Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Dốc cơ nghiệp tạo thương hiệu Lợn sạch Tân Yên

Dốc cơ nghiệp tạo thương hiệu Lợn sạch Tân Yên
Tác giả: Trần Dũng
Ngày đăng: 21/01/2017

Khi cả xã chưa ai nuôi lợn sạch, ông Ngô Xuân Lương đã tiên phong dốc vét cơ nghiệp đổ vào ý tưởng mới. Không ngại khó, ông tận tụy vận động, liên kết bà con nông dân tham gia xây dựng thương hiệu “Lợn sạch Tân Yên”.

Trong ảnh: Cận cảnh lợn sạch Tân Yên – một sản phẩm sạch đang gian nan tìm đầu ra. Ảnh: T.D

Dấn thân tiên phong

Vào tháng 5.2015, những thành viên Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên (huyện Tân Yên, Bắc Giang) vô cùng vui mừng bởi nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận.

Phía sau niềm tự hào lớn lao, có sự vất vả lặng thầm xây dựng của ông Ngô Xuân Lương (ảnh) - Chủ tịch Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên. Ông Lương vốn là cán bộ thú y xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên). Ông cũng là một doanh nhân giàu kinh nghiệm kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Cuối năm 2012, ông Lương dừng công việc kinh doanh bởi khách hàng nợ đọng nhiều. Qua công tác thống kê chuyên môn, nhận thấy số lượng hộ nuôi lợn ở địa phương giảm mạnh, ông quyết định dấn thân vào nghiệp chăn nuôi. Bài toán “nuôi ra sao để hiệu quả?” được đặt ra. Khảo sát các trại nuôi lợn, vị cán bộ thú y xã Ngọc Châu nảy ra ý tưởng: “nuôi lợn sạch”.

“Ngành chăn nuôi tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, sản phẩm bẩn nguy hại sức khỏe. Công tác chuyên môn và kinh doanh cho tôi nhận thấy hướng đi mới tiềm năng về chăn nuôi sạch” - ông Lương hồi tưởng. Vậy là, khi cả xã Ngọc Châu chưa có ai nuôi lợn sạch, ông Lương đã dấn thân, dốc vét cơ nghiệp đổ hơn 3 tỷ đồng vào ý tưởng mới.

Ông mua 1ha đất, xây dựng trại nuôi hiện đại với 3 phân khu: Nuôi lợn nái, lợn đẻ, và thương phẩm. Quy trình chăn nuôi sạch được ông xây dựng, áp dụng dựa vào tài liệu, kinh nghiệm học tập từ các công ty chăn nuôi uy tín. Từ đó, ông  nuôi 100 lợn sinh sản và hàng trăm lợn thương phẩm theo quy trình “chăn nuôi sạch”.

Năm 2014, xuất phát từ thế mạnh ngành chăn nuôi ở địa phương, UBND huyện Tân Yên đã xúc tiến thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên. Với việc làm điển hình, ông Ngô Xuân Lương được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội (nhiệm kỳ 2014-2019). Gánh vác trọng trách, ông Lương tận tụy vận động, quy tụ hàng chục hộ nuôi tham gia phong trào xây dựng thương hiệu lợn sạch quê hương.

Gần 3 năm ra đời, Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên phát triển với 54 hội viên. Các hộ tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi sạch, bảo vệ môi trường, đoàn kết hỗ trợ cùng phát triển. 100% các trại lợn thuộc Hội có hầm biogas xử lý chất thải, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi sạch. Tổng đàn lợn của Hội hiện gần 17.000 con (gần 2.000 lợn nái sinh sản), tổng giá trị ước đạt gần 200 tỷ đồng.

Lập hợp tác xã theo tiêu chuẩn VietGAP

Xây dựng được phong trào nuôi lợn sạch đạt thắng lợi bước đầu, Chủ tịch Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên lại đối mặt với khó khăn tiêu thụ sản phẩm. Không đầu hàng, thêm một lần con người nhiệt tâm nảy ý tưởng mới thành lập hợp tác xã chăn nuôi, giết mổ khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Ý tưởng đã thuyết phục được lãnh đạo UBND huyện Tân Yên ủng hộ. Tháng 10.2016, Hợp tác xã chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên (gọi tắt HTX Tân Yên-PV) với Chủ tịch Hội đồng quản trị “họ Ngô” ra đời.

Tâm huyết của ông Ngô Xuân Lương đã thấm tỏa vào người con rể vốn là kỹ sư công nghệ thông tin. Năm 2012, anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, con rể ông Lương) đã nghỉ việc ở Hà Nội về Bắc Giang chung tay cùng bố vợ xây dựng thương hiệu lợn sạch Tân Yên.

Ông Lương kể: “Hợp tác xã được thành lập với 8 hội viên, vốn điều lệ là 1,8 tỷ đồng. Mục đích là xây dựng chuỗi trại chăn nuôi, lò mổ và cửa hàng bán sản phẩm sạch theo quy trình khép kín. HTX Tân Yên vừa sản xuất vừa trực tiếp bán sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng. Khó khăn, nhưng không làm người tiêu dùng không thể biết được đâu là lợn sạch”.

Hiện nay, HTX Tân Yên nuôi 1.000 lợn thịt, và hơn 400 lợn nái. Quy trình chăn nuôi được thực hiện, giám sát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Xuân Lương phân tích: “Các hộ nuôi đều phải có hệ thống xử lý nước thải, xây chuồng hiện đại thường xuyên phun men vi sinh vật có ích; trang bị quạt gió, giàn làm mát, đèn sưởi để điều chỉnh nhiệt độ theo mùa. Nguồn lợn giống, thức ăn được nhập từ công ty uy tín, có sự cam kết trách nhiệm rõ ràng”.

“Nước uống từ giếng khoan sâu, có xét nghiệm asen, chì, đạt chuẩn sạch mới được sử dụng. Quá trình chăm sóc có nhật ký theo dõi rõ ràng từng di biến. Sau 5,5 – 6 tháng lợn đạt 130-150kg mới thịt bán. 4 tháng đầu, lợn được cho ăn một loại cám không tồn dư kháng sinh. Trước khi thịt bán 1-1,5 tháng chỉ cho ăn thức ăn hữu cơ...” - ông Lương tiếp lời. 

Được nuôi, chế biến và bán theo quy trình sạch, vậy mà thịt lợn sạch của HTX Tân Yên cạnh tranh khó khăn trên thị trường. “So với lợn thường, thịt lợn của HTX chênh từ 5.000-8.000 đồng/kg, không quá cao nhưng tình hình buôn bán vẫn khó khăn. Mỗi ngày HTX bán được 1-2 con, thỉnh thoảng mới có ngày bán được 3-4 con” - ông Lương trăn trở.


Có thể bạn quan tâm

Lão nông làm máy cào rơm, xóm làng vừa khỏe vừa sạch Lão nông làm máy cào rơm, xóm làng vừa khỏe vừa sạch

Xuất thân từ nông dân, chưa qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí, thế nhưng lão nông Trần Đức Mạnh đã sáng chế ra một chiếc máy cào rơm

21/01/2017
Chanh không hạt - “cây thoát nghèo” ở Hậu Giang Chanh không hạt - “cây thoát nghèo” ở Hậu Giang

Cây cho trái quanh năm với năng suất 40-50kg/năm, giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg. Nhờ đó, loại cây này đã và đang giúp nhiều nông dân thoát nghèo

21/01/2017
Nhà giàu, thôn đẹp từ công trình của hội Nhà giàu, thôn đẹp từ công trình của hội

Các chi hội đã tích cực vận động, thuyết phục hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả ấn tượng

21/01/2017