Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì
Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.
Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.
Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.
“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.
Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.
Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.
“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.
Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.
“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 - 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.
Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.
Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.
Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.
Có thể bạn quan tâm
Là nông dân nhưng chẳng chút “chân lấm tay bùn”, cả ngày chỉ mỗi việc “đo đo, ấn ấn”- “Sự lạ” đó đang diễn ra hàng ngày tại VinEco - nông trường “siêu hiện đại” bậc nhất Việt Nam.
Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.
Mặc dù, đang giữa mùa mưa nhưng người dân tại nhiều địa phương các tỉnh Tây Nguyên lại đua nhau khoan giếng để... chống hạn.