bàn giao 3 máy làm đất sử dụng công nghệ laser và trình diễn san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức.

20/03/2014