Doanh Nghiệp Thủy Sản Khó Khăn Chồng Chất
Theo một số Giám đốc DN thủy sản: Chưa có năm nào như năm nay, các doanh nghiệp thủy sản (DNTS) gặp cảnh khó khăn trăm bề. Qua hơn 3 tháng đầu năm, tình hình thiếu nguyên liệu tái diễn như đã từng xảy ra, nhưng mức độ trầm trọng hơn.
Thiếu nguyên liệu, thiếu vốn
Ở ĐBSCL, XK thủy sản chủ yếu là tôm và cá tra. Mấy năm gần đây, khi các nhà máy TS mọc lên nhiều thêm, tình hình cung ứng nguyên liệu TS trở nên bất cập. Ở vùng nuôi cá tra chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và nông dân nuôi cá. Song, nguy kịch lúc này là ở khu vực bán đảo Cà Mau – nơi tập trung nhiều DNTS chế biến tôm XK thường xuyên đau đầu trước thực trạng thiếu nguyên liệu triền miên.
Đặc biệt từ năm 2011 báo động dịch bệnh tôm xảy ra, tôm chết hoành hành dữ dội khu vực bán đảo Cà Mau, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ở Sóc Trăng – tỉnh có diện tích vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh qui mô công nghiệp lớn nhất vùng. Nguồn tôm nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng. Các nhà khoa học đã vào cuộc tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Thế nhưng cho đến nay, khó khăn trên vùng nuôi tôm vẫn chưa được chặn đứng. Vào vụ tôm 2012, một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hiện tượng tôm bệnh chết tiếp tục xảy ra. Trong đó có nguyên nhân do thời tiết thay đổi; người nuôi tôm không tuân thủ khuyến cáo kỹ thuật và cách sử dụng thuốc thú y nên dẫn tới môi trường bị ảnh hưởng xấu.
Hiện nay chính quyền và các cơ quan chuyên môn các tỉnh có vùng nuôi tôm đặc biệt quan tâm, vào cuộc cùng nông dân tìm cách gỡ khó cho vùng muôi tôm, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy. Ở Sóc Trăng nông dân tiếp tục thử nghiệm nhiều mô hình nuôi tôm không dùng thuốc diệt giáp xác, chuyển một phần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó tại Cà Mau có vùng nuôi tôm quảng canh lớn nhất nước 265.000 ha, đang triển khai các mô hình thâm canh lúa - tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng hơn 10.000 ha vùng nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, tôm vẫn bệnh chết. Người dân nuôi tôm đổ cho thời tiết thay đổi bất thường. Riêng vùng nuôi tôm công nghiệp bị chết hơn 50%.
Tình hình khó khăn thiếu nguyên liệu chưa dứt, một số DNTS ở Cà Mau còn lâm vào cảnh nợ nần, thiếu vốn sản xuất. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm XK. Song, do khó khăn về nguyên liệu và gặp khó về vốn nên hiện chỉ có khoảng 40% nhà máy làm ăn hiệu quả; có 30% DN đang khó khăn và có nguy cơ phá sản. Số các DN đang hoạt động công suất chưa đạt tới 50%. Hệ quả này làm cho hơn 40.000 công nhân phải giãn ca, nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút và nguy cơ mất việc làm.
Tăng trưởng nóng
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp chế biến TS ở ĐBSCL có bước tăng trưởng nhanh. Chỉ trong 6-7 năm, nhà máy TS mọc lên với mật độ dày. Trong khi nguồn nguyên liệu TS trong vùng chưa thể đáp ứng kịp.
Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL hiện có 193 nhà máy TS với tổng công suất trên 1,2 triệu tấn/năm, so với năm 2003 số nhà máy tăng nhiều gấp 2,3 lần và tổng công suất tăng gấp 2,7 lần. Ở Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang có số nhà máy chiếm trên 53% tổng số nhà máy TS trong vùng. Do phát triển quá nhanh, nguồn nguyên liệu có hạn nên dẫn tới tình trạng các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu triền miên.
Năm 2003 ĐBSCL có 83 nhà máy, tổng công suất 444.464 tấn/năm nhưng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến thực tế chỉ 222.569 tấn, đạt 50,1%. Những năm sau đó, 193 nhà máy TS luôn thiếu hụt nguyên liệu, tổng công suất chế biến thực tế của các nhà máy chỉ đạt từ 51,7 - 58,6% so công suất thiết kế. Trong khi đến năm 2010, sản lượng nguyên liệu TS cung cho các nhà máy chế biến ước tính tối đa khoảng 750.000 tấn, đáp ứng 62% công suất thiết kế của các nhà máy. Theo qui hoạch của Bộ NN-PTNT đến năm 2015 sản lượng TS vùng ĐBSCL là 1 triệu tấn/năm, như vậy vẫn còn thấp hơn 200.000 tấn so với tổng công suất thiết kế của các nhà máy TS hiện có trong vùng.
Cùng với thực trạng đầu tư nóng và bất cập nguyên liệu, các nhà máy TS còn gặp khó về vốn vay. Tình hình tài chính kinh tế thế giới khủng hoảng, trong nước thực hiện chủ trương Chính phủ kiềm chế lạm phát, tài chính thắt chặt. Khi lãi suất ngân hàng tăng lên, trong khi hiệu quả kinh doanh kém khiến cho tình hình tài chính DN ngày càng xấu thêm. Mặt khác, một số DN cho biết XK hàng TS gặp kiểm soát kháng sinh gắt gao. Một số DN bị trả hàng về khiến cho DN vốn đã khó lại lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ.
Theo ông Lực, sản phẩm TS trên thị trường XK bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Để vươn lên tầm một quốc gia XK TS mạnh đòi hỏi có một hệ thống nhà máy chế biến TS tốt, sản phẩm uy tín.
Tại Cần Thơ, từ sau vụ Cty An Khang phá sản năm 2011 và mới đây Cty CP TS Bình An (Bianfishco) vỡ nợ, các ngân hàng thương mại bắt đầu thắt chặt tín dụng đối với nhiều DNTS có dấu hiệu tài chính kinh doanh không tốt. Một cán bộ KCN&Chế xuất Cần Thơ cho biết, hiện nay trong 20 DNTS trong các KCN có 10 DN làm ăn có hiệu quả, 5 DN duy trì hoạt động bình thường và 5 DN đang gặp khó khăn về tài chính. Trong 5 DN gặp khó khăn đó có khoảng 7.000 công nhân. Các DN này đang có những nỗ lực lấy lại uy tín với ngân hàng bằng cách chuyển đổi chủ sở hữu hoặc chuyển nhượng một số tài sản trả nợ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) nhận định: “Thực trạng tôm Việt Nam sản xuất nhỏ, manh mún. Trong khi kinh doanh là cuộc đua đường dài. Trong năm 2012 nhiều DNTS nhận thấy cơ hội đan xen thách thức. Nhưng với DN nào có nguồn tài chính dồi dào, nguồn lực mạnh sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Có thể bạn quan tâm
Theo ước tính, mỗi năm ngành chè Việt Nam tự làm mình thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng. Sử dụng thuốc BVTV chưa an toàn là một trong những nguyên nhân mang tính cốt tử, ảnh hưởng lớn nhất đến thực trạng này.
Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản đã và đang được xã hội quan tâm, nhất là người tiêu dùng. Trong đó rau ăn lá, củ, rau gia vị là thế mạnh của tỉnh với sản lượng khá lớn, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.
Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.
Trước tình hình khó khăn đầu ra của các loại hàng hóa nông sản, nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã chịu khó suy nghĩ, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ hơn về thị trường để tổ chức sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, trồng cam xoàn là một thí dụ điển hình.