Đối phó hạn, mặn giảm làm lúa - tôm, tăng nuôi thủy sản
Theo số liệu dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm 2015 - 2016 có mặn xâm nhập sớm và cao hơn cùng kỳ. Trên sông Cái Lớn tại Xẻo Rô độ mặn là 15,8g/l, tăng 4,8g/l; tại Gò Quao là 5,2g/l, tăng 2,2g/l so cùng kỳ năm trước đó. Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục gia tăng cho đến hết tháng 5.2016 từ 9 -22g/l trên sông Cái Lớn, Cái Bé, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của các huyện vùng U Minh Thượng.
Thực tế tại huyện có diện tích lúa mùa thiệt hại nhiều nhất vừa qua là An Minh, ông Trần Văn Út - cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật UBND xã Vân Khánh đo thấy độ mặn trên kênh Chợ, đoạn gần giao nhau với kênh Chống Mỹ hiện là 31‰.
Ông Trần Văn Út cho biết, cây lúa chỉ có thể sống được và sinh trưởng tốt khi độ mặn dưới 5‰. Còn bà Trương Thị Anh Đào - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện An Minh cho biết, đối với con tôm thì độ mặn chịu được cũng phải dưới 30‰. “Hiện huyện đang theo dõi sát sao tình hình hạn, mặn để có hướng chỉ đạo sản xuất kịp thời, tránh thiệt hại cho người dân” - bà Anh Đào thông tin.
Sở NNPTNT Kiên Giang đã có khuyến cáo lịch thời vụ để các địa phương và nông dân nắm rõ. Đối vụ hè thu, các huyện vùng U Minh Thượng gieo sạ đợt 2 từ ngày 1- 30.6; vụ thu đông thì gieo sạ từ ngày 10 - 25.7. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã đồng ý cho trung tâm giống nông lâm ngư nghiệp tạm ứng tiền để mua 680 tấn lúa giống chủ động hỗ trợ nông dân sản xuất vụ hè thu và thu đông năm 2016 cho nông dân.
“Năm nay làm sao phải bố trí giống ngắn ngày, 90-95 ngày. Bởi vì năm nay nắng hạn kéo dài như thế thì lịch thời vụ sẽ muộn hơn, nếu không bố trí giống ngắn ngày sẽ kéo dài vụ lúa ra thì đến vụ sau sẽ bị thiệt hại. Một số vùng phải khuyến cáo người dân gieo sạ giống chịu được mặn để hạn chế thiệt hại”- ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.
Bà Trương Thị Anh Đào cho biết, hiện huyện An Minh đang có sự dịch chuyển theo hướng giảm diện tích tôm - lúa, tăng diện tích chuyên canh thủy sản do một số diện tích tôm - lúa giáp với vùng chuyên canh thủy sản giờ đã khó trồng hoặc không thể trồng được lúa.
“Sắp tới huyện sẽ lấy phiếu ý kiến bà con nông dân ở những vùng đang chuyển dịch này để họ tự quyết định nên hay không nên chuyển diện tích 6.000ha tôm - lúa sang chuyên canh thủy sản. Nông dân là người trực tiếp sản xuất nên họ hiểu rất rõ đất của mình trồng được cây gì, nuôi được con gì” - bà Đào nói.
Ở huyện An Biên, theo ông Ngô Trấn Hỷ - Trưởng phòng NNPTNT huyện cho hay, huyện hiện không chủ động được nguồn nước sản xuất, nuôi trồng, mà chỉ trông chờ vào mưa xuống. Bờ Đông của huyện có diện tích hơn 12.200ha đang sản xuất 2 vụ lúa được huyện linh hoạt trong chỉ đạo cũng như khuyến cáo bà con trong sản xuất để ứng phó với hạn mặn.
“Hiện huyện đang theo dõi sát sao thời tiết để nếu nắng hạn, mặn kéo dài sẽ khuyến cáo bà con trong “vùng linh hoạt” này không gieo sạ hoặc chuyển 1 phần sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa tùy tình hình. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thí điểm 1 vụ tôm - 1 vụ lúa ở một số khu vực ven sông Cái Lớn.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp với số vốn chỉ vài triệu đồng nhờ làm phụ hồ, sau 6 năm chàng sinh viên nghèo Đoàn Phan Dinh đã sở hữu trang trại heo rừng có tổng giá trị cả tỷ đồng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, nhiều thị trường chính của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines… đã rút lại kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới khiến gạo Việt lỡ nhiều hợp đồng lớn.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) vừa phối hợp với đại diện các địa phương tổ chức hội thảo khởi động dự án thúc đẩy thành lập và nâng cao năng lực cho Hội Chủ rừng Việt Nam.