Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Doanh nghiệp chạy đi đâu không biết, dân chết đứng vì ớt

Doanh nghiệp chạy đi đâu không biết, dân chết đứng vì ớt
Tác giả: Cảnh Thắng
Ngày đăng: 09/03/2016

Trắng tay vì ớt

Vào năm 2014, Hội Nông dân huyện Anh Sơn có triển khai ký hợp đồng với Công ty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) để triển khai trồng mới hơn 8ha ớt cao sản ở xã Tường Sơn và xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Theo cam kết, khi ớt đến ngày thu hoạch, Nafoods sẽ bao tiêu hết sản phẩm, khiến nhiều nông dân ở xã Tường Sơn và Hoa Sơn có một vụ mùa thắng lớn.

Ông Nguyễn Hồng Phi- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: “Khi đó, phía Công ty Nafoods thu mua và trả giá cho bà con rất cao tới 5,5 triệu đồng/tấn, chúng tôi khi đó rất vui mừng vì trồng cây ớt cho năng suất cao và giá cao hơn đối với trồng cây khác... Bước sang năm nay, chúng tôi không bán cho Nafoods nữa, mà ký hợp đồng với công ty khác giá cao hơn, nhưng khi thu hoạch phía công ty này lại không thu mua cho bà con, khiến nông dân quá bất ngờ với đối tác mới này...”.  

Sau vụ thu hoạch 2014 thắng lợi, nhiều hộ nông dân ở các xã Hoa Sơn, Tường Sơn, Bồi Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Minh Sơn đã bỏ các cây trồng khác chuyển sang trồng ớt và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa với giá cả và điều khoản dễ chịu hơn. Theo ông Phi, diện tích trồng ớt của bà con năm nay tăng lên nhanh chóng với hơn 30ha, nhưng khi đến mùa thu hoạch thì không thấy doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm nên bà con nông dân vô cùng hoảng loạn...

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh ở xóm 5, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn bức xúc cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đầu tư và trồng mới hơn 1ha ớt với tổng kinh phía hơn 10 triệu đồng, nhưng đến nay khi đến ngày thu hoạch không thấy doanh nghiệp đó đến thu mua sản phẩm nữa, gọi điện mãi cho họ, nhưng họ cứ hứa sẽ thu mua cho bà con, chờ mãi có thấy  đâu... Hiện tiền bán ớt 3 đợt gia đình tôi cũng chưa được phía doanh nghiệp này chi trả, bây giờ lấy gì để tái sản xuất. “Mấy ngày hôm nay, phía doanh nghiệp có trả lời với chính quyền xã, do họ không có đầu ra  nên không thu mua cho bà con nữa. Công sức tiền của bỏ ra bấy lâu nay thế là trắng tay”-ông Minh buồn bã nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mến – Trưởng xóm 5, xã Tường Sơn, cho hay: “Vụ ớt năm 2015 này, toàn xóm chúng tôi có 12ha trồng ớt... Tuy nhiên, khi đến vụ  thu hoạch không có ai đến thu mua, nên nông dân trong xóm đành phải phá bỏ hết cây ớt để trồng cây khác, chứ chờ mãi ớt cũng mất giá... Cũng theo bà Mến, vụ ớt năm nay các hộ dân chỉ được doanh nghiệp thu mua 1 lần với giá 5.500 đồng/kg, nhưng  tiền thì người dân cũng không nhận được vì khấu trừ vào số giống họ đầu tư ban đầu”.

Do chính quyền phá vỡ hợp đồng?

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết, vụ mùa 2014, xã có ký hợp tác với Nafoods đến mùa thu hoạch, họ sẽ thu mua và bao tiêu sản phẩm cho bà con ở mức có lời cho nông dân. Nhưng vụ 2015- 2016, do phía đối tác mới là Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa chủ động đến cấp giống, phân bón và hứa sẽ thu mua với giá cao hơn Nafoods, nên bà con chuyển sang hợp tác với doanh nghiệp này. “Tuy nhiên đến khi thu hoạch, doanh nghiệp này không vào thu mua cho bà con, gọi điện họ báo giá ớt xuống thấp không thể thu mua được, đến nay bà con đành nhổ bỏ cây ớt để trồng cây khác”- ông Thọ nói.

Trao đổi với ông Đoàn Công Nhạc – Giám đốc Công ty CP Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa thì ông này quả quyết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng và đầu tư vốn cho bà con, phân bón, thuốc trừ sâu... nhưng khi đến ngày thu hoạch bà con nông dân lại thất hứa với chúng tôi khi bán cho đối tác khác, chúng tôi chỉ mới thu mua được mấy tấn thôi. Mới đây, chính quyền xã Hoa Sơn cũng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với chúng tôi thì chúng tôi biết làm sao đây...”.

Ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện sự việc xảy ra ở Anh Sơn, chúng tôi đã nắm được. Chúng tôi đang chỉ đạo Hội Nông dân huyện triển khai báo cáo tình hình với chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, đồng thời sẽ tiến hành thống kê thiệt hại cho bà con, từ đó có phương án hỗ trợ cho bà con một cách hợp lý nhất...”.

Theo ông Phạm Duy Thái – Phó Tổng Giám đốc Nafoods: “Mùa vụ năm 2014, chúng tôi có ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm ớt cao sản cho bà con nông dân huyện Anh Sơn. Nhưng đến vụ mùa 2015, chính quyền địa phương có thương thảo và ký hợp đồng với đối tác mới, không ký hợp đồng với chúng tôi nữa”. Theo ông Thái, khi biết nông dân không có đầu ra hàng chục tấn ớt, công ty đã cử người đến thu mua, nhưng do cuối vụ ớt cũng không được chất lượng lắm nên công ty cũng chỉ thu mua được khoảng 20 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Lão nông tỷ phú làm giàu ở tuổi cổ lai hy Lão nông tỷ phú làm giàu ở tuổi cổ lai hy

Ở tuổi 75, lão nông tỷ phú Phan Văn Dẫu ở xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) vẫn hăng say lao động với nhiều kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất.

08/03/2016
Nuôi lợn siêu nạc cho thu nhập trên 500 triệu đồng Nuôi lợn siêu nạc cho thu nhập trên 500 triệu đồng

Trong những năm qua phong trào nuôi lợn siêu nạc đã được các địa phương trong cả nước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Người dân Bắc Kạn cũng đã mạnh dạn phát triển giống lợn siêu nạc này.

08/03/2016
Cán bộ phường mê làm nông nghiệp sạch, độc, lạ Cán bộ phường mê làm nông nghiệp sạch, độc, lạ

Anh Ngô Xuân Điền (SN 1988) - chủ hàng loạt cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch, độc, lạ - đang khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi anh tốt nghiệp chuyên ngành điện, điện tử và hiện công tác tại UBND phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ.

09/03/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.