Độc đáo nông cụ 3 trong 1
Với tính năng tiện ích "3 trong 1", chiếc máy trang, trạc, khoan đường nước là nông cụ hỗ trợ thiết thực cho nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ.
Máy xới đất chạy tốt trên ruộng nước.
Đó là chiếc máy do anh Huỳnh Thanh Phương ở ấp Bình Lợi, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, An Giang chế tạo. Anh Huỳnh Thanh Phương cho biết: “Đất có nước thì khoan rất êm, không nước vẫn khoan được. Khi mà trang, trạc rồi khoan thì nó rút đường nước ở đó sạch luôn. Mình sạ lúa giống, rút nước xong là nó khô luôn nên bà con khỏi đụng tay vô, khỏi cào, khỏi sửa gì hết”.
Máy có chiều dài 3m; chiều ngang 1,6m gồm 1 máy dầu điều khiển động cơ chạy trên ruộng; 2 bánh lồng sắt; 1 ống khoan; 1 tấm sắt vừa trang vừa trạc đất dài 7m. Hầu hết các thiết bị đều do anh Phương tự nghiên cứu thiết kế theo kiểu dáng độc quyền.
Ngoài tính năng trang, trạc đất tính độc đáo của chiếc máy này là giàn khoan đường nước, đây là chức năng quan trọng nhất thay thế sức người, rút ngắn thời gian đào đường thoát nước bằng tay trước khi gieo sạ.
“Cây khoan đặt ở sau để khi trạc thì rút nó lên còn khoan thì hạ nó xuống cho gọn… Một máy có thể sử dụng được hai, ba việc”, anh Phương cho biết thêm.
Rất nhanh chóng và hiệu quả, 1 giờ máy có thể trang, trạc rồi khoan khoảng 150 tầm đất, mỗi tầm dài 3m thay vì phải cần 2 lao động đào bằng tay mới có thể hoàn thành trong 2 ngày.
Máy trang, trạc, khoan đường nước.
Ưu điểm của máy là khoan đều, đẹp, thẳng hàng, đất không bị vùi lấp, độ sâu đường khoan khoảng 30 cm, ngang 22 cm, giá tiền công khoan thuê cho nông dân mỗi tầm chỉ tốn 3.000 đồng.
Nói về tính tiện ích và hiệu quả kinh tế của chiếc máy anh Phương chia sẻ: “Một người làm hai ngày mới được 100 tầm, móc cho sạch nước để xả ra, còn chiếc máy này tôi chạy chưa đầy 1 tiếng đồng hồ là được 100 tầm, tiền công ít hơn. Nếu mướn người làm 2 ngày tiền công ít nhất cũng 500 ngàn đồng, còn dùng cái máy này chỉ tốn hơn 200 ngàn”.
Tùy vào thiết bị khoan ben thủy lực tự động hay thiết bị khoan tay mà máy có giá bán từ 30 - 35 triệu đồng. Hiện nông cụ sáng tạo của anh Huỳnh Thanh Phương được nông dân trồng lúa ở các cánh đồng lớn ưa chuộng vì vừa tiết kiệm chi phí canh tác, vừa ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.
Có thể bạn quan tâm
Làm gì chớ nuôi trùn quế bây giờ sướng lắm. Chỉ cần đổ phân bò vào chuồng cho trùn ăn rồi nghỉ đi chơi, 2 tháng sau mới phải đảo phân.
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 6 vũ hóa rộ và đẻ trứng.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc