Đồi chè nghèo kiệt hóa trang trại vàng
Quyết định “chia tay” 3ha chè để chuyển sang làm mô hình vườn – ao – chuồng (VAC), anh Lưu Văn Phương (42 tuổi, ở xóm Lũng 1, xã Phú Lạc, Đại Từ, Thái Nguyên) đã thoát cảnh nghèo, xây được nhà mới, thậm chí còn tậu được chiếc xe tải để làm dịch vụ vận chuyển cho bà con.
Anh Phương cho biết anh là con út trong gia đình có 5 anh chị em, quê gốc tại Nam Định. Từ năm 1960, cả gia đình anh đã lên đất Đại Từ để khai hoang, phát triển kinh tế. Cách đây hơn chục năm, đường vào xóm Lũng 1 vẫn là đường đất chằng chịt ổ gà, ổ voi, đi lại rất khó khăn. “Hồi đó, hễ trời mưa là chỉ còn cách xách dép lần về nhà, ôtô không thể đi nổi nên nông dân làm ra cây, con gì cũng chẳng có người đến mua. Kinh tế tự cung tự cấp nên chậm phát triển” – anh Phương kể.
Trong ảnh: Vài năm trước, ao cá này chỉ là những vạt chè cằn cỗi, năng suất thấp. Ảnh: Việt Trinh
Phải đến năm 2007, khi có dự án làm đường giao thông liên xã xuyên qua xóm Lũng 1, anh Phương mới có cơ hội thực hiện những dự định của mình. Anh cho biết: “Trước đây, ngoài trồng 3ha chè, tôi còn làm thêm nghề lái máy xúc. Năm 2010, khi san đất cho ông Nguyễn Văn Định (xóm 11, xã Tân Ninh) để làm trang trại nuôi lợn, ý tưởng biến đồi chè của gia đình thành trang trại tổng hợp đã chợt lóe lên trong đầu tôi. Sau vài đêm suy nghĩ, tôi quyết định san ủi đồi chè để xây dựng trang trại”.
Giờ đây, với 1ha ao cá, mỗi năm gia đình anh thu hoạch 13 tấn cá rô phi, cá trôi, cá trắm, mè…, thu về hơn 500 triệu đồng. Cách đây vài năm, những ao nuôi cá của bà con trong xã bị bệnh gần như mất trắng, riêng trang trại của gia đình anh vẫn bình an vô sự. Hỏi về kinh nghiệm nuôi cá, anh Phương chia sẻ: “Tôi không ham lợi ích trước mắt mà đầu tư bền vững, luôn chọn cây, con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Trước khi thả nuôi cá cần tiêu trùng, khử độc ao nuôi. Trong quá trình nuôi, thường xuyên thay nước và thu dọn thức ăn thừa, đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch, cá nhanh lớn và ít bệnh tật”.
Hiện anh Phương đã mở rộng diện tích trang trại lên hơn 4ha, gồm 1ha ao cá, gần 3ha đất rừng trồng keo và chè. Ngoài ra anh còn thường xuyên nuôi từ 100 – 150 con lợn thịt/lứa, thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì nghề lái máy xúc và đầu tư thêm 1 chiếc xe tải làm dịch vụ chuyên chở cho bà con. Tính tổng các khoản, mỗi năm gia đình anh bỏ túi tới 1,2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.
Anh Phương chia sẻ: “Quan điểm của tôi là chỉ khi có nơi tiêu thụ mới đầu tư. Cụ thể, đối với con cá và lợn, tôi liên kết với hệ thống các nhà hàng ở TP.Thái Nguyên, các thương lái và ký cam kết thu mua theo giá thị trường; với cây chè, tôi liên kết với các cơ sở chế biến, nhờ đó nông sản làm ra lúc nào cũng tiêu thụ tốt, không lo được mùa mất giá”.
Khi hỏi về những dự định trong tương lai, anh Phương cho biết sắp tới sẽ cải tạo vườn chè và chăm sóc theo quy trình VietGAP, mở rộng hồ nuôi cá, đầu tư thêm hệ thống sục khí và quạt gió để khai thác tối đa diện tích ao nuôi, đồng thời xây thêm một dãy chuồng để nuôi 250 con lợn thịt/lứa.
Có thể bạn quan tâm
Trước mùa giá rét, nông dân các địa phương ở huyện Thanh Chương triển khai các biện pháp tích trữ thức ăn chăn nuôi, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc
Từ những đôi bàn tay đảm đang, nhiều mô hình kinh tế, cách làm hay được chị em phụ nữ vùng Cao nguyên truyền nhau nhân rộng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả
Chè Hà Giang, mật ong Bạc hà Hà Giang, thịt bò Vàng Cao nguyên đá, hồng không hạt Hà Giang và đặc biệt là cam sành Hà Giang..., đã trở nên rất nổi tiếng.